Những tội phạm bị truy nã trở về

Thứ ba, 30/04/2013, 22:21
Chính sách khoan hồng của pháp luật cộng với sự tận tụy, chân tình của các trinh sát công an, nhiều người từng một thời lầm lỗi đã quay về đầu thú trước cơ quan pháp luật.

truy nã

Từ tiếng gọi của người thân yêu

Từng là một thanh niên sống tốt tại P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), Hồ Tấn Hùng (30 tuổi) đã vướng vào vòng lao lý khi hùn hạp làm ăn, mở công ty riêng đóng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị... Sau bao ngày trốn chạy lệnh truy nã đặc biệt, Hùng đã “quay đầu lại”.

truy nã
Hồ Tấn Hùng tại cơ quan công an tỉnh Quảng Trị.

Theo hồ sơ, Hùng mở công ty cổ phần quốc tế Big24H, trụ sở đặt tại H.Hướng Hóa, lợi dụng chính sách ưu đãi tạm nhập, tái xuất hàng hóa của nhà nước để đưa hàng có xuất xứ từ nước ngoài vào tiêu thụ trái phép trong nội địa. Tháng 11/2010, Hùng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quảng Trị khởi tố về tội “buôn lậu”, nhưng đã “cao chạy xa bay”. Tháng 1/2011, Công an tỉnh Quảng Trị phát lệnh truy nã trên toàn quốc.

Trong quá trình truy nã “doanh nhân trẻ”, lực lượng chức năng cử một tổ trinh sát tiếp cận gia đình của Hùng, tạo niềm tin. “Ngoài việc hỏi han hoàn cảnh gia đình, chắt lọc thông tin về Hùng, chúng tôi còn mang cả thư liên ngành đến để cho gia đình hiểu rằng pháp luật luôn có sự khoan hồng cho những người biết trở về chịu tội”, đại úy Lê Thanh Dũng, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã (Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Trị), kể lại.

Ai cũng biết, không dễ để một gia đình tin vào những người đang truy bắt chính người thân của họ. Nhưng sau những đợt “đi về”, các trinh sát đã tạo được niềm tin cho gia đình về tương lai con em của họ.

“Hùng là cháu đích tôn và đặc biệt là rất thương yêu và nghe lời ông nội. Ông nội có vị trí rất cao trong Hùng nhưng đồng thời với chức danh trong dòng tộc Hùng cũng rất quan trọng với ông. Và cuối cùng người ông này đã góp tay với cơ quan chức năng để cùng kéo Hùng quay lại”, đại úy Dũng nói tiếp.

Ngày 5/3/2013, Hùng đến cơ quan công an đầu thú.

"Em về đây"

Dù tuổi đời còn trẻ, song Nguyễn Thái Sơn (24 tuổi, trú KP.Tây Trì, P.1, TP.Đông Hà) đã sớm gắn lên mình mác “nhân thân xấu” với 2 tiền án. Đến năm 2012, khi vừa mới ra tù Sơn đã tái phạm và ngày 12/7/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Trị) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 9/8/2012, lệnh truy nã Sơn được phát đi toàn quốc.

truy nã
Nguyễn Thái Sơn tại cơ quan công an tỉnh Quảng Trị.

Thông tin cho biết, Sơn vẫn còn bố và rất sợ bố, sợ đến mức không dám về. Trong khi anh trai Sơn là người mà Sơn hết mực thương yêu. Nên, việc phải làm sao để thuyết phục 2 người thân này của Sơn tin tưởng và cùng về “phía” của cơ quan chức năng, góp sức “kéo” Sơn quay lại là rất quan trọng, song cũng không hề đơn giản.

Khi mọi thứ như đang trong vòng khó khăn thì trung úy Lâm Thanh Hùng, trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Quảng Trị), đã quyết định để số điện thoại của mình lại cho gia đình để những người này cung cấp cho Sơn, dặn nếu Sơn có điều gì thắc mắc về sự khoan hồng của luật pháp thì hãy chủ động điện thoại cho anh.

Chừng 1 tuần sau thì có một số máy lạ gọi vào điện thoại của trung úy Hùng và nói: “Em là Sơn!”. Trung úy Hùng kể lại rằng những cuộc gọi đầu, Sơn gọi chủ yếu để thăm dò. Với chút ma mãnh, Sơn hỏi tới hỏi lui là có thực sự công an cho về đầu thú không hay là chỉ muốn vây bắt.

“Nhưng chỉ sau 3 ngày với chừng 15 lần liên lạc, diễn biến tâm lý của Sơn bắt đầu chuyển biến thấy rõ. Từ lo sợ, nửa tin nửa ngờ đến thoải mái và thực sự tin tưởng tôi...”, trung úy Hùng nói.

Thế rồi, ngày 26/2/2013, Sơn tiếp tục gọi cho trung úy Hùng một cuộc nữa để thông báo: “Em về đây”. Trên chuyến xe tốc hành từ TP.HCM, Sơn đi một mạch về TP.Đông Hà với tâm thế của một con người đường hoàng, dám đương đầu với tất cả những gì diễn ra tiếp theo.

2 giờ sáng 27/3, Sơn đến nơi và hẹn trung úy Hùng ra gặp riêng, trước khi cùng gia đình đến cơ quan công an đầu thú vào sáng cùng ngày.

Vận động đầu thú trên mạng xã hội

Trường hợp trở về của Trần Hiếu (21 tuổi, ngụ ở KP.1, P.Đông Giang, TP.Đông Hà, Quảng Trị) thì khá đặc biệt.

truy nã
Trần Hiếu, ngày trở về, đối diện với lỗi lầm trong quá khứ.

Từ năm 2010, Hiếu đã được đưa vào danh sách đối tượng nghiện cần quản lý của cơ quan chức năng. Nhà nghèo (bố và em trai đi phụ hồ, mẹ đi bán bánh mì), bản thân Hiếu cũng không làm gì ra tiền nên để chích hút, Hiếu sa ngã như là một điều tất yếu.

Đáng buồn rằng, “nàng tiên nâu” đã tha hóa dần phẩm chất và lý trí của Hiếu, biến cậu bé ngoan ngày nào thành kẻ trộm cắp. Ngày 10/2/2012, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Trị) khởi tố bị can Hiếu về tội “trộm cắp tài sản”.

Trong một năm trời, không ai biết Hiếu đi đâu và làm gì. Sau này mọi người mới té ngửa ra rằng Hiếu đã “tranh thủ” thời gian chạy trốn để đi... làm từ thiện.

“Số là Hiếu có một người bà con ở TP.HCM chuyên nấu cơm, phát chẩn cho người nghèo nên ngay khi đặt chân đến thành phố Hiếu đã nhờ người này giúp đỡ. Ngày ngày, Hiếu làm những việc lặt vặt trong nhóm từ thiện này và được nuôi ăn, ở...”, một trinh sát kể.

Một điều kỳ lạ nữa mà không ai ngờ tới là thời gian này Hiếu tự cai và dần dà cắt đứt hẳn với ma túy.

Do hoàn cảnh gia đình nên sự ảnh hưởng của bố mẹ đối với Hiếu không nhiều. Sau nhiều lần tiếp cận, các trinh sát của lực lượng truy nã đã biết được điều này. Mọi chuyện tưởng như đi vào ngõ cụt vì như chia sẻ của những người gắn đời với nghiệptruy nã tội phạm, ngoài sự áp sát của cơ quan chức năng, yếu tố tác động của gia đình là rất quan trọng để kéo đối tượng trở về quy án.

Tuy vậy, khi đào sâu hơn các mối quan hệ xã hội của Hiếu, các trinh sát phát hiện ra một nhân vật đặc biệt. Hiếu và người này từng lớn lên với nhau và coi nhau như anh em, dù Hiếu đã sa ngã nhưng tình cảm của họ vẫn còn vẹn nguyên. Khó khăn lắm, các trinh sát mới thuyết phục được người bạn này hợp tác nhưng ngặt nỗi Hiếu lại không sử dụng điện thoại.

Tưởng như mọi ngả đường để liên lạc với Hiếu đã bị chặn đứng, thì người bạn của Hiếu chợt nhớ ra Hiếu cũng có một tài khoản trên mạng xã hội. Vận may đã đến khi trên “tường” trang cá nhân của Hiếu vẫn được liên tục cập nhật, chứng tỏ Hiếu vẫn thường xuyên online. Là một trinh sát có kinh nghiệm, trung úy Hùng yêu cầu người bạn của Hiếu lập tức kết nối.

“Ban đầu chúng tôi chỉ yêu cầu người bạn này viết lên những dòng bình thường, đại ý hỏi thăm sức khỏe, tình hình ăn ở của Hiếu. Về sau khi việc kết nối đã liền mạch mới nhờ gọi Hiếu trở về. Sau chừng nửa tháng tác động liên tục, chúng tôi nhờ cung cấp số điện thoại để Hiếu chủ động liên lạc”, trung úy Hùng kể.

Cùng với việc tác động trên thế giới ảo, ngoài đời, các trinh sát cũng đã bắt đầu lần dò ra những manh mối về nơi ở của Hiếu và có nhiều động thái để Hiếu cảm nhận được. Cuối cùng, đêm mùng 9 tết, cả gia đình Hiếu khóc òa khi thấy bóng con trai lầm lũi về nhà. Họ cho Hiếu tắm rửa, nghỉ ngơi tại nhà một đêm rồi sáng hôm sau dẫn Hiếu lên cơ quan công an đầu thú. 

Khát khao tìm về quê hương, gia đình 

Trong 3 tháng cao điểm (từ 15/12/2012 đến 15/3/2013), lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt, vận động đầu thú 15 đối tượng.

Phân tích thêm về sự thành công của đợt cao điểm, thượng tá Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Trần Đức Triệu, cho biết thời gian phát động là một yếu tố rất nhạy cảm nhưng rất cần thiết.

Đó là dịp trước và sau Tết Nguyên đán, vì thường khoảng thời gian này, những con người tội lỗi tha hương thường nhớ về quê nhà và những toan tính, mưu mô chui lủi của họ sẽ gạt qua một bên, dành chỗ cho khát khao tìm về quê hương, gia đình.

“Hiện Công an tỉnh Quảng Trị chỉ còn truy tìm thêm 23 đối tượng bị truy nã nữa nên kết quả bắt, vận động đầu thú 15 đối tượng trong 3 tháng vừa rồi quả là thành công đáng ghi nhận”, thượng tá Triệu nói.

 

Theo Thanh niên

Các tin cũ hơn