Các chỉ tiêu đều không đạt
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), năm 2012 đã tạo việc làm mới cho 1.520 nghìn người (đạt 95% kế hoạch), tuy không đạt kế hoạch nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, đây là một cố gắng lớn, trong đó: Giải quyết việc làm trong nước cho 1.440 ngàn người (đạt 95,36%), số việc làm tăng thêm 1.316,5 nghìn người, số việc làm thay thế 123,5 nghìn người.
Trong đó công tác đào tạo nghề cũng chỉ đạt 78,6% kế hoạch, khoảng 1.493 nghìn người, trong đó: Tuyển mới trung cấp nghề, cao đẳng nghề 213,2 nghìn người (đạt 47,4%); tuyển mới sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 1.280,2 nghìn người (đạt 88,3%).
Tỉ lệ LĐ qua đào tạo nghề năm 2012 đạt 33,5%. Nguyên nhân, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều DN phải giảm, tạm dừng SXKD hoặc phá sản. Nhưng một số địa phương vẫn tạo được nhiều việc làm mới cho NLĐ, như: TPHCM 289 nghìn người; Hà Nội 135 nghìn người; Bình Dương 45 nghìn người; Hải Phòng 49,5 nghìn người. Đặc biệt, một số tỉnh miền núi, kinh tế khó khăn như Lào Cai, Hà Giang, Bình Phước... vẫn vượt kế hoạch giải quyết việc làm của địa phương.
Học viên học nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề Hà Nội. Ảnh: Đ.T |
Năm 2012, ngành LĐ đã mở trên 600 phiên giao dịch việc làm ở 43 tỉnh, thành phố với tần suất giao dịch tăng gấp 1,2 lần so với năm 2011 (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 30-40 DN và từ 600-800 LĐ tham gia, trong đó có khoảng 400 LĐ được sơ tuyển, phỏng vấn...).
Phát triển chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề đã hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho 160 nghìn LĐ, tuy không đạt kế hoạch, nhưng đây là kết quả khá cao trong điều kiện nguồn vốn của quỹ mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người dân và doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực dự báo thị trường lao động
Phát biểu tại hội nghị, các địa phương đều cho rằng cần tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn; tập trung nguồn lực vào thực hiện các chính sách giảm nghèo; nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội...
Năm 2013, ngành LĐ phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc làm. Đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu tại chỗ “ly nông bất ly hương”...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành LĐTBXH đạt được trên các mặt công tác trong năm 2012. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KTXH của đất nước.
Đề nghị ngành LĐ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực LĐTBXH; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý của ngành; nâng cao năng lực dự báo nhất là dự báo về lao động, nhu cầu lao động; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp về các vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Đào tạo nghề ở khu vực nông thôn theo hướng gắn liền với công việc người dân đang làm để họ có kiến thức tốt hơn, tạo ra năng suất lao động cao hơn...
Theo Laodong