Người trẻ lương nhiêu mới sống được? - Kỳ 3: Văn phòng lãnh chục triệu/tháng vẫn thấy thiếu

Thứ tư, 19/04/2017, 14:42
Dù tổng thu nhập mỗi tháng dao động 12 - 14 triệu nhưng anh Nguyễn Hoàng Giang (29 tuổi, làm truyền thông tại quận 3) vẫn không để dành được đồng nào. Thậm chí có tháng anh Giang còn phải mượn thêm bạn bè mới đủ chi tiêu.   

Nhiều người trẻ ở Sài Gòn thu nhập hơn chục triệu/tháng vẫn không đủ tiêu xài

Với đủ các khoản chi tiêu hàng tháng, từ tiền ăn uống, xăng xe, mua sắm cho đến đi nhậu cùng bạn bè nên dù thu nhập tới hơn chục triệu mỗi tháng, anh Giang vẫn không thể để dành được đồng nào.

Đủ khoản chi tiêu

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Hoàng Giang (quê Nam Định) đã vào TP.HCM để thi Đại học và may mắn anh đậu vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Vừa ra trường, anh lại tìm luôn được việc làm tại một công ty truyền thông phù hợp ngành học với mức lương 8 triệu đồng/ tháng. Vì hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên hiện nay, thu nhập của anh Giang đã tăng lên mức 12 - 14 triệu/tháng. Thế nhưng, sau 2 năm đi làm, anh vẫn chưa dành dụm được gì.

Anh Giang tốn nhiều nhất cho khoản nhậu nhẹt cùng bạn bè

Trao đổi với chúng tôi, anh Giang liệt kê ra các khoản tiền “cứng” mà anh tốn hàng tháng. Cụ thể: tiền nhà trọ: 2 triệu; tiền ăn uống cà phê, thuốc lá mỗi ngày 200 ngàn, một tháng hết 6 triệu; tiền “hẹn hò”: 2 triệu. Như vậy, các khoản tiền “cứng” mà anh chi hàng tháng là khoảng 8 triệu đồng.

Anh Giang chia sẻ: “Hiện không có bạn gái nên khoản hẹn hò tôi “tốn”... khá nhiều. Mỗi lần hẹn với cô nào mà mình thấy thích thì thường là đi ăn uống, sau đó đi xem phim, một buổi như vậy hết khoảng 700 ngàn. Mà có phải hẹn với 1 người đâu, mình cũng cần tìm đối tượng nên phải tự tạo cơ hội thôi”.
Theo anh Giang, khoản tiền mà anh đang lãng phí nhất đó là tiền đi nhậu cùng bạn bè. Khoảng 2 - 3 ngày anh sẽ đi nhậu 1 lần, mỗi lần nhậu hết từ 200 - 300 ngàn, chưa kể có hôm “hứng” lên anh bao luôn bạn bè là hết hơn 1 triệu - 2 triệu.
Bên cạnh đó, đôi khi vừa nhận lương, cầm số tiền lớn trong tay anh lại mua sắm, gần đây nhất là anh mua iPhone 7 và đồng hồ xịn. Và dĩ nhiên, mỗi lần mua xong anh lại phải vay mượn bạn bè để có tiền trang trải tháng đó. Cứ vậy, tháng sau bù tháng trước nên anh không dành dụm được một khoản nào cho mình.
“Tôi không có dư là do chưa có mục đích cụ thể, vì ngay cả bản thân tôi cũng không biết phải để dành tiền để làm cái gì. Mua nhà cửa thì lớn quá, tôi cũng chưa định hướng, còn những cái nhỏ hơn như mua xe cộ thì tôi thấy cũng chưa cần thiết lắm. Thêm vào đó là nhậu nhẹt nhiều nên tôi không dư tiền được. Nếu siết chặt lại thì tôi nghĩ mình có thể dư được khoảng 5 triệu/tháng”, anh Giang nhẩm tính.
Tiền làm ra tháng nào anh Giang đều xài hết tháng đó, có tháng anh còn phải mượn thêm mới đủ xoay xở
"7 triệu hay 17 triệu cũng như nhau"
Tương tự anh Giang, chị Nguyễn Minh Nhật (28 tuổi) nhân viên kinh doanh tại quận 1 có mức thu nhập 17 triệu/tháng nhưng cũng không để dành được đồng nào. Chị Nhật cho biết, vì đang ở cùng gia đình nên chị không tốn tiền nhà trọ mà tốn khá nhiều tiền cho khoản mua sắm và du lịch.

"Khi thu nhập lên tự nhiên mình cũng đầu tư cho đời sống hơn. Ví dụ trước đây nhìn cái váy thấy đẹp mình không dám mua vì sợ hết tiền xài thì nay mình thẳng tay mua luôn. Khi rảnh rỗi mình thường đi du lịch vào cuối tuần để giảm stress nữa. Có tháng “quá tay” phải mượn tiền của mẹ rồi khi có lương mình trả lại".

Chị Nguyễn Minh Nhật

Chị Nhật kể, khi mới ra trường, thu nhập của chị chỉ khoảng 7 triệu/tháng, số tiền này chỉ đủ lâu lâu ăn uống, tụ tập cùng bạn bè, dư dả hơn nữa thì chị mua mỹ phẩm.
Đến khi công việc ổn định, tiền lương mỗi tháng chị nhận được lên đến 17 triệu đồng, tưởng rằng sẽ có dư để tiết kiệm nhưng cuối cùng thì "7 triệu hay 17 triệu cũng như nhau", như chị chia sẻ.
Chị Nhật tâm sự: “Khi thu nhập lên, tự nhiên mình cũng đầu tư cho đời sống hơn. Ví dụ trước đây nhìn cái váy thấy đẹp mình không dám mua vì sợ hết tiền xài thì nay mình thẳng tay mua luôn. Cứ vậy, mình tìm đến những cửa hàng có tên tuổi và đồ “xịn” hơn để mua sắm, mặc vào ai cũng khen đẹp nên mình chi cho mua sắm mỗi lúc một nhiều hơn. Khi rảnh rỗi mình thường đi du lịch vào cuối tuần để giảm stress nữa. Có tháng “quá tay” phải mượn tiền của mẹ rồi khi có lương mình trả lại”.
Chị Nhật cho rằng, cuộc sống cần phải tận hưởng để thoải mái, từ đó mới đem lại hiệu quả công việc. Chị mạnh tay chi tiêu cho hàng “xịn” thì khách hàng khi gặp chị cũng ấn tượng hơn, từ đó chị có nhiều cơ hội hơn trong công việc. Chị Nhật nêu quan điểm: “Mình làm ra tiền thì mình phải tận hưởng chứ tại sao cứ phải dè dặt tự gò ép chính mình”.
Chị Nhật ngốn khá nhiều tiền cho việc shopping
Có thể thấy, thu nhập trung bình của anh Giang, chị Nhật cũng như nhiều người trẻ khác làm việc tại các văn phòng ở TP.HCM đều ở mức khá so với nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, họ vẫn không tiết kiệm được một khoản tiền để lo lúc đau ốm cũng như khi có việc đột xuất. Vậy thu nhập bao nhiêu mới là đủ và phải chi tiêu như thế nào mới có thể dư dả và sống khỏe ở Sài Gòn? Lời giải có lẽ tùy thuộc vào mỗi người, bởi như đã nói ở kỳ trước, các công nhân lương 5 triệu mỗi tháng vẫn có thể tiết kiệm 2 triệu khỏe re!
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích