Nghề không đợi Tết
Tết đối với nhiều ngành nghề chưa khi nào là “cái cớ” để họ lơ là hay rời bỏ nhiệm vụ của mình.
Cả năm đeo bám những con đường nhưng những ngày Tết lại khiến những chuyến taxi dồn dập hơn. Anh Tiến Đức (Taxi Hà Nội) cho biết: “Nhiều gia đình ở Hà Nội có thói quen đón giao thừa ở đây rồi sáng sớm mùng 1 về thăm gia đình, bạn bè ở quê nên chúng tôi hay có những chuyến đi sớm. Hiện tôi đã được đặt lịch cho một gia đình khách quen cho năm mới rồi.”
“Không dồn dập như những chuyến xe ăn Tết, chúng tôi luôn ở vị thế sẵn sàng “đánh lái” mỗi khi có yêu cầu” – Anh Thanh Sơn (Lái xe BV Phụ sản HN) hồ hởi chia sẻ về công việc của mình.
Trải nghiệm đón không khí Tết ở một đất nước khác tự bao giờ đã trở nên hấp dẫn với nhiều nhóm gia đình. Kéo theo đó là sự vắng mặt của những người hướng dẫn viên du lịch tại gia đình của họ. Anh Trịnh Đức (Đống Đa, Hà Nội): “Năm nay mình sẽ đón giao thừa ở Singapore. Vài năm trở lại đây, mình thường xuyên có những chuyến đi vào những ngày gần Tết hay trong Tết. Đi vào dịp này thường là một nhóm các gia đình đi với nhau.”
Không chạnh lòng như những hướng dẫn viên chuyên nghiệp, các bạn tour-guide trẻ cũng có những lời đề nghị thú vị từ những người bạn nước ngoài của mình. Các du khách du lịch tỏ ra khá phấn khích khi lựa chọn thời điểm Tết cho chuyến đi của mình.
“Chương trình tình nguyện làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài của nhóm mình đã được sắp xếp ngừng nhận lịch cho Tết Quý Tị, nhưng mình cũng như nhiều bạn khác trong nhóm có nhận được nhiều lời ngỏ riêng cho dịp Tết này.” Kiều Thủy (SV ĐH Mở) cho biết.
Tiếp viên hàng không, phi công - một trong những nghề không nghỉ Tết (Ảnh minh họa)
Tết dịch chuyển kéo theo những chuyến đi đều đặn, nhiều tiếp viên hàng không đã coi đó như một phần Tết của mình, một trải nghiệm của tuổi trẻ cho nghề của họ.
Tết ở nghề
Không chọn mốc thời gian “bị động”, những người “đi vắng trong Tết” thường lựa chọn những bữa cơm sum họp gia đình sớm hơn. Tết của họ bắt đầu từ những ngày 27, 28 Tết cho gia đình, bạn bè.
Với Kiều Thủy và các bạn của mình, họ quyết định duy trì công việc tour guide của mình, nhưng thay vì điểm mặt gọi tên nhiều địa danh của thành phố, “chúng mình sẽ đưa họ về gia đình để họ có thể cảm thấy được đúng không khí Tết cổ truyền của Việt Nam.” – các bạn chia sẻ. Đón một Tết gia đình với nhiều người bạn mới là một trải nghiệm thú vị mà nhóm bạn đang chuẩn bị.
Không đón tết sớm nhưng những người công nhân vệ sinh môi trường của thành phố là những người vội vã dời khỏi nhà nhất sau khi giao thừa. Chị Mai kể lại dịp Tết hàng năm của mình: “Những ngày Tết, mọi người trong tổ thay phiên nhau, giúp đỡ nhau để cùng có Tết, người làm đêm giao thừa, người sáng sớm mùng 1 đã có mặt để nối nhịp công việc.”
Đối với Trọng Minh, những ngày Tết ngắn là khoảng thời gian Minh và đồng nghiệp có nhiều mong đợi dù không được rời công việc. Anh cho rằng, vào thời điểm này, nhiều bệnh nhân và gia đình không được về nhà nhưng họ bình tâm hơn để cảm nhận một năm mới, cầu chúc an lành.
“Chúng tôi cũng cảm thấy bớt căng thẳng hơn với công việc của mình. Đón Tết ở nơi làm việc là đón tết với một gia đình lớn hơn. Chúng tôi có sự chuẩn bị và đón Tết riêng với mọi người ở đây.”
Khi nhịp sống có nhiều thay đổi trong không gian ngày Tết, nhưng tại nhiều vị trí khác của đất nước, của nhiều ngành nghề khác, họ vẫn đang duy trì nhịp công việc của mình. Có nơi thầm lặng như những chiến sĩ biên phòng, công an, bác sĩ… có nơi vội vã, ồn ào như những người nghệ sĩ, phóng viên… nhưng họ có một điểm chung, họ là những người đón tết trong nghề.
Theo Khampha