Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trớ trêu nêu trên do từ giai đoạn điều tra ban đầu, kỹ năng của điều tra viên quá ẩu. Nhiều chứng cứ không được xem xét, thu thập kỹ lưỡng, vi phạm nghiêm trọng hàng loạt thủ tục tố tụng khiến hiện tại cơ quan chức năng cũng phải bó tay, không thể nào khắc phục được nhiều lỗi “chết người” này.
Quá chú trọng vào lời nhận tội của bị cáo
Theo bản án sơ thẩm, hành vi phạm tội của Mai như sau: Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 12/11/2004, Mai được chủ trang trại Dương Bá Tuân thuê đi rải phân để trồng mì.
Lê Bá Mai trong một phiên tòa |
Trong lúc rải phân, Mai thấy cháu Thị Út (11 tuổi) và Thị Hằng (9 tuổi), đều là người dân tộc Stiêng, mót củ sắn ở gần đó. Sau khi rải phân xong, Mai về chòi lấy xe máy của ông Tân, chạy đến chỗ cháu Út và cháu Hằng, dừng xe rủ cháu Út vào vườn mít để hỏi chuyện. Cháu Út lên xe Mai và kêu cháu Hằng trông xe đạp.
Mai chở cháu Út vào vườn mít cách chỗ mót củ đậu khoảng 1,5 km, dừng xe dẫn cháu Út đi tiếp nhưng đi khoảng 80m thì cháu Út không đi nữa. Mai đòi giao cấu nhưng cháu Út không đồng ý và dọa sẽ về nói lại cho bố mẹ biết.
Mai dùng tay phải chặt mạnh vào gáy cháu Út làm cháu bất tỉnh rồi giao cấu với cháu. Giao cấu xong, Mai cởi quần cháu Út, lật úp người cháu rồi cầm ống quần luồn qua cổ cháu cột lại với nhau, thắt hai nút. Sau đó Mai bế cháu Út lại gốc mít cách chỗ giao cấu 3,5m rồi lấy xe về chòi.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần một Mai nhận tội. Luật sư (chỉ định) cũng bào chữa cho Mai theo hướng Mai có tội. Tòa tuyên phạt Mai 18 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em và tử hình về tội giết người, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Một bản án tương xứng với hành vi kẻ thủ ác phạm phải hai tội tày trời cùng một lúc như thế.
Nếu Mai không kháng cáo và án sơ thẩm có hiệu lực, có lẽ giờ này gia đình đã làm giỗ cho Mai được sáu bảy lần rồi. Nhưng sau phiên xử sơ thẩm lần một, một biến cố lớn đã kéo theo chuỗi thủ tục tố tụng rắc rối và đầy tranh cãi: Mai kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần một, Mai chuyển sang yêu cầu khác là kêu oan. Lần này, hai luật sư Trịnh Thanh và Phan Long Ẩn bào chữa cho Mai đã đưa ra nhiều điểm mâu thuẫn, không khách quan trong chứng cứ buộc tội.
Thế nhưng trong bản án, tòa chỉ ghi rất sơ sài là: đại diện viện kiểm sát đã đưa ra những chứng cứ và lập luận để khẳng định chính Mai là hung thủ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cùng kết quả thẩm vấn công khai tại tòa, tòa xác định Mai bị tòa sơ thẩm tuyên tử hình là đúng người, đúng tội, không oan ức như lời khai nại của Mai. Tòa tuyên y án sơ thẩm.
Lê Bá Mai suýt bị xử bắn vì hai bản án đầy lỗi tố tụng
Án phúc thẩm lần một có hiệu lực. Mai đối diện trước nguy cơ bị tử hình bất cứ lúc nào. Để tránh cho Mai không bị đem ra xử bắn ngay, gia đình Mai làm đơn kêu oan gửi đến Chủ tịch nước xin hoãn thi hành án vì có nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ.
Căng thẳng, hồi hộp chờ đợi từng ngày. Cuối cùng may mắn đã mỉm cười với Mai: Chủ tịch nước chỉ đạo xem xét lại toàn bộ vụ án Vườn Mít. Cuối năm 2006, VKSND Tối cao ra kháng nghị đối với vụ án.
Kháng nghị viết: “Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án nhận thấy tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm kết án Lê Bá Mai về tội “giết người” và tội “hiếp dâm trẻ em” là chưa có căn cứ vững chắc, còn một số vấn đề cần phải được điều tra làm rõ”.
Theo kháng nghị, về lời khai nhận tội của Mai, tại cơ quan điều tra, bản khai đầu tiên vào ngày 16/11/2004 Mai không nhận tội, còn các bản khai sau đó và tại phiên tòa sơ thẩm Mai nhận tội nhưng tại phiên tòa phúc thẩm Mai đã kêu oan.
Ngay trong lời khai nhận tội của Mai lại có nhiều mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm tử thi, lời khai của cháu Hằng và của nhân chứng Điểu Ky (anh trai của cháu Út, cha của cháu Hằng).
Đó là về màu sắc chiếc quần cháu Út mặc, khi Mai khai cháu mặc quần lửng màu xám, khi thì khai cháu mặc quần lửng thun màu trắng đục.
Biên bản khám nghiệm tử thi xác định “xiết quanh cổ nạn nhân là chiếc quần thun ống dài có hai túi phía trước” nhưng lời khai của cháu Hằng và Điểu Ky thì khẳng định cháu Út mặc quần lửng màu xanh (?!).
Về đặc điểm của người chở cháu Út, theo Mai khai sau khi rải phân xong, Mai và anh Nguyễn Văn Trong (người cùng làm thuê, ở cùng chòi rẫy với Mai) trở về chòi rồi Mai mới lấy xe đi xuống chỗ hai cháu bé, xe không chở vật gì.
Anh Trong cũng khai tương tự như vậy. Nhưng cháu Hằng tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa đều khai người thanh niên chở cháu Út đi trên xe có chở bình xịt rầy dẹp màu xanh và một thùng nước đá màu đỏ treo ở ghi đông xe.
Ngoài ra, theo lời khai của Mai thì trên tay cháu Út cầm một củ sắn, ăn chưa Mai không nhớ. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện củ sắn đã bị cắn một phần. Vậy mà tại biên bản khám nghiệm tử thi lại xác định “dạ dày chứa thức ăn đã tiêu hóa”, chứ dạ dày không có chứa củ sắn.
Còn cháu Út là người dân tộc Stiêng, cũng chưa làm rõ cháu có biết tiếng Việt hay không? Vì nếu cháu Út biết được tiếng Việt thì mới hiểu được các câu nói của Mai.
Theo biên bản khám nghiệm tử thi, mặt nạn nhân bị phân hủy biến dạng, thể tạng nhỏ, xiết quanh cổ nạn nhân là chiếc quần thun ống dài có hai túi phía trước. Ngược lại, theo lời khai của Điểu Cẩn (cha của cháu Út) thì cháu là người khỏe mạnh, mập mạp hơn những cháu cùng tuổi.
Quần của cháu Út mặc khi chết theo lời khai của cháu Hằng và Điểu Ky và lời khai của Mai cũng khác nhau. Trong khi đó, hồ sơ vụ án không có một tài liệu nào thể hiện đã cho gia đình nạn nhân nhận dạng và gia đình nạn nhân đã căn cứ vào các dấu vết, đặc điểm gì để xác định nạn nhân là cháu Út.
“Tất cả những mâu thuẫn nêu trên chưa được tiến hành đối chất làm rõ, vì nếu theo lời khai của Hằng, của Điểu Ky, các biên bản khám nghiệm hiện trường, tử thi thì người chở Út không phải là Mai và nạn nhân chưa có cơ sở để kết luận đó là Út”, kháng nghị nêu.
Nhân chứng, và gia đình người bị hại đột nhiên thay đổi lời khai
Về lời khai của cháu Hằng (lúc chứng kiến vụ án, cháu Hằng mới có 9 tuổi), bản kháng nghị chỉ rõ cháu Hằng là người duy nhất trực tiếp thấy người thanh niên chở cháu Út đi, nhưng lời khai của cháu Hằng vừa mâu thuẫn với lời khai của Mai vừa mâu thuẫn với các lời khai của cháu Hằng trong các lần khai khác nhau.
Việc cháu Hằng thay đổi lời khai, nhưng điều tra viên không cho cháu Hằng nhận dạng có đúng là Mai hay không là vi phạm nghiêm trọng Điều 139 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) về nhận dạng.
Về lời khai của anh Điểu Ky, anh nghe sự việc từ cháu Hằng kể lại, do vậy lời khai của anh phù hợp với lời khai của cháu Hằng. Nhưng các lời khai này không chỉ mâu thuẫn với lời khai của Mai mà còn mâu thuẫn với lời khai của chính Điểu Ky.
Điều kỳ lạ là những lời khai ban đầu của cháu Hằng và anh Điểu Ky đều không khai “người thanh niên” chở cháu Út đi là Mai, nhưng đến cuối bản khai hồi 13 giờ 20 phút ngày 16, anh Điểu Ky nghi ngờ “người thanh niên” là Mai. Và tiếp đó, bản khai lúc 14 giờ 10 phút ngày 16, cháu Hằng cũng thay đổi, khai “người thanh niên” đó là Mai. Vậy vì sao cả anh Điểu Ky và cháu Hằng lại có sự thay đổi này cũng chưa được làm rõ.
Ngoài ra, lời khai của các anh Nguyễn Văn Trong và Đỗ Thanh Trường là những người cùng làm, cùng ăn ở với Mai mâu thuẫn với lời khai nhận tội của Mai nhưng không được tiến hành đối chất.
Đặc biệt là lời khai của anh Trong cùng đi rải phân, cùng về với Mai, có những mâu thuẫn với nhau chưa được làm rõ.
Theo Xa lộ pháp luật