Người đưa chiếc bánh chưng xuất ngoại là ông chủ trẻ Trần Thanh Toàn, cơ sở bánh chưng Trần Gia (tại TP Biên Hòa, Đồng Nai).
Từ hàng chục năm trước, bố mẹ Trần Thanh Toàn vào Nam, mang theo nghề gói bánh chưng gia truyền từ nhiều đời ở tỉnh Hải Dương.
Thừa hưởng nghề làm bánh từ gia đình, Toàn đã đưa bánh chưng Trần Gia đến giới thiệu bán ký gửi các siêu thị.
Đến nay bánh chưng Trần Gia đã trở thành thương hiệu hiện diện trong hệ thống siêu thị Co.op Mart, Metro, Big C.
Gói bánh chưng xuất khẩu tại cơ sở Trần Gia. |
Từ nồi bánh gia đình, cơ sở Trần Gia đã mở rộng xây dựng cơ sở sản xuất bánh quy mô bán công nghiệp với trên 500 nhân công gói bánh vào tháng sản xuất cao điểm.
Không dừng lại ở thị trường trong nước, anh Toàn nghĩ đến việc phải làm sao đưa được bánh chưng đến với bà con Việt kiều và nhiều người trên thế giới.
Theo anh Toàn: “Không chỉ là bán chiếc bánh mà mình còn giới thiệu được một nét ẩm thực Việt”.
Từ suy nghĩ này, Toàn mạnh dạn tìm kiếm thị trường, thay đổi phương thức làm bánh. Sau một thời gian nghiên cứu cải tiến mẫu mã, tìm cách bảo quản bánh, nghiên cứu thị trường và tìm đối tác xuất khẩu, cơ sở bánh chưng Trần Gia đã thành công trong việc xuất khẩu bánh chưng sang thị trường các nước châu Âu và châu Mỹ.
Từ năm 2005, bánh chưng Trần Gia đã được xuất sang châu Âu, Hoa Kỳ, ban đầu chỉ là số ít. Được thị trường nước ngoài chấp nhận, đều đặn mỗi mùa Tết, Trần Gia xuất hàng chục tấn
bánh chưng.
Bí quyết làm sao để có chiếc bánh chưng ngon, anh Toàn kể, ngoài phương pháp gia truyền, tất cả các nguyên liệu để làm bánh chưng phải đều theo một quy trình khép kín từ nguyên liệu đến khâu gói bánh đều chọn lọc kỹ.
Với kỹ thuật hút chân không, bánh chưng xuất khẩu có thể bảo quản được 6 tháng. Để đến được với bà con Việt kiều ở nước ngoài, bánh chưng Trần Gia phải được xuống tàu xuất ngoại trước Tết Nguyên đán từ gần 2 tháng.
Theo Tienphong