Người giúp việc gia đình vẫn đứng ngoài cuộc

Thứ sáu, 04/01/2013, 07:31
Theo NĐ103, từ 1.1.2013, người giúp việc gia đình sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng, đồng nghĩa với việc họ cũng được đảm bảo các quyền lợi như được tham gia BHXH, BHYT... Nhưng quy định này chỉ tồn tại trên giấy.

Hiện cả người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình đều không muốn tham gia các chế độ bảo hiểm và ký kết hợp đồng lao động, mà chỉ thỏa thuận mức lương bằng miệng.

Nghề tiềm ẩn rủi ro cao

Theo NĐ 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc tại DN, HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan tổ chức có thuê mướn người lao động, mức lương tối thiểu vùng của NLĐ sẽ tăng từ 250.000 – 350.000đ/tháng so với quy định tại NĐ 70/2011/NĐ-CP trước đây, và được áp dụng từ 1.1.2013.

Nghị định cũng nêu rõ, NLĐ và người sử dụng LĐ khi thỏa thuận tiền lương phải đảm bảo mức tiền lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Trong nhóm đối tượng được quy định mức lương tối thiểu này có một nhóm đối tượng yếm thế, đó là giúp việc gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn San – Giám đốc BHXH quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - hiện NLĐ GVGĐ đang gặp nhiều khó khăn trong công việc. Có đến trên 90% số người GVGĐ chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà và rất hiếm có giao kèo bằng văn bản hợp đồng. Phần lớn GVGĐ không được tham gia BHXH-BHYT. Do không có hợp đồng chặt chẽ, nên khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi luôn thuộc về người GVGĐ.

giup viec


Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho GVGĐ, thì nên hướng dẫn họ tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 20% trên mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng, tức là họ phải đóng khoảng 210.000 đồng mỗi tháng. Chủ sử dụng LĐ GVGĐ phải có đăng ký tạm trú, tạm vắng với địa phương, sau 1 năm nếu không tiếp tục tham gia họ sẽ được thanh toán.

Nhưng đây là vấn đề khó vì hiện nay cả chủ sử dụng và bản thân người GVGĐ cũng chỉ muốn làm việc theo hợp đồng miệng với mức lương tự thỏa thuận và phần lớn cũng không muốn hợp đồng và tham gia BHXH. Do vậy để đảm bảo quyền lợi cho GVGĐ, các gia đình nên mua thẻ BHYT cho họ với mức 567.000đ/năm để giúp họ khi ốm đau có hỗ trợ khám, chữa bệnh.

Nghề GVGĐ là nghề luôn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bởi họ không được bảo vệ khi tranh chấp với chủ và luôn chịu phần thiệt thòi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan đang giúp việc tại một gia đình ở Cầu Giấy cho biết, công việc cực kỳ vất vả, làm việc luôn tay nhưng mức lương chỉ được 2,2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng may chủ nhà tốt, nếu không thì khó mà trụ được.

Áp lực công việc cao nhưng nghề nghiệp của họ chưa được xã hội coi trọng. Không phải chủ nào cũng coi trọng người giúp việc, đôi khi họ còn bị mắng chửi, nhiều trường hợp đã bị bạo hành, đánh đập dã man.

Có trường hợp GVGĐ đã bị giết chết tại KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai, HN hay vụ GVGĐ Phạm Thị Phương 59 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội bị chủ nhà tại 95 Kim Mã, Ba Đình đánh đập, chửi bới, bắt uống nước sôi, đổ cả nước sôi vào người gây bỏng nặng...

osin

Rèn luyện kỹ năng cho người giúp việc trong gia đình (ảnh minh hoạ).

GVGĐ phải được coi là một nghề

Theo đại diện một Cty làm dịch vụ vệ sinh công nghiệp tại các nhà máy và tòa nhà cao tầng, phần lớn lao động phổ thông đi làm nghề GVGĐ đều đã đứng tuổi, làm theo kiểu mùa vụ, không thích ràng buộc bằng các bản hợp đồng, cứ lương cao là họ làm.

Do vậy, những Cty làm dịch vụ vệ sinh rất khó tuyển lao động, cho dù khi ký HĐLĐ họ sẽ được hưởng mức lương thấp nhất cũng bằng mức lương tối thiểu vùng quy định và được tham gia các quyền lợi như BHXH-BHYT... Nhưng mức lương như vậy cũng rất eo hẹp, không thể trụ được ở thành phố vì họ phải chi phí tiền ăn và tiền thuê nhà...

Theo một khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, cho thấy 85% số người GVGĐ có học vấn THCS trở xuống, với mức lương trung bình 2,7 triệu đồng/tháng.

Trong đó 3 nhóm chính sử dụng GVGĐ là các hộ gia đình cán bộ viên chức, nhà nước, buôn bán kinh doanh nhỏ và hưu trí. Phần lớn GVGĐ được tuyển qua trung tâm với mức phí môi giới trung bình của người sử dụng lao động là 700.000 - 1.000.000đ/lần và người giúp việc là 300.000 – 500.000đ/lần.

Theo bà Trần Kim Thoa - trú tại phố Yết Kiêu, Hà Nội - thì GVGĐ cần được coi là một nghề nghiệp, người làm GVGĐ phải được qua đào tạo, vì phần lớn họ đều ở các vùng nông thôn ra, mọi sinh hoạt ở thành phố đều mới lạ, nếu được đào tạo qua các kỹ năng làm việc sẽ là điều kiện tốt cho họ.

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 cũng đã bổ sung thêm một số quy định về người GVGĐ. Cụ thể, tại Điều 179 đến Điều 183 quy định rõ: “Người SDLĐ phải ký HĐLĐ bằng văn bản với người GVGĐ.

Thời hạn của HĐLĐ đối với LĐ là người GVGĐ do hai bên thoả thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong HĐLĐ về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở”. Những quy định này được đánh giá là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Theo Laodong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn