Sự thật gây sốc về quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên
Thứ sáu, 22/02/2013, 14:38
Báo Pháp Le Figaro ngày 20/2 đăng bài phân tích về quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng, trong đó nêu bật mối quan hệ này không hề thân thiện như người ta tưởng.
Đây là bài viết của Giáo sư Jean-Vincent Bisset thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ chiến lược Quốc tế tại Paris (IRIS). Giáo sư Bisset cho rằng, quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng là “đồng minh quân sự” trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên hồi những năm 1950. Rồi năm 1961, hai nước ký hiệp ước hữu nghị, tương trợ và hợp tác, theo đó Trung Quốc sẽ hỗ trợ Bắc Triều Tiên "bằng mọi phương tiện" khi nuớc này bị tấn công.
Nhưng đó là chuyện của quá khứ, chứ còn hiện tại, quan hệ thật sự của hai nước này thân thiện đến đâu thì vẫn còn mờ mịt giống như những vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, khi xảy ra chỉ có chính Bình Nhưỡng và Washington tuyên bố thì mọi người mới biết.
Theo Giáo sư Bisset, trong quan hệ kinh tế, rõ ràng Trung Quốc là đối tác chính của Triều Tiên. Trong quan hệ chính trị, đó là “quan hệ giữa hai đảng” nhiều hơn là giữa hai chính phủ. Còn quan hệ quân sự thì… chẳng biết thế nào mà lần. Thế nhưng, có những biểu hiện cho thấy Bắc Kinh bắt đầu lạnh nhạt với Bình Nhưỡng, như việc từ những năm 1990, Trung Quốc đã cho tăng cường an ninh ở khu vực biên giới với Triều Tiên, đề phòng công dân nước này ồ ạt chạy vào lãnh thổ Trung Quốc khi có rối loạn trong nước.
Sự lạnh nhạt nói trên chủ yếu là do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo tác giả, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng bán đảo Triều Tiên là một bức tường bảo vệ Trung Quốc khỏi bị Mỹ và các nước đồng minh tấn công. Thế nhưng, bức tường này chỉ hữu hiệu khi bán đảo Triều Tiên là một khu vực ổn định và phi hạt nhân.
Về phản ứng mạnh bạo vừa rồi của Bắc Kinh đối với việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 3. Giáo sư Brisset cho rằng hành động khiêu khích của Triều Tiên đã làm cho Trung Quốc khó xử. Quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất. Dù rằng người ta đã biết ai được bố trí vào vị trí nào trong ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc, nhưng các ảnh hưởng của các bên vẫn chưa được ổn định, đấu đá nội bộ vẫn còn tiếp diễn.
Dù được cho là người có đường lối dân tộc chủ nghĩa, nhưng khi lên lãnh đạo thật sự, ông Tập Cận Bình phải dung hòa giữa phe bảo thủ, phe dân tộc chủ nghĩa và phe thực dụng. Phe bảo thủ muốn duy trì quan hệ lịch sử với Bình Nhưỡng, phe dân tộc chủ nghĩa thì lại cho rằng sự ổn định của bán đảo Triều Tiên là cần thiết cho an ninh của Trung Quốc, còn phe thực dụng lại muốn tăng cường quan hệ với Mỹ.