|
Các kỹ sư Trung Quốc hoàn tất khâu chuẩn bị trước khi phóng vệ tinh Micius hồi tháng 8-2016 - Ảnh: AFP |
Các chuyên gia đánh giá thành tựu mới nhất giúp Trung Quốc xác định vị trí tiên phong trong nỗ lực khai thác các thuộc tính ẩn của vật chất và năng lượng ở cấp độ hạ nguyên tử.
Một khi làm chủ được công nghệ này, Trung Quốc có khả năng xây dựng một mạng lưới truyền tải thông tin “bất khả xâm nhập”, và giới nghiên cứu dự báo họ chỉ còn cách đích đến chừng vài năm.
Qua mặt Mỹ
Theo báo Wall Street Journal, nếu Trung Quốc thực sự thành công, một hệ thống như vậy sẽ thách thức sức mạnh “nghe lén” toàn cầu của Mỹ.
Trong một bản báo cáo thường niên về quân sự Trung Quốc gửi cho Quốc hội tuần trước, Lầu Năm Góc mô tả sự kiện Trung Quốc phóng thành công vệ tinh liên lạc lượng tử hồi tháng 8-2016 là “một bước tiến đáng chú ý trong nghiên cứu mật mã học”.
Trong thí nghiệm mới đây được đăng tải trên tạp chí Science, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc dùng các hạt ánh sáng (photon) “bắn” ra từ vệ tinh để thiết lập kết nối giữa hai trạm mặt đất cách nhau 1.200km.
Thí nghiệm khai thác một hiện tượng của cơ học lượng tử, trong đó hai hạt photon kết nối với nhau và điều gì xảy ra với một hạt cũng sẽ thể hiện đúng như vậy trên hạt còn lại, dù chúng có cách xa nhau bao nhiêu. Nhà bác học Albert Einstein gọi đây là “hành động kỳ quái”.
Bằng cách dùng vệ tinh, nhóm nghiên cứu tránh được các chướng ngại vật trên mặt đất vốn giới hạn khoảng cách truyền các hạt trong khoảng 100km.
“Thí nghiệm của Trung Quốc quả là một thành tựu kỹ thuật đáng chú ý” - giáo sư Artur Ekert thuộc Đại học Oxford (Anh) tán dương.
Nhà vật lý Anton Zeilinger, ĐH Vienna (Áo), thì thừa nhận kết quả thí nghiệm vượt quá mong đợi của ông. Ông Zeilinger hiện đang hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong một thí nghiệm khác cũng liên quan đến vệ tinh.
|
Một bức ảnh ghép hồi tháng 12-2016 cho thấy liên kết thiết lập giữa vệ tinh Micius của Trung Quốc và một trạm thí nghiệm ở Tây Tạng - Ảnh: AFP |
Cuộc chơi lớn
Trong khi các nhà vật lý châu Âu phát triển nhiều lý thuyết và thực hành cơ bản làm nền tảng cho mã hóa lượng tử, các đồng nghiệp Trung Quốc của họ được chính phủ tài trợ tốt hơn. Mỹ tuy cũng theo đuổi lĩnh vực thông tin lượng tử, nhưng lại dành nhiều sự quan tâm và tài nguyên hơn cho ngành máy tính lượng tử.
Giới quan sát cho rằng những tiết lộ của ông Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), về việc Washington do thám các hệ thống liên lạc của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh lo lắng.
“Tiết lộ của Snowden hẳn đóng một vai trò thúc đẩy nghiên cứu công nghệ lượng tử. Những thông tin tiết lộ cho thấy mức độ tinh vi của nguy cơ mà các cơ quan phản gián và an ninh mạng Trung Quốc phải đối mặt” - chuyên gia John Costello thuộc tổ chức học giả New America nhận định.
Ông Alexander Ling, chuyên gia thuộc Trung tâm Công nghệ lượng tử Singapore, bình luận nếu được sử dụng đúng, mã hóa lượng tử có thể bảo vệ dữ liệu khỏi các phương pháp do thám thông thường, và đối phó với cả những máy tính lượng tử đang được phát triển tại Mỹ.
Máy tính lượng tử là khắc tinh của các phương pháp mã hóa dựa trên toán học đang được thế giới sử dụng phổ biến.
Ông Gregoire Ribordy, nhà sáng lập công ty mã hóa lượng tử ID Quantique (Geneva, Thụy Sĩ), dự báo Trung Quốc có thể kết nối các đại sứ quán và cơ sở chính phủ của họ trên khắp thế giới bằng cách phóng một vệ tinh lượng tử thứ hai để mở rộng phạm vi kết nối.
Ông cho rằng điều này có thể trở thành hiện thực trong vòng 5 năm.
|
Một bức ảnh ghép hồi tháng 12-2016 cho thấy liên kết thiết lập giữa vệ tinh Micius của Trung Quốc và một trạm thí nghiệm ở Tây Tạng - Ảnh: AFP |
Theo TTO