Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành sau phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, "cái chết" của 3 tòa tháp cao nhất quận 1 đang làm xấu bộ mặt TP.HCM.
Một trong ba dự án lớn trên địa bàn Quận 1 đang bị phủ bụi. Ảnh minh họa |
Cụ thể gồm Saigon One Tower, tòa tháp SJC và Lavenue Crown, cả ba dự án trên đều là ba dự án lớn nhất nằm ở vị trí "đất vàng" khu trung tâm quận 1. Cả 3 dự án đều được kỳ vọng là những điểm nhấn của thành phố nhưng tới giờ chỉ là khối những tòa nhà thô "đen đủi" đồ sộ, nằm trơ trọi và xuống cấp từng ngày.
Điển hình như Saigon One Tower, bảy năm sau ngày khởi công, tòa nhà cao thứ 3 ở TP.HCM này hiện cũng đang "phủ bụi", cỏ mọc um tùm.
Theo thiết kế, cao ốc này trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế. Nhưng khi hoàn thành hơn 80% hạng mục, dự án vẫn đang nằm "bất động" suốt nhiều năm qua.
Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành thừa nhận, cái chết của 3 tòa cao ốc trên đúng là đang làm xấu bộ mặt của quận 1 và làm xấu cả bộ mặt chung của thành phố.
Tuy nhiên, nếu chỉ điểm mặt 3 dự án trên thì chưa đủ. Ông Đực cho biết, những dự án tương tự, có tổng đầu tư lớn, nằm ở các vị trí trung tâm của thành phố nhưng cũng đang có chung số phận với các dự án trên tính tổng phải lên tới gần 500 dự án.
Theo vị chuyên gia, tất cả đều là hậu quả của sự chạy đua phát triển BĐS nóng, phát triển không bền vững dẫn tới tình trạng mất cân bằng về cung - cầu. Sự phát triển thiếu ổn định là nguyên nhân khiến thị trường BĐS khi phát triển quá nóng, lúc đóng băng không có giao dịch. Bên cạnh đó, sự yếu kém về năng lực, trình độ cũng như tầm nhìn của một số chủ đầu tư đã kéo theo sự tính toán đầu tư trong từng phân khúc thị trường không phù hợp, không đúng thời điểm vì thế mà xây nhà xong nhưng không bán được. Cộng thêm tác động lạm phát và tăng lãi suất hơn 25%/năm đã lấy hết tiền của doanh nghiệp.
Những tác động từ sự suy thoái của nền kinh tế cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc không đủ điều kiện hạ tầng để đưa vào sử dụng phải chịu cảnh bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Từ chỗ tồn kho bất động sản lớn, không bán được hàng thì chủ đầu tư lại phải chịu lãi suất ngân hàng cao lên... vì vậy, không chỉ có 3 cao ốc tại quận 1 nằm chết mà có tới gần 500 cao ốc khác đang sống không được, chết không xong là như vậy.
Một vấn đề nữa rất quan trọng theo ông Đực chính là sự lỏng lẻo, thiếu hiệu quả trong điều hành, quản lý đã khiến thị trường BĐS phát triển thiếu ổn định trong thời gian qua.
"Hiện có một thực tế mà đến cả Chính phủ, Bộ Xây dựng, Cục quản lý xây dựng bao nhiêu năm nay vẫn không có được giải pháp xử lý. Đó là tình trạng chủ đầu tư có một đồng vốn nhưng thực hiện tới 3-4 dự án mà không cơ quan quản lý nào kiểm soát được".
Theo ông Đực, quy định nay chỉ cho phép các cơ quan quản lý quản lý từng dự án một chứ không quản lý được toàn bộ doanh nghiệp đang thực hiện mấy dự án. Ví dụ, doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính đang có khoảng 100 tỷ, với 100 tỷ đó chủ đầu tư chỉ đủ hoàn thiện cho một dự án. Tuy nhiên, vẫn bằng 100 tỷ đó, chủ đầu tư lại đăng ký thêm nhiều dự án khác, việc một đồng vốn của chủ đầu tư bị xé nhỏ cho nhiều dự án, đã dẫn tới tình trạng dự án nào cũng thiếu, cũng đói vốn, phải bỏ dở vì hết tiền.
Trả lời cho câu hỏi: Giải pháp nào để xử lý những dự án trên?, ông Nguyễn Văn Đực nói thẳng, cái chết của gần 500 cao ốc đó thì mỗi cao ốc lại có một nguyên nhân, một căn bệnh khác nhau, vì vậy, muốn xử lý cho được những dự án trên thì phải nắm được bệnh tình của từng dự án.
"Giải cứu cao ốc không đơn giản chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính như đưa ra những quy định cứng nhắc là thu hồi dự án hay thay chủ đầu tư. Càng không thể giải cứu chỉ qua một lời phát biểu của ông A, hay ông B mà có thể khiến các dự án hôm nay nằm chết, ngày mai sẽ đẹp đẽ lại được ngay. Đó là chuyện không tưởng", ông Đực nhấn mạnh.
Quay lại câu chuyện của 3 tòa tháp tại quận 1, ông Đực cho hay, trong số rất nhiều nguyên nhân đã nêu ra thì nguyên nhân quan trọng đối với những dự án đang được triển khai dở dang chính là do tiềm lực tài chính bị cạn kiệt. Đây cũng chính là nguyên nhân, là bệnh tình chính dẫn tới "cái chết" của các tòa cao ốc trên.
Vì vậy, để "chữa bệnh" cho các dự án này, ông Đực cho rằng cần phải có được giải pháp căn cơ, cụ thể, phù hợp với từng dự án nếu không cuối cùng các cao ốc trên vẫn chỉ như "Từ Hải chết đứng giữa trời".
Ông mạnh dạn đề xuất, nên lập ra loại cơ quan hay công ty chuyên "giải cứu cao ốc". Theo vị chuyên gia, đây là giải pháp khả thi nhất, tiết kiệm nhất.
"Nó cũng giống như các công ty giải cứu lợn, gà, rau củ quả... nhưng là giải cứu các tòa cao ốc. Công ty này sẽ có trách nhiệm nhận phí để đứng ra kết nối thông tin tìm hiểu tình trạng của các bên như chủ đầu tư, khách hàng, chủ nợ... từ đó sẽ xác định các nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể với từng dự án. Như vậy, sau hàng loạt các loại hình giải cứu, chúng ta sẽ có khoảng gần 500 vụ giải cứu các tòa cao ốc trên thành phố", ông Đực dự báo.
Theo Đất Việt