Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc bảo hiểm y tế?

Thứ hai, 14/05/2012, 14:24
Trong vài tuần qua, nhiều bệnh nhân khám bệnh mãn tính diện bảo hiểm y tế tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM than phiền thiếu một số thuốc đặc trị quen thuộc.

 

>> Lạm dụng BHYT: phức tạp, khó kiểm soát
>> Tăng giám định, cân đối BHYT
>> Đề nghị truy tố thêm 1 bị can vụ “rút ruột” BHYT Bệnh viện Chợ Rẫy
>> Hướng dẫn thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông





Bệnh nhân BHYT chờ khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy . Ảnh: minh họa - Internet

 

Ngày 11.5, tại phòng khám tim mạch can thiệp, sau khi được bác sĩ khám xong bước ra ngoài, ông P.V.T., 58 tuổi, lặn lội từ Quảng Ngãi vào khám, than phiền tháng này phải bỏ 700.000 đồng để mua 30 viên Plavix 75mg, thay vì được miễn phí như những tháng trước. Ông nói: “Lương hưu của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng, bỏ ra một số tiền như thế là quá lớn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài Plavix, một số thuốc tim mạch hoặc tiểu đường cũng không còn, như: Imdur 60mg, Micardis 40mg, Concor 5mg, Herbesser 100mg, Glucophage 1g. Như thế, nếu bệnh nhân nào bị bệnh tim mạch lẫn tiểu đường, số tiền tự bỏ ra để mua thuốc điều trị quả không nhỏ.

Đặt vấn đề này với PGS.TS Nguyễn Văn Khôi, phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, ông trả lời: “Bệnh viện thiếu thuốc thì không còn là bệnh viện nữa vì không thể hoạt động. Thuốc bệnh viện mua phải qua đấu thầu, như thế có lúc mặt hàng này hoặc mặt hàng khác phải hụt vì công ty không cung ứng kịp. Nếu bệnh nhân muốn có đúng loại thuốc đã từng dùng, bệnh viện không có, họ phải tự bỏ tiền ra mua. Trong thực tế, bệnh viện luôn có thuốc thay thế, dù tên biệt dược có khác, nhưng tên gốc như nhau và hiệu quả cũng như nhau”.

Với tốc độ khám trung bình 1 phút/bệnh nhân như tại phòng khám các bệnh viện hiện nay, chuyện bác sĩ giải thích, tư vấn cho bệnh nhân hay cân nhắc khi kê toa là điều xa xỉ.

Thế nhưng, khi trao đổi với một số bác sĩ tại phòng khám, chúng tôi được nghe những giải thích khác. Một bác sĩ nói: “Plavix có tác dụng ngăn hình thành cục máu đông, được khuyến cáo dùng cho những bệnh nhân sau khi đặt stent vì nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của nó. Tên gốc của Plavix là Clopidogrel, một số công ty cũng điều chế được thuốc tương tự, nhưng vấn đề là các thuốc đó không có hoặc có ít nghiên cứu, nên bác sĩ không dám dùng cho bệnh nhân. Một đằng Plavix có giá hơn 20.000 đồng/viên, một đằng thuốc thay thế chỉ có giá một nửa, vậy thuốc nào tốt bằng?”

Theo PGS.TS Trương Quang Bình, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, các mặt hàng thuốc chính phẩm được nghiên cứu rõ ràng vì thế được bác sĩ tin tưởng sử dụng, nếu phải thay thế, bác sĩ phải chọn những thuốc đã qua thử nghiệm tương đương sinh học, nếu không còn thì mới chọn các thuốc chưa qua thử nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Bình, bác sĩ còn phải cân nhắc dựa trên tình hình tài chính và niềm tin của bệnh nhân.

Trong thực tế, với tốc độ khám trung bình 1 phút/bệnh nhân như tại phòng khám các bệnh viện hiện nay, chuyện bác sĩ giải thích, tư vấn cho bệnh nhân hay cân nhắc khi kê toa là điều xa xỉ. Như thế, đối với bệnh nhân diện bảo hiểm y tế, nếu phải đi khám hàng tháng đành trông chờ vào chuyện “may rủi”, tháng nào bệnh viện còn thuốc thì nhờ, tháng nào hết thuốc thì chỉ còn biết bỏ tiền ra mua nếu muốn xài thuốc tốt.


Theo SGTT

Các tin cũ hơn