Việc “giải cứu”, “bổ nhiệm thần tốc” đang khép lại niềm tin của người dân

Thứ sáu, 16/06/2017, 08:51
Nói về phản ứng của dư luận với những từ khóa như “giải cứu”, “bổ nhiệm thần tốc”, “đúng quy trình” trong thời gian qua, đại biểu Quốc hội cho rằng, những việc này “đang dần khép lại niềm tin của người dân”. Một câu hỏi hóc được đặt ra: “Chính phủ có cần đến niềm tin đó nữa không?”…

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền: "“Chính phủ đặt tâm thế của mình vào đâu để hành động?".

Bấm nút đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong buổi chiều ngày 15/6, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ lo lắng trước hiện trạng dự án thua lỗ, đắp chiếu, những “nắm đấm thép” không hiệu quả trở thành món nợ lớn, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, đúng quy trình pháp luật nhưng yếu tố người nhà “giọt máu đào hơn ao nước lã” lại quyết định.

Bà Hiền đề nghị, với trách nhiệm của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh hơn, sát hơn để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình”, “bổ nhiệm thần tốc”, “giải cứu” đang dần khép lại niềm tin của người dân.

“Chính phủ đặt tâm thế của mình vào đâu để hành động khi mà kỷ cương phép nước, quyền lợi của người dân vẫn không được chú trọng. Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không. Các thành viên Chính phủ có cam kết gì về lộ trình cho những giải pháp đã đề ra, để những cam kết này sẽ là lời hứa “ba mặt một lời” trước cử tri, để Quốc hội giám sát tối cao?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Đáp lại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xác nhận hiện tượng xảy ra ở một số địa phương, lãnh đạo bổ nhiệm người nhà vào đơn vị mình phụ trách, gây bức xúc dư luận. Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu Bộ Nội vụ thanh tra công vụ. Việc kiểm tra, rà soát tại 11 địa phương đã phát hiện nhiều sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức.

Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình diễn ra trong gần 2,5 giờ.

“Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng sai; chấm dứt hợp đồng những trường hợp đưa vào bộ máy không đúng quy trình, điều kiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm” - ông Bình nói và thông tin, trong năm 2017 Chính phủ đã giao các bộ ngành, địa phương thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Việc thanh kiểm tra tập trung vào khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng lương, tăng ngạch bậc… công chức.

Trước đó trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội đã nêu 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.

Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên – Môi trường tình Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo...

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn