Tử thần trên đỉnh núi Chuông

Thứ tư, 16/10/2013, 07:57
Nghe tiếng kẻng leng keng phát ra từ đỉnh núi Chuông (xã Tân Lĩnh, Lục Yên, Yên Bái), gần chục người dân sống dưới chân núi chạy tán loạn.

Người thì dúi đầu vào gốc cọ. Kẻ thì lóp ngóp chui vào hốc rãnh. Sau tiếng nổ chát chúa của tiếng mìn phá đá họ mới dám mò ra và thấy mình may mắn chưa bị thần chết bắt đi.

"Mỏ tử thần" đe dọa 20 mạng người dân
Núi Chuông thuộc sự quản lý của Công ty Hùng Đại Dương chuyên khai thác đá, tuy nhiên, công ty này đã bán lại dự án cho hai đơn vị khác là Công ty Ấn Độ và Công Ty Phú Thái để khai thác đá xẻ. Việc khai thác đá được các công ty này triển khai bằng cách dùng thuốc nổ, bất chấp tính mạng của hơn 5 hộ dân với trên 20 nhân khẩu thuộc thôn 3 xã Tân Lĩnh đang sống dưới chân núi.
Để tiếp cận mỏ đá, chúng tôi phải vờ làm lái buôn đá và được anh Lục Văn Trường - một người dân thôn 3 dẫn vào chân núi để xem đá xanh - một loại đá có màu xanh ngọc dùng để tạc tượng. Mỏ đá nằm cách con đường lớn dẫn lên trung tâm huyện Lục Yên chỉ chừng 300m, thế nhưng chúng tôi phải lòng vòng qua con đường nhỏ cách đó gần 1km mới tiếp cận được mỏ đá.
Anh Lục Văn Nghia uất ức vì bị các mỏ đá hành hạ.
Gần đến núi Chuông, đã nghe tiếng máy khoan, máy xúc đua nhau gầm rú làm kinh động một góc rừng. Chúng tôi đang loay hoay tìm đường tiếp cận các hộ dân gần chân núi thì chạm mặt một bảo vệ to béo, trên tay cầm chiếc bộ đàm để cảnh giới người đi lại.
Người bảo vệ đưa ánh mắt nghi ngờ nhìn chúng tôi một lượt rồi gã đưa chiếc bộ đàm lên môi mà thét lớn: "Dừng lại!". Ngay lập tức, tiếng máy móc gầm rú trên đỉnh núi im bặt, gã xua tay ra hiệu cho chúng tôi nhanh chóng vượt qua con đường nhỏ mấp mô nằm dưới chân núi, trong khi những tảng đá to như cái bàn, ghế... vẫn lịch bịch lăn trên đầu.
Trông thấy một tảng đá lớn đang từ trên đỉnh núi bay xuống, anh Trường mắt tròn xoe, mặt tái mét vội vàng tăng ga xe thật nhanh, nhưng không may sự vội vàng đã làm anh lái con xe cà tàng bay thẳng xuống ruộng lầy, còn tảng đá to như cái ghế bay xuống chân núi cách đó chừng vài mét cuốn theo bụi mù mịt. Anh cố sức nhảy lên bờ lôi chiếc xe ra khỏi bùn lầy rồi lập cập lái xe ra khỏi cung đường chết chóc.
Vừa qua một phen hú vía, anh Trường trèo lên một mô đất cao rồi nhìn lên đỉnh núi Chuông mà ngán ngẩm: "Ngày nào máy móc cũng gầm rú đinh tai nhức óc như vậy. Mỗi khi có đá lăn hoặc nổ mìn đánh đá thì hơn 20 mạng người dưới chân núi lãnh đủ vì bụi, đá văng...".
Nổ mìn làm đá bắn khắp nơi
Kêu không ai cứu!
Gia đình anh Lục Văn Nghia cách khai trường khai thác đá chỉ chưa đầy 200m, là một trong số những hộ lãnh chịu hậu quả nặng nề của nạn khai thác đá uất ức mà than rằng: "Chắc chúng tôi phải đợi đến khi nào chúng nó (các công ty khai thác đá - PV) vạt xong núi Chuông thì mới hết cái cảnh sống chung với tử thần này".
Bị đày đọa đến đường cùng, vậy nhưng những người dân khốn khổ không biết kêu ai. Hôm nào không chịu nổi họ lại lên xã kêu cứu. "Nói là kêu vậy chứ có thấy ai cứu gì đâu. Mìn thì chúng nó vẫn đánh ầm ầm, bụi vẫn phủ, đá vẫn bay vun vút trên đầu.
Từ trước đến nay, các công ty đá ra sức vạt núi, không chỉ khai thác ngày mà ban đêm chúng nó cho công nhân khoan cắt thâu đêm dân không ngủ được. Có hôm chúng tôi báo cáo lên xã, xã đến hiện trường lập biên bản vi phạm, thế nhưng các công ty chỉ dừng khai thác đêm vài hôm rồi đâu lại vào đấy, kêu mãi, gào mãi cũng chán nên giờ chỉ còn biết bặm môi mà chấp nhận", anh Nghia cho biết.
Ngán ngẩm, tức giận, anh Nghia chắp tay sau mông hết đi ra lại đi vào, hết lên mỏm đất cao phía sau nhà để trông chừng trẻ con, trâu bò tránh đá lại lượn về nhà uống hớp nước. Anh bảo: "Chúng tôi ở đây như phát điên, làm cái gì cũng nơm nớp, vợ chồng vào đồi đi làm rẫy thì lại sợ mấy đứa trẻ ở nhà không biết đường tránh đá, sợ trẻ con thả trâu, bò ra gần bãi đá không may dính "đạn" thì mất của. Nếu không tin thì xin mời các anh ở lại để chứng kiến cảnh nổ mìn cho rõ".
Chúng tôi còn phải khổ đến bao giờ!
Sau thời gian ngắn chờ đợi, đến khoảng 17h 30 phút, tiếng máy khoan cắt trên đỉnh núi im bặt, chiếc máy cẩu cỡ lớn cũng rút lui, từ trên đỉnh núi vọng ra tiếng kẻng leng keng báo hiệu sắp nổ mìn. Nghe tiếng kẻng, gần chục con dân sống dưới chân núi lùa nhau tìm nơi trú ẩn, trẻ con thì đội nón, rổ, rá... núp vào góc nhà, những người làm nương rẫy, chăn trâu cắt cỏ thì bỏ cày vứt cuốc đuổi trâu, bò chạy tán loạn ra xa chân núi, người thì dúi đầu vào gốc cọ, kẻ thì lóp ngóp chui vào hốc rãnh.
Đứa con gái lớn của anh Lục Văn Nghia cũng vứt bỏ bao tải rơm trên lưng khi đi ngang qua chân núi Chuông rồi bỏ chạy thục mạng về nhà, chui vào gầm sàn ẩn nấp. Anh Lục Văn Trường cũng có mặt lúc đó hò hét chúng tôi lên nhà anh Nghia trú ẩn rồi uống cốc nước lánh "bom đá".
Những người trong nhà anh Nghia chưa ai kịp nhấp xong chén nước thì trên đỉnh núi vọng ra tiếng kẻng lần thứ hai rồi ngay lập tức những tiếng nổ đinh tai nhức óc phát ra, ngôi nhà bị chấn động kêu răng rắc, sau mỗi tiếng nổ, trên nóc nhà lại có đá bay vun vút rồi rơi bồm bộp xuống mái nhà tranh. Anh Nghia nhăn mặt uống nốt chén trà rồi than lên tuyệt vọng: "Không biết chúng tôi còn phải khổ đến bao giờ!...".
"Các công ty đá làm việc ở núi Chuông liên tục cả ngày lẫn đêm, sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các công ty khai thác đá phải đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cách đây mấy tháng xã đã xử phạt một công ty đá ở núi Chuông với số tiền là 1 triệu đồng vì tội hoạt động thâu đêm khiến người dân xung quanh không ngủ được".
Ông Hoàng Ngọc Chấn (Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên)
Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn