Dòng vốn ngoại tạo cú hích cho thị trường bất động sản

Thứ ba, 06/10/2015, 16:41
Tiềm lực tài chính của các quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài giúp doanh nghiệp địa ốc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Công ty An Gia Investment vừa ra mắt dự án Angia Skyline ở quận 7, TP.HCM. Đây là kết quả sau hơn 2 tháng Quỹ Creed Group (Nhật) ký hợp đồng hợp tác đầu tư 200 triệu USD vào An Gia. Tổng vốn của dự án 1.000 tỷ đồng, đối tác Nhật góp một nửa. Trong ngày mở bán, hơn 300 căn hộ Skyline đã được khách hàng chọn mua với mức giá khoảng 28 triệu đồng/m2 (chưa VAT).

Hơn 300 căn hộ Skyline của Công ty An Gia Investment được giao dịch thành công ngay trong ngày mở bán.

Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment cho biết, nguồn vốn vay từ ngân hàng không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng tăng của doanh nghiệp địa ốc, do khâu xét duyệt, thẩm định mất nhiều thời gian. Do đó, nguồn lực tài chính ổn định sẽ là tiền đề quan trọng để dự án thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng như cam kết với người mua. Hiện tỷ trọng nguồn vốn ngoại và trong nước tại An Gia Investment là 50:50.

"Dòng vốn nước ngoài đã tạo điều kiện cho công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Angia Skyline. Chúng tôi còn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý ưu việt từ Nhật Bản để phát triển các dự án đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam", ông Sáng chia sẻ.

Với lợi thế hợp tác này, mỗi năm, An Gia Investment sẽ xây dựng và đưa ra thị trường 2.000 căn hộ trung cao cấp. Đến năm 2020 sẽ cung ứng khoảng 10.000 căn hộ cao cấp tại trung tâm TP.HCM. Hiện công ty mới triển khai 4 dự án ở các quận trung tâm, tổng số vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường gần 2.000 căn hộ.

Tiềm lực tài chính từ khối ngoại giúp Công ty CP Đầu tư Nam Long thuận lợi hơn trong các chiến lược kinh doanh. Đơn vị này đang lên kế hoạch kết hợp cùng nhà đầu tư nước ngoài để phát triển tất cả các sản phẩm của Nam Long Group, trước hết là với một nhà đầu tư Singapore có tầm cỡ lớn trong khu vực Đông Nam Á. Nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 49% cổ phần của Nam Long và dự kiến sẽ rót tiền vào các dự án của công ty nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

"Chúng tôi quan tâm đến nhà đầu tư nước ngoài không chỉ về vấn đề tài chính mà việc hợp tác sẽ tạo cơ hội nâng cao quy trình phát triển, đem đến cho thị trường Việt Nam những sản phẩm có tiêu chuẩn tốt hơn", đại diện Nam Long chia sẻ.

Từ hiệu quả của việc hợp tác phát triển sản phẩm Flora Anh Đào thuộc dòng sản phẩm Flora cùng hai nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản là Hakyu Realty và Nishi Nippon Railroad, Nam Long đang thương thuyết cùng những đối tác này phát triển những dự án thuộc dòng sản phẩm Flora tiếp theo.

Dự án Angia Skyline tiếp cận với công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý ưu việt từ Nhật Bản, cung cấp những sản phẩm chất lượng ra thị trường.

Với Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), việc sở hữu hơn 100ha quỹ đất sạch có chi phí thấp tại quận 2 và quận 9 giúp doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư ngoại.

Ông Nguyễn Đình Bảo - Phó tổng giám đốc KDH cho biết, đó là những dự án tập trung tại quận 2 và quận 9, nơi có biên độ phát triển lớn bởi hạ tầng được đầu tư tới nơi tới chốn nhưng giá bất động sản còn thấp so với các khu vực khác. Tận dụng ưu thế đang có, nên Khang Điền đang có kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại, nhằm phát triển quỹ đất dồi dào ở khu Đông mà KDH đang sở hữu.

Đánh giá về thị trường địa ốc Việt, ông Yoshinori Yakabe - Phó tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM nhận định, Việt Nam là nước có dân số trẻ, tập trung đông ở các đô thị lớn, nhu cầu nhà ở còn rất lớn. Các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến việc đầu tư tại đây nhưng vẫn khá thận trọng trong việc lựa chọn đối tác chiến lược cũng như thời điểm tham gia thị trường. Điển hình, quỹ đầu tư Creed Group đã dành hơn một năm tìm hiểu thị trường Việt Nam trước khi quyết định ký kết hợp tác toàn diện, đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment.

Theo khảo sát từ Công ty CBRE, từ đầu năm đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường địa ốc TP.HCM. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã nhận hai nguồn vốn lớn là Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (rót 1,2 tỷ USD cho dự án khu phức hợp Empire City) và Tập đoàn Lotte (chi 2 tỷ USD cho dự án Smart Complex).

Bên cạnh FDI, các hoạt động đầu tư từ nước ngoài khác cũng phát triển mạnh. Tập đoàn Chow Tai Fook mua lại 4 tỷ USD giá trị cổ phiếu của khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An. Gaw Capital Partners - một quỹ đầu tư tư nhân Hong Kong, mua lại 4 dự án ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam và TP.HCM từ Indochina Land.

Nguồn vốn ngoại sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, cung cấp nhiều dòng sản phẩm chất lượng thu hút cả khách hàng trong và ngoài nước đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) nhìn nhận, nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào doanh nghiệp địa ốc Việt chứng tỏ họ thấy được sức hấp dẫn, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản. Những doanh nghiệp Việt Nam tạo được thương hiệu, uy tín, có triển vọng phát triển, nắm giữ quỹ đất lớn sẽ được nhà đầu tư ngoại "chọn mặt gửi vàng". Luật Kinh doanh bất động sản mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào những lĩnh vực trọng yếu cũng giúp họ yên tâm hơn về cơ chế, chính sách, giảm rủi ro về mặt pháp lý.

"Nhà đầu tư ngoại tham gia sẽ tăng thêm tính minh bạch, sức cạnh tranh, giúp thị trường phát triển bền vững. Người mua hưởng lợi vì các sản phẩm sẽ phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, tiến độ cùng hệ thống hạ tầng, dịch vụ tiện ích đi kèm hoàn chỉnh", ông Châu nói.

Chủ tịch HOREA còn cho rằng, nguồn vốn ngoại sẽ thúc đẩy quá trình "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm bất động sản. Các dự án sẽ thu hút khách hàng nước ngoài vì chuẩn mực đã nâng tầm, đáp ứng những nhu cầu cao cấp.

Các chuyên gia bất động sản nhận định, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản ngày càng nhiều cùng chính sách mua nhà dành cho người nước ngoài, Việt kiều thông thoáng hơn đã tạo điều kiện cho thị trường địa ốc khởi sắc.Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn ngoại và sử dụng hiệu quả nguồn lực này, các doanh nghiệp nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, hợp tác với những đối tác có sự phù hợp về tiêu chí, cân bằng về nguồn lực để mang lại hiệu quả tối đa, tránh bị thâu tóm. Điều quan trọng là doanh nghiệp nên tập trung vào những mô hình có thể đem lại sự thành công một cách công bằng cho cả đôi bên, luôn đề cao sự minh bạch mới có thể hợp tác bền vững.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm, thị trường địa ốc đón nhận 19 dự án đầu tư mới, 7 dự án tăng vốn. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,81 tỷ USD. Đây là lĩnh vực đón nhận dòng vốn ngoại cao thứ 3 trong 17 ngành có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, sau công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cũng cho thấy, sau 3 quý, tổng mức đăng ký của các dự án có vốn nước ngoài vào bất động sản ở TP.HCM đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích