Tàu chiến Mỹ gia tăng hoạt động trên Biển Đông

Thứ sáu, 16/06/2017, 09:46
Các tàu của Hải quân Mỹ dành nhiều thời gian hơn trên Biển Đông trong năm nay, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift hôm qua thông báo tại Trung Quốc khi một tàu chiến Mỹ đang ghé thăm nước này.

Các hệ thống quân sự của Trung Quốc trên đá Vành Khăn. Ảnh: CSIS.

Chuyến thăm của tàu khu trục tên lửa dẫn đường Sterett đến cảng Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thăm Trung Quốc từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Số ngày tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông sẽ đạt mức 900 trong năm nay, tăng so với con số trung bình 700 ngày mỗi năm trước đó. Nguyên nhân là các nhóm tàu sân bay tấn công hoạt động nhiều hơn ở Thái Bình Dương, Reuters dẫn lời ông Swift nói với các phóng viên. Nhưng Đô đốc Mỹ hạ thấp ý nghĩa của con số này, nói rằng điều đó có thể không được duy trì.

“Đó là kết quả, và số nhóm tàu tấn công hoạt động ở Thái Bình Dương nhiều hơn trong năm nay dẫn đến số ngày hoạt động của lực lượng tàu tăng lên. Nhưng các bạn biết đấy, thời gian hoạt động có thể thấp hơn vào năm sau”, ông nói. Đô đốc Swift và các quan chức Mỹ khác đều khẳng định  không có sự thay đổi nào trong các chiến dịch hoạt động tự do hàng hải dưới thời ông Trump.

Tháng trước, một tàu chiến Mỹ triển khai “luyện tập thao diễn” đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo trên Biển Đông để cho thấy Trung Quốc không được công nhận quyền đối với vùng biển quanh bãi đá này. Đó là chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ trên Biển Đông kể từ tháng 10 năm ngoái.

Mỹ vẫn lên án việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự trên những đảo này vì lo ngại chúng có thể bị sử dụng để hạn chế tự do di chuyển và mở rộng tầm vươn chiến lược cho Trung Quốc. Nhưng các nước trong khu vực cảm thấy lo ngại khi chính quyền của Tổng thống Trump không thực hiện các hoạt động trên Biển Đông trong những tháng đầu tiên ông lãnh đạo. Một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ không muốn thách thức Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cuộc diễn tập của tàu hải quân Mỹ vừa qua bao gồm bài tập thể hiện rằng sự di chuyển của tàu Mỹ không đơn thuần là “đi lại vô hại”, các quan chức Mỹ cho biết. Tàu khu trục Sterett tham gia đợt tập luyện trên Biển Đông vào tuần trước. Dù đó không được coi là hoạt động tự do hàng hải nhưng cũng khiến Trung Quốc lên tiếng rằng, họ đang cảnh giác trước các hành động quân sự của Mỹ ở vùng biển này.

O ép bằng thương mại

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra báo cáo mới nhất (hôm 7/6) viết rằng, Trung Quốc vẫn đang quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông và sử dụng các biện pháp ép buộc phi quân sự nhằm kiểm soát vùng biển chiến lược ở châu Á. “Trung Quốc tiếp tục sử dụng cách cưỡng ép lặng lẽ hơn để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông và Hoa Đông”, báo cáo gửi lên Quốc hội Mỹ viết.

Trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên diện tích khoảng 3.200 mẫu được bồi đắp từ cát dưới đáy biển và có vẻ chuẩn bị triển khai một lực lượng máy bay chiến đấu quy mô lớn. Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đang tập trung trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, nơi những hạ tầng nhỏ được xây từ năm ngoái.

“Tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc đã xây 24 hầm chứa cho máy bay chiến đấu, các hệ thống vũ khí cố định, doanh trại, tòa nhà điều hành và hệ thống thông tin liên lạc trên cả ba tiền đồn”, báo cáo viết. Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, những hệ thống này sẽ giúp Trung Quốc có thể đưa 3 trung đoàn máy bay chiến đấu ra quần đảo Trường Sa.

Bắc Kinh cũng đã xây các hệ thống quy mô nhỏ hơn trên các đá Gạc Ma, Ga Ven, Tư Nghĩa và Châu Viên. Báo cáo cho biết, Trung Quốc sử dụng chính sách trừng phạt thương mại và các biện pháp khác đối với những nước phản đối hành động của họ.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 15/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước tình trạng quân sự hóa trên biển Đông được nêu trong báo cáo của Lầu Năm Góc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi việc làm của nước ngoài tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này.

“Chúng tôi cho rằng là một quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định của khu vực cũng như trên Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, bà Hằng nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn