Phải xem lại việc cấp phép khai thác cát

Thứ ba, 21/03/2017, 11:23
Ông Lê Ái Thụ, chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh như trên.

“Tôi nghĩ việc nạo vét phần nhiều là cái cớ để thu về lợi nhuận rất lớn. Việc đầu tư cho nạo vét không đáng bao nhiêu, chỉ mấy cái tàu lắp máy vào hút cát là xong. Đầu tư không đáng bao nhiêu nhưng cát hút được chỉ một hai đêm đã đáng giá vài trăm triệu.

Cái đó không phải không ai biết, mà là do quản lý kém của cơ quan công quyền. Đằng sau đó thì người ta cũng nói nhiều đến việc có nhóm lợi ích này kia, chỉ có cái chưa chỉ rõ ra được”.

Ông Lê Ái Thụ cho rằng việc cấp phép cho các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát đang có những bất cập do không kiểm soát được trữ lượng nạo vét.

Ông Thụ nói: Việc khai thác cát, “cát tặc” không phải là vấn đề mới, mà là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương lâu nay. Nhưng tại sao ngày càng “nóng” hơn. Thứ nhất, do vấn đề phát triển xây dựng quá nhanh, quá lớn. Thứ hai, lợi ích từ khai thác cát rất lớn.

Có thể thấy rõ điều đó qua việc lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa. Với lợi ích cao như vậy đôi khi người ta liều lĩnh, sẵn sàng đe dọa những ai ngăn cản.

Còn lợi ích đó ai hưởng? Theo tôi, đó là lợi ích nhóm, lợi ích cho một số nhỏ, không phải là lợi ích chung cho xã hội, cho người dân. Ngược lại, những hậu quả từ tình trạng khai thác cát ồ ạt, thậm chí là khai thác như phá hoại đã khiến hàng trăm làng mạc, hàng nghìn hecta đất canh tác bị hủy hoại, bị xói lở.

Những thiệt hại, hậu quả từ vấn nạn này có thể thấy từ sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu, sông Lam và mới đây vụ đe dọa cũng liên quan đến khai thác cát ở sông Cầu.

Phải chăng có bất cập từ công tác quản lý, thưa ông

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là sự yếu kém trong quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Ngay như Bộ Tài nguyên - môi trường, dù được Chính phủ giao quản lý nhà nước về tất cả các loại tài nguyên, khoáng sản, trong đó có cát lòng sông, cũng chưa đưa ra được các giải pháp hợp lý nhằm quản lý tài nguyên quý này.

Còn Bộ GTVT thì lấy mục đích là nạo vét khơi thông luồng lạch, dòng chảy nhưng phối hợp không chặt chẽ với Bộ Tài nguyên - môi trường, nên xảy ra chuyện có nơi lấy cớ nạo vét để khai thác cát lòng sông.

Bất cập trong cấp phép chính ở chỗ khoáng sản cát lòng sông có đặc thù riêng, khác với các loại khoáng sản khác.

Nếu áp dụng việc cấp phép khai thác cát như các loại khoáng sản khác là không ổn. Kể cả kết quả thăm dò về trữ lượng cát lòng sông cũng không thể nói là chính xác.

Trong khai thác cát còn có chuyện khai thác cát chỗ này thì cát ở chỗ khác trôi tới, vì thế khối lượng cát khai thác thực tế lớn hơn rất nhiều so với trữ lượng khai thác được cấp.

Từ những vấn đề như vậy, tôi cho rằng cần phải xem xét lại cách cấp phép khai thác cát hiện nay, đặc biệt là cấp phép nạo vét khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát.

Thực tế lâu nay những dự án khơi thông luồng lạch đều do Bộ GTVT cấp phép. Theo ông thì có ổn không?

Nên để cho tỉnh cấp phép theo đúng quy định của Luật khoáng sản và có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, cơ quan quản lý về giao thông đường thủy.

Còn để cho bên GTVT cấp phép cho nạo vét khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát, rồi lại cấp cho đơn vị của ngành thực hiện, điều đó chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi.

Theo tôi, sau khi có đánh giá về nhu cầu cần khơi thông luồng lạch, ngành GTVT nhất thiết phải có phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường các tỉnh thành để xem xét trước khi trình UBND tỉnh.

Tôi cho rằng trong cấp phép khai thác cát lòng sông dứt khoát không nên cấp phép dài hạn. Đặc biệt cần phải nghiêm khắc về trách nhiệm với cơ quan cấp phép, đơn vị khai thác trong thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như gây sạt lở hai bên sông.

Vậy theo ông, để giải quyết được nạn “cát tặc”, chấn chỉnh tình trạng khai thác cát bừa bãi cần phải có những giải pháp đột phá nào?

Để giải quyết được phải có giải pháp đồng bộ vì vấn đề khai thác cát không chỉ liên quan đến riêng quản lý khoáng sản. Còn nếu chỉ có giải pháp riêng của một ngành nào đó thì không thể giải quyết triệt để được.

Chính phủ là cơ quan quản lý cao nhất, phải có chỉ đạo thống nhất việc cấp phép khai thác cát, nhất là việc cấp phép nạo vét, khơi thông luồng lạch tận thu cát.

Từ năm 2008, khi đó Thủ tướng cũng đã có chỉ thị nghiêm cấm xuất khẩu cát, kể cả cát nhiễm mặn. Thời điểm ấy là lần đầu tiên đặt vấn đề nghiêm cấm xuất khẩu cát lòng sông, kể cả cát nhiễm mặn. Cấm là đúng và phải tiếp tục cấm triệt để việc xuất khẩu cát, kể cả cát nhiễm mặn. Vì xuất khẩu cát tức là bán tài nguyên.

Trong tình hình hiện nay, với chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài nguyên - môi trường cần trình Thủ tướng ban hành một văn bản riêng về khai thác cát, trong đó có quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Ông Lê Ái Thụ

“Tôi nghĩ việc nạo vét phần nhiều là cái cớ để thu về lợi nhuận rất lớn. Việc đầu tư cho nạo vét không đáng bao nhiêu, chỉ mấy cái tàu lắp máy vào hút cát là xong. Đầu tư không đáng bao nhiêu nhưng cát hút được chỉ một hai đêm đã đáng giá vài trăm triệu.

Cái đó không phải không ai biết, mà là do quản lý kém của cơ quan công quyền. Đằng sau đó thì người ta cũng nói nhiều đến việc có nhóm lợi ích này kia, chỉ có cái chưa chỉ rõ ra được”.

Theo TTO

Các tin cũ hơn