Tôi đã đi tìm những người hát xẩm trên các chuyến tàu điện của Hà Nội năm xưa. Tìm mãi, hỏi mãi cuối cùng mới gặp được ông Nguyễn Văn Gia (thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).
Duyên hát xẩm
Ông Gia là em út trong gia đình có 3 chị em. Ngày nhỏ ông có năng khiếu âm nhạc. Lớn lên ông vừa học phổ thông, vừa học âm nhạc. Với ước mơ sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ cải lương, ông Gia theo học lớp cải lương trong trường điện ảnh. Nhưng rồi một trận ốm thập tử nhất sinh đã khiến cuộc đời ông rẽ sang hướng khác.
“Năm 17 tuổi, khi đó tôi vừa học lớp 10, vừa học năng khiếu về âm nhạc. Lúc đầu tôi bị ốm đọc sách mắt cứ mờ dần, nghĩ rằng chỉ bị đau mắt hột, mua thuốc nhỏ mắt sẽ sáng trở lại. Nhưng mắt tôi cứ mờ dần, mờ dần. Việc học hành khó khăn, tôi nói với bố mẹ là cho đi khám.
Bác sĩ ở Bệnh viện Mắt T.Ư chẩn đoán mắt tôi bị viêm màng bồ đào. Đây là căn bệnh hiếm gặp, y học ngày đó không thể chữa được. Các bác sĩ bảo nếu muốn chữa phải sang nước ngoài. Gia đình tôi nghèo, chạy ăn từng bữa, lấy tiền đâu mà sang bên đó. Mọi người đành ngậm ngùi để tôi chìm vào bóng tối”, ông Gia buồn rầu kể lại.
Lúc đó ông tuyệt vọng hơn bao giờ hết và đã nghĩ đến cái chết để giải thoát. Song ông Gia tự dặn lòng mình phải sống để làm việc có ý nghĩa. Vốn có khiếu về âm nhạc, được học về hát cải lương nên ông đã nhanh chóng tìm được công việc phù hợp với mình.
“Vào một buổi chiều năm 1960, tôi đi ra bờ hồ Hoàn Kiếm chơi, thấy cụ “trùm xẩm” Nguyễn Văn Nguyên hát xẩm rất hay. Tôi ngồi mê mẩn nghe cụ hát đến tối mịt.
Thấy tôi thích món hát xẩm, cụ Nguyên bảo hát thử một bài hát bất kỳ. Nghe xong thấy giọng hát của tôi ấm áp, cụ đã cho theo và học hát xẩm. Vừa học của cụ, tôi vừa sáng tác thêm những điệu mới cho phù hợp với chất giọng của mình. Và chỉ thời gian ngắn tôi đã có có thể đi hát riêng”, ông Gia cho biết.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Gia vẫn say sưa với xẩm. |
Mười năm hát xẩm tàu điện
Ông Gia tâm sự: “Ngày đó hát xẩm tàu điện chủ yếu cho công chức, công nhân, người buôn bán nghe. Tôi đi hát lang thang trên tàu điện, chợ ở Hà Nội hàng chục năm trời. Đi hát xẩm ngày đó chỉ hơn ăn xin một chút là mình bỏ sức lực ra hát, người nghe thấy hay thì cho vài hào. Đi hát cả buổi có hôm chỉ được bát phở. Ai cho thì lấy, chúng tôi không chìa tay xin tiền như ăn xin. Tuy nhiên, cũng bị khinh ghét, coi thường”.
Ông Gia cho hay, được một thời gian thì số lượng người đi hát xẩm rong ở Hà Nội lên tới hàng trăm. Chính quyền cấm tụ tập đông người. Vì thế, việc kiếm sống trở nên khó khăn. Ông lại chuyển đi hát ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai.
“Hát ở tỉnh lẻ vừa dễ kiếm sống, vừa không bị đuổi. Thời đó tiền có mệnh giá cao nhất là 10 đồng, đi hát kiếm được 1 đồng là quý lắm. Mỗi chuyến đi như vậy cũng phải mất tuần lễ, số tiền kiếm được khoảng 10 đồng. Tôi về mua gạo cho cả nhà ăn chỉ được một tuần”, ông Gia cho biết.
Vợ chồng ông Gia hạnh phúc bên nhau. |
“Có tiền không mà vào đây”
Có lần ông Gia lên tàu vào tận trong TP Vinh, tỉnh Nghệ An để hát xẩm. Đi hát nhiều tỉnh, nhưng ông chưa thấy nơi đâu quý người hát xẩm như trong đó.
Ông Gia kể: “Lúc đầu thấy tôi hát ở bến tàu, bến xe có người cho rằng đó là đài hát chứ không phải tôi hát. Sau đó nhiều người tập trung xung quanh, họ yêu cầu tôi hát một điệu xẩm nói về chiến tranh. Thấy giọng hát của tôi ấm ấp, ngọt ngào có người ghi âm lại cho người thân nghe. Hôm đó tôi được mọi người thưởng cho số tiền kha khá”.
Tuy nhiên, điều ông Gia buồn nhất trong thời gian đi hát rong là mỗi khi đi vào hàng ăn, quán trọ bị người ta khinh ghét.
“Tôi đi hát nhiều nơi, điều tôi thấy buồn nhất là người ta luôn có sự kỳ thị đối với người khiếm thị. Khi chúng tôi vào quán ăn uống, nghỉ ngơi chủ quán hỏi ngay là có tiền không, khi nhìn thấy tiền mới niềm nở. Có lần tôi quên không mang theo giấy tờ, người ta xua đuổi không cho vào ngủ.
Đêm đó tôi phải ngủ ngoài trời. Suốt bao nhiêu năm đi hát, tôi chưa xin của ai bất cứ cái gì. Nhưng người ta cư xử thật bất công với chúng tôi”, ông Gia tâm sự.
Đó cũng chỉ là một chút kỷ niệm buồn lắng đọng trong lòng ông Gia. Ông Gia bảo, cuộc đời đi hát xẩm có nhiều cái vui hơn là buồn. Nhiều tỉnh lẻ rất thích nghe hát xẩm. Có người mê hát xẩm bỏ công việc cả ngày đi theo giúp đỡ, ông cần gì thì giúp nấy, thậm chí lúc về còn biếu tiền cho ông.
Ông Gia nói rằng, cuộc đời ông có biêu bao nhiêu vui buồn ông đều đưa vào những điệu xẩm. Xẩm mang lại cho ông niềm tin yêu cuộc sống và cả những hạnh phúc lớn lao. Tôi bất ngờ khi ông nói rằng, người phụ nữ ngồi bên cạnh là vợ ông. Ông bảo đó cũng nhờ hát xẩm mà có.
“Năm 1980 những lúc không đi tỉnh xa hát, tôi hay ngồi hát ở chợ Ngọc Hà, Hà Nội. Còn cô ấy (người vợ bây giờ) buôn bán hàng xáo. Tôi hay hát gần bên gian hàng của cô ấy, qua những lần nói chuyện dần dần cô ấy hiểu được hoàn cảnh của tôi.
Chúng tôi đến với nhau như một lẽ tự nhiên. Khi gia đình cô ấy biết chúng tôi yêu nhau đã phản đối rất quyết liệt, tìm mọi cách chia lìa hai đứa. Nhưng sức mạnh của tình yêu đã tạo động lực để cho chúng tôi đến với nhau”, ông Gia kể.
Hạnh phúc của vợ chồng ông Gia thật ngọt ngào, 2 người con của gia đình đều khỏe mạnh, học giỏi. Gia đình ông nghèo, nhưng ông vẫn quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Ông Gia tâm sự: “Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều những bất hạnh, nhưng cuối đời tôi được quây quần bên vợ con thế này là vui lắm rồi”.
“Ông Gia được vinh danh là nghệ nhân hát xẩm của Hà Nội, kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù. Ông Gia là pho sử sống về hát xẩm tàu điện trước đây ở Hà Nội. Ông đã sáng tạo ra nhiều điệu xẩm hay, đặc sắc. Hiện nay chúng tôi vẫn mời ông Gia đến dạy cho các sinh viên theo học bộ môn hát xẩm.
|
Theo Kienthuc