Công nhân trải thảm trên khu vực xử lý dioxin - Ảnh: Richard Nyberg |
Hàng vạn người dân sống xung quanh sân bay Đà Nẵng đang rất quan tâm, ngày đêm trông chờ một ngày thành phố sẽ sạch dioxin. Tuy nhiên, họ cũng băn khoăn việc đào đất tẩy rửa dioxin hiện tại ở dự án có ảnh hưởng gì đến môi trường khu vực lân cận không?
Năm 2016, Đà Nẵng sẽ hết dioxin
Đốt đất... Ông Joakim Parker nói công nghệ xử lý khử hấp thu nhiệt được xác định là phương pháp hiệu quả nhất. Các thanh nhiệt hoạt động ở nhiệt độ khoảng 750-800OC làm tăng nhiệt độ của toàn bộ mố lên đến ít nhất là 335OC. Thời gian đun nóng đất sẽ kéo dài từ ba đến năm tháng. Ở nhiệt độ này, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá hủy, làm hợp chất dioxin bị phân hủy thành các chất vô hại khác, chủ yếu là CO2, H2O và CI2. |
“Cấm vào”, “đi chậm lại” là những biển báo được dựng khắp nơi để cảnh báo về sự nguy hiểm của loại chất độc giết người này. Nơi đường vào điểm “nóng” công trường xử lý dioxin và tại các điểm đào đất nhiễm chất độc được bảo vệ nghiêm ngặt.
Có mặt trên công trường, ông Joakim Parker - giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - cho biết: “Đến thời điểm này các nhà thầu đang tiếp tục thi công kết cấu mố được lắp từ 28.000 khối bê tông.
Nhà thầu cũng đang lắp đặt một lớp lót bằng nhựa dày trên nền kết cấu nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra ngoài hoặc nước bên ngoài ngấm vào trong hệ thống xử lý trong giai đoạn vận hành.
Ngoài ra, việc thi công sân phơi bùn đã hoàn tất, sân phơi này được dùng để phơi và tập kết một cách an toàn đất ướt và bùn trước khi đưa đất và bùn vào mố xử lý.
Đến nay, có khoảng 3.200m3 bùn nhiễm bẩn đã được đưa vào sân phơi để giảm lượng nước trước khi đưa vào mố xử lý.”
Dự kiến năm 2014, đất và bùn sẽ đưa vào mố xử lý để đốt, đến năm 2016 toàn bộ vùng đất có dioxin sẽ được xử lý hoàn toàn.
Sợ bụi nhiễm dioxin bay?
Hai năm trước khi hay tin dự án xử lý dioxin được triển khai, người dân Đà Nẵng hết sức phấn khởi. Họ kỳ vọng một ngày không xa thành phố sẽ sạch dioxin.
Ông Nguyễn Văn Thành - một người dân sống gần sân bay Đà Nẵng, P.An Khê, Q.Thanh Khê - tâm sự: “Dân chúng tôi khi nghe tẩy dioxin ở sân bay thì rất vui mừng. Nếu một ngày khu vực này hết dioxin chắc chắn đời sống của chúng tôi sẽ đổi thay, công việc làm ăn suôn sẻ hơn. Nhưng dioxin có bị phát tán trong bụi, nước và không khí trong quá trình triển khai dự án hay không vẫn là sự lo lắng mà đến nay người dân vẫn chưa được biết”.
Đại diện một nhà thầu của USAID cho biết: “Việc xử lý được tiến hành hết sức chặt chẽ, các trạm quan trắc không khí, đất và thiết bị đo sức gió được vận hành và cập nhật thông tin thường xuyên.
Trường hợp lúc gió lớn hoặc lượng bụi trong không khí vượt quá ngưỡng cho phép thì tất cả mọi hoạt động trên công trường đều được yêu cầu tạm dừng. Ngoài ra, việc phun nước chống bụi được tiến hành cả ngày lẫn đêm. Đất, bùn nhiễm dioxin sau khi đào lên tập kết ở sân phơi được phủ kín bởi lớp nhựa”.
Ông Joakim Parker cam kết: “Đảm bảo sức khỏe và an toàn cho công nhân làm việc cho dự án cũng như công nhân và cư dân địa phương là quan tâm hàng đầu của dự án. Dự án sẽ tuân thủ các thực hành quốc tế tốt nhất và thực hiện quan trắc môi trường để đảm bảo các chất nhiễm bẩn (đất, bùn, nước, bụi) sẽ không phát tán ra ngoài công trình dự án”.
Theo Tuoitre