Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ: Mồi lửa căng thẳng mới

Thứ sáu, 16/06/2017, 19:49
Ankara đã triệu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ tuyên lệnh bắt 12 công dân gồm cả vệ sĩ bảo vệ Tổng thống Erdogan.

Ngày 15/6, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập  Đại sứ Mỹ tại Ankara sau khi Washington ban hành lệnh bắt giữ một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ và nhân viên an ninh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Những người trên bị bắt vì cáo buộc tấn công người biểu tình ôn hòa bên ngoài dinh thự Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ hôm 16/5. Danh sách này gồm 9 cảnh vệ và 3 cảnh sát.

Vụ ẩu đả bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, quyết định này là không thể chấp nhận vì nó không được xuất phát từ kết quả của một cuộc điều tra công bằng và độc lập. Bộ này cho rằng vụ xung đột bên ngoài dinh thự Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ xảy ra là do thiếu sót của lực lượng an ninh nước chủ nhà, chứ không phải trách nhiệm của công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

"Đại sứ Mỹ đã được truyền đạt rằng quyết định của nhà chức trách Mỹ là sai lầm, có thành kiến và không có cơ sở pháp lý" - thông báo của Bộ trên có đoạn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng lên án vụ bắt giữ công dân và bảo vệ an ninh Thổ Nhĩ Kỳ của giới chức Mỹ. Ông cho rằng, sự việc đã không xảy ra nếu chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp thông thường được sử dụng trong những chuyến thăm cấp cao từ trước đến nay.

Tổng thống Erdogan tuyên bố Mỹ không có quyền bắt giữ các nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ bảo vệ ông trước "những kẻ khủng bố", đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản đối hành động này trên cả mặt trận chính trị và tư pháp.

Ông Erdogan nêu rõ: “Nhân viên an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ không hề có bất cứ hành động nào chống lại người biểu tình. Vậy mà phía Mỹ lại ban hành lệnh bắt giữ họ với cáo buộc có hành vi bạo lực. Điều này đặt ra câu hỏi về hệ thống luật pháp mà Mỹ đang áp đặt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống lại lệnh bắt giữ cả trên mặt trận chính trị lẫn tư pháp.”

Vụ việc bắt đầu ầm ĩ kể từ khi cảnh sát Mỹ xác định được các nhân vật được cho là đã tấn công vào những người biểu tình ôn hòa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không dung túng cho những cá nhân có hành vi hăm dọa hay sử dụng bạo lực để kiềm chế quyền tự do ngôn luận cũng như quyền biểu đạt chính trị hợp pháp ở quốc gia này.

“Hành động mà chúng tôi đưa ra phù hợp với các cáo buộc này. Chúng tôi sẽ tập trung làm việc với các nhân viên thực thi pháp luật để đảm bảo những đối tượng chịu trách nhiệm gây ra hành vi bạo lực phải trả giá cho hành động đó” - bà Nauert.

Vị này cũng khẳng định, Mỹ đang cân nhắc một số bước đi tiếp theo trong vụ việc và từ chối bình luận về khả năng phát yêu cầu dẫn độ.

Cảnh sát trưởng Thủ đô Washington, ông Peter Newsham cho biết, 12 nhân viên an ninh nêu trên thuộc phái đoàn tháp tùng Tổng thống Tayyip Erdogan đến thăm Mỹ hồi tháng trước.

Ông Peter Newsham nhấn mạnh rằng "tại Mỹ và đặc biệt là thủ đô Washington, biểu tình hòa bình là một quyền bất khả xâm phạm".

Dẫu vậy, ông Newsham không tiết lộ nghiệp vụ cảnh sát Mỹ để bắt giữ nhân viên an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ đụng độ giữa đội ngũ an ninh của Tổng thống Erdogan và những người biểu tình ủng hộ cộng đồng người Kurd xảy ra tối 16/5. Theo các nhân chứng, ngay trước khi Tổng thống Erdogan đến dinh thự của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, các vệ sĩ nước này đã vượt qua hàng rào cảnh sát Mỹ ở bên ngoài dinh thự và ẩu đả với những người biểu tình. Cảnh sát Mỹ sau đó đã triển khai thêm lực lượng và nhanh chóng giải tán vụ đụng độ.

Ước tính có ít nhất 11 người bị thương trong vụ ẩu đả, trong đó có 1 sĩ quan cảnh sát Mỹ.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Tổng thống Erdogan đã ngồi trong một chiếc xe đậu gần đó và chứng kiến cuộc ẩu đả. Đoạn video cho thấy một số người đàn ông mặc vest đấm đá người biểu tình.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người biểu tình đã kích động bạo lực trong khi cảnh sát trưởng Washington cho rằng đây là những người biểu tình trong hòa bình.

Mỹ tuyên lệnh bắt 12 công dân và vệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sau ẩu đả

Vụ việc sẽ là một căng thẳng mới nhằm vào mối quan hệ không mấy thuận lợi và tốt đẹp giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù thường xuyên khẳng định đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng trước các lo ngại của Ankara về việc hỗ trợ vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria, Tổng thống Donald Trump chưa khi nào nhắc tới.

Bên cạnh đó, các yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ  Fethullah Gulen, người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mối quan ngại tạm chìm xuống từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn