Nga đang dùng sách lược gì ở Biển Đông?

Thứ tư, 19/04/2017, 09:50
Dù Nga tuyên bố đứng ngoài tranh chấp Biển Đông nhưng theo Trung tâm nghiên cứu An ninh (CSS) của Thụy Sĩ, Matxcơva cũng đang bảo vệ các lợi ích chiến lược ở khu vực. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters

Theo quan điểm chính thức của Bộ ngoại giao Nga, Matxcơva là một bên ngoài cuộc và sẽ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp.

Tuy nhiên đằng sau đó, Nga đang tăng cường quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, ký kết các thoả thuận năng lượng, vũ khí tỉ đô với các nước có tranh chấp.

Theo giới quan sát, những động thái của Nga thậm chí liên quan trực tiếp đến các chuyển biến của tranh chấp.

Chẳng hạn, 1/4 chương trình hiện đại hoá quân sự của Nga đến năm 2020 tập trung vào hạm đội Thái Bình Dương, với căn cứ ở Vladivostok, nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch ở những vùng biển xa.

Hợp tác quân sự của Nga với Trung Quốc phát triển đến mức Tổng thống Vladimir Putin đã gọi Bắc Kinh là “đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên” và hai nước đã tham gia cuộc tập trận chung Joint Sea 2016.

Mặt khác, Matxcơva cũng tăng cường quan hệ với Việt Nam. “Việc cùng lúc tăng cường quân sự với hai bên tranh chấp trực tiếp chính trên Biển Đông cho thấy rất khó diễn giải ý định của Nga và cần một khuôn khổ thể hiện các mức lợi ích chính sách đối ngoại khác nhau của Nga” - trung tâm CSS nhận định trên chuyên trang địa chính trị ISN Security Watch.

Các nước lớn thường áp dụng nhiều lớp chính sách ngoại giao đổi với một vấn đề/khu vực cụ thể. Tại Biển Đông, Nga đang sử dụng hai tầng chính sách: cân bằng hệ thống và khoanh vùng khu vực.

Với chính sách cân bằng hệ thống, nghiêng về sự phân phối sức mạnh toàn cầu, Nga thời gian qua liên tục thách thức Mỹ trong nhiều vấn đề như Gruzia, Ukraine và Syria.

Để tái cân bằng hệ thống, Nga đã liên kết với Trung Quốc để đối phó với mối đe doạ của cả hai là sự bành trướng của khối NATO ở đông Âu, đối với Nga, và chính sách xoay trục châu Á, đối với Trung Quốc.

Nói một cách khác, Biển Đông là một phần trong chiến lược lớn hơn của Nga nhằm thể hiện rằng Matxcơva không chống lại các lợi ích của Bắc Kinh và sẵn lòng thể hiện một chút ủng hộ.

Trong khi đó, chính sách khoanh vùng khu vực giúp bảo vệ các lợi ích kinh tế của Nga ở châu Á -Thái Bình Dương, giúp Matxcơva thu lợi nhuận trong các mảng năng lượng, hạ tầng và bán vũ khí.

Theo CSS, bằng việc củng cố quan hệ với Việt Nam, Nga đã tạo ra một thế cân bằng lợi ích - sức mạnh ở Biển Đông và mở đường cho việc hợp tác với các nước ASEAN.

“Điều đó lý giải vì sao Nga không phản đối chính sách của Trung Quốc nhưng vẫn tỏ ra đồng cảm với những lo ngại của Việt Nam về vấn đề Biển Đông” - nhận định từ CSS.

Giới phân tích cho rằng hai lớp chiến lược của Nga tại Biển Đông đến nay rất hiệu quả và không xung đột lẫn nhau.

Các nước trong khu vực vẫn cần mối quan hệ với Nga để tiếp cận với vũ khí, kỹ thuật và tránh bị vùi dập trong cuộc canh tranh Trung-Mỹ.

Đối với Trung Quốc, việc Nga giao du với các nước trong khu vực có vẻ “chống Trung Quốc” nhưng thực tế đã giúp Bắc Kinh giải quyết mối lo ngại các nước siết chặt quan hệ với Mỹ.

“Đối với Nga, việc duy trì hiện trạng, dù có thế nào, cũng tốt hơn đối mặt với chiến thắng của một bên trước bên còn lại” - phân tích từ trung tâm CSS kết luận.

Theo TTO

Các tin cũ hơn