Điều đáng lưu ý là, bà Lương Thị Dĩnh - ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng - cho biết: “Khi các anh công an huyện xuất hiện, chúng tôi đã dắt tay các anh ấy đến chỉ mặt từng tên côn đồ đánh dân. Bọn chúng cũng chẳng nói gì nhưng công an cũng không yêu cầu họ về trụ sở làm việc”.
9 năm khiếu kiện
Vụ hơn 50 côn đồ hành hung người dân thôn Trâm Khê xảy ra ngày 21.4 được cho là giọt nước làm tràn ly những bất đồng quan điểm giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân xung quanh việc thu hồi đất xây dựng Nhà máy giày của Cty Hoa Thành.
Ông Lương Thanh Sắc - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng - cho biết: “Ngay sau khi triển khai dự án, chúng tôi đã nhận được rất nhiều kiến nghị của người dân về việc áp giá đền bù quá thấp cho diện tích hoa màu mà dự án thu hồi đất. Suốt gần 10 năm qua, người dân thôn Trâm Khê đã khiếu kiện kéo dài từ cấp xã, huyện, thành phố rồi lên cả Trung ương. UBND TP.Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng và doanh nghiệp đã nhiều lần tổ chức đối thoại với dân nhưng bất thành. Vụ việc đã ảnh hưởng rất lớn tới an ninh chính trị địa phương. Từ năm 2005 đến nay, người dân đã vào trong khuôn viên dự án này để trồng hoa màu “giữ đất”.
Thông tin từ phía người dân cung cấp và ông Lương Thanh Sắc cũng thừa nhận, trước thời điểm xảy ra vụ “hỗn chiến” giữa côn đồ với người dân thôn Trâm Khê ngày 21.4 thì đã có tới 5 lần Cty Hoa Thành tổ chức xây dựng công trình nhưng đều bất thành do gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân.
Điển hình nhất là vụ ngày 23.11.2012, Cty này tổ chức rất nhiều người và phương tiện đến triển khai thi công (có cả lực lượng công an đến làm nhiệm vụ). Người dân thôn Trâm Khê kéo đến rất đông cản trở việc thi công nên đã xảy ra xô xát kéo dài hơn 3 tiếng, người của Cty Hoa Thành mới rút đi. Vụ việc này người dân đã quay phim lại và viết đơn tố cáo gửi nhiều cơ quan chức năng.
Chính quyền cơ sở yếu kém
Khiếu kiện kéo dài nhưng chính quyền xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng và TP.Hải Phòng vẫn chỉ loanh quanh với các biện pháp “vận động, thuyết phục” bà con nhưng hiệu quả rất hạn chế. Tới khi xảy ra vụ việc hơn 50 côn đồ đánh dân, những người dân thôn Trâm Khê lại tố cáo chính quyền và lực lượng CA cơ sở thờ ơ trước sự việc.
Trong một lá đơn gửi các cơ quan chức năng, ngoài việc tố cáo hơn 50 côn đồ xông vào dùng quốc, xẻng, gậy gộc hành hung dân, các ông Chinh, Khang còn cho rằng, dù lực lượng chức năng như chính quyền, CA xã, huyện có mặt rất sớm nhưng không có biện pháp kịp thời giải quyết tình trạng côn đồ đánh dân.
Ông Lương Văn Chinh bức xúc: "Trong vụ xô xát, những người dân thôn Trâm Khê (đa số là người già, phụ nữ) đã bị những người lạ mặt đánh túi bụi bằng gạch, gậy. Trong khi đó, CA xã Đại Thắng có mặt khá sớm nhưng chẳng ai vào can thiệp".
Người dân cũng tố cáo, ông Lương Văn Luyện với chức trách là trưởng CA xã, thay vì vào giải quyết vụ việc thì lại đứng từ xa, dùng điện thoại để... quay phim về vụ việc. Lãnh đạo địa phương và các CA viên thì cũng chỉ đứng từ xa, không ai dám can đảm đứng ra giải quyết dẫn đến việc 11 người dân bị thương. Để kiểm định thông tin này, PV Lao Động nhiều lần liên hệ làm việc với ông Lương Văn Luyện nhưng bất thành.
Sau vụ xô xát khoảng gần một tiếng, các ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch, ông Vũ Đức Cảnh – PCT UBND huyện Tiên Lãng - cùng CA huyện có mặt để giải quyết vụ việc. Tuy vậy, nhóm côn đồ này không rút đi mà vẫn đứng lại ở đó rất đông. Bà Lương Thị Dĩnh - ở thôn Trâm Khê, xã Đại Thắng - cho biết: “Khi các anh CA huyện xuất hiện, chúng tôi đã dắt tay các anh ấy đến chỉ mặt từng tên côn đồ đã hành hung, đánh dân. Bọn chúng cũng chẳng nói gì nhưng CA cũng không yêu cầu họ về trụ sở làm việc”.
Ai “chống lưng” cho côn đồ?
Được biết, Cty Hoa Thành đã hợp đồng với Cty TNHH Quỳnh Dương để thi công. Cty Quỳnh Dương hợp đồng với Cty CP dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu để thuê vệ sĩ đến bảo vệ “khảo sát địa hình” - như DN thông báo sau đó. Tại đây, đã xảy ra vụ xô xát giữa người dân thôn Trâm Khê với khoảng 50 tên côn đồ, khiến 4 người bị thương.
Tuy nhiên, trả lời sau đó, các Cty liên quan đều cho rằng không biết và không liên quan đến nhóm côn đồ này. Việc trả lời như trên đã làm người dân thôn Trâm Khê rất bức xúc. “Nói như mấy ông đó thì cả mấy chục tên côn đồ tự nhiên “rỗi việc” tụ tập về tận quê tôi để đánh dân chẳng vì mục đích gì? Câu trả lời của các ông này rất không thuyết phục” - ông Nguyễn Văn Thân nói.
Chính vì vậy, dư luận mong cơ quan chức năng không chỉ làm rõ hành vi bất chấp pháp luật của băng nhóm côn đồ này, mà quan trọng là làm rõ kẻ chủ mưu đứng “chống lưng” đằng sau vụ việc này.
Theo Laodong