Sân golf Tân Sơn Nhất: Doanh nghiệp hay quân đội đều phải trả đất khi cần

Thứ sáu, 16/06/2017, 07:54
Là một thành viên đoàn giám sát dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên Thường trực UB Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, đất sân golf tại đây là đất quốc phòng nhưng không thể xây dựng doanh trại nên cho phép liên doanh để làm kinh tế, phải cam kết khi cần thiết sẽ thu hồi…

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa

Thông tin từ vụ sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất thể hiện, khu đất rộng 157ha này thuộc quản lý của Quân chủng phòng không – không quân, ban đầu được giao cho doanh nghiệp quân đội sử dụng, khai thác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi được giao đất, toàn bộ vốn sở hữu của doanh nghiệp quân đội được chuyển đổi sang cho doanh nghiệp tư nhân. Như vậy thì nguồn lợi kinh tế khai thác từ sân golf đều chảy vào túi doanh nghiệp, có còn được dùng để phục vụ mục đích quốc phòng, như để xây dựng, củng cố doanh trại quân đội như các lý giải đã từng đưa ra?

Thực tế có những mô hình kinh tế liên hợp quốc phòng, như Quân ủy Trung ương từng nói, để tạo ra ngân sách trong khi đất còn dư thừa, chưa sử dụng.

Như tôi được biết, đất ở đây (khu vực sân golf Tân Sơn Nhất – PV) là đất tĩnh không và đất dự trữ để đảm bảo cho quốc phòng, bị bỏ không, để cỏ mọc, lau lách um tùm, lãng phí. Sau đó, Quân ủy có bàn và thấy là không thể xây dựng nhà cửa, doanh trại ở đó được, vì đó là đất tĩnh không cho sân bay và quy hoạch khu đó cũng không rõ ràng. Vậy nên Bộ Quốc phòng mới cho phép liên doanh với doanh nghiệp trong nước để làm dự án sân golf, khi cần thiết thì sẽ thu hồi thôi.

Đây là những cam kết khi triển khai dự án. Khi liên kết để làm dự án trên đất quốc phòng, các doanh nghiệp, không phân biệt tư nhân hay quân đội, đều phải làm đúng cam kết, đảm bảo đúng mục đích quân sự là được.

Vấn đề, như ông nói là cân bằng và phương án nào mang lại lợi ích lớn hơn, lợi ích chung cho cộng đồng, cho đất nước thì cần được lựa chọn. Trong trường hợp ở Tân Sơn Nhất, nếu diện tích đất làm sân golf được dùng để mở rộng sân bay thì giá trị mang lại cho sự phát triển kinh tế, cho người dân sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích cục bộ cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác chứ thưa ông?

Tôi cũng là thành viên trong đoàn giám sát dự án sân bay Tân Sơn Nhất và thống nhất quan điểm là làm thế nào để xử lý hợp lý nhất, vừa để đảm bảo lợi ích cho người dân, có nguồn thu ngân sách… thì nên làm. Còn việc lấy đất sân golf để mở đường băng mới hay không, đó là trách nhiệm của Chính phủ.

Dù vậy, theo tôi, việc ách tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất không phải nằm ở vấn đề đường băng đâu mà là tắc về tĩnh không, về đường bộ, quy hoạch theo hướng giải quyết vấn đề đó thì đầu tư sẽ ít nhất mà mang lại hiệu quả. Đã đi giám sát thì tôi biết, nếu làm thêm đường băng nữa, sẽ cần giải tỏa rất nhiều dân cư để đảm bảo khoảng tĩnh không cần thiết. Phần sân golf có thể làm được 1 đường băng nhưng giải tỏa tĩnh không mới là vấn đề, để đảm bảo cho máy bay cất hạ cánh.

Theo tôi biết, làm đường băng chỉ cần 2,5km thôi, nhưng hai đầu đường lại cần rất lớn, khoảng 5km nữa. Như thế thì rất khủng khiếp cho việc giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng. Mà điều đó cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc mặt đất, đường giao thông vào sân bay.

Qua vụ việc sân golf Tân Sơn Nhất, nhiều người đã liên hệ với một việc phức tạp khác liên quan đến tình trạng đất quốc phòng không được sử dụng cho mục đích quốc phòng, mà để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh, là việc tranh chấp của người dân về khu đất tại sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa qua. Đã từng giám sát về vấn đề này, UB Quốc phòng - An ninh có nhận định gì về những bất cập bộc lộ qua các vụ việc cụ thể?

Về đất quốc phòng, quan điểm chung là, đất nước nào cũng phải có một diện tích đất nhất định để dùng cho quốc phòng. Đất này có thể sử dụng ngay, để dự phòng hoặc sử dụng cho mục đích khác, tôi không tiện nói ra. Thời gian qua, các cơ quan hữu quan của Bộ Quốc phòng cũng rất quan tâm phối hợp với Chính phủ, địa phương trong khâu quản lý loại đất này và khẳng định hầu hết diện tích đất đều sử dụng rất đúng mục đích.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng rất tạo điều kiện huy động nguồn lực đất đai này cho phát triển kinh tế, làm kinh tế lưỡng dụng như những cảng biển, sân bay lớn. Trước đây từng làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự nên tôi biết, có nhiều khu đất thuộc quốc phòng đã bàn giao để làm khu công nghiệp, phục vụ cho phát triển như thế.

Nhưng đúng là ở một số công trình, việc quản lý chưa tốt. Như vụ Đồng Tâm, khu đất được giao cho đơn vị quốc phòng nhưng quản lý chưa tốt, để người dân vào đó. Giờ phải có phương án thoả thuận, ví dụ, trích một phần kinh phí nào đó trong dự án để đền bù, hỗ trợ cho người dân, và làm cho đúng luật. Ở Đồng Tâm, tôi chắc là cũng có vướng mắc trong đó để người dân phải “lăn tăn”.

Như vụ việc ở Đồng Tâm, người dân bức xúc vì đất mang tiếng thuộc sân bay Miếu Môn nhưng không phải để khai thác cho mục đích bay, huấn luyện quân sự mà lại giao cho một doanh nghiệp (cụ thể ở đây là Viettel) để làm dự án kinh tế?

Viettel là một doanh nghiệp quân đội đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin, và tới đây Bộ Quốc phòng có thể giao thêm một số công việc thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nữa. Cái đó rất rõ ràng, ở các nước cũng vậy cả, cần phát triển kinh tế quân đội vì mục đích an ninh và đối ngoại mà đến giờ tôi chưa thể thông tin được với các bạn.

Có ý kiến cho rằng, cần phân biệt rõ đất dùng cho mục đích quốc phòng và đất giao cho các đơn vị quốc phòng quản lý vì hiện có chuyện lẫn lộn giữa những khái niệm này khiến người dân không nhất trí?

Như tôi đã nói ở trên, đất quốc phòng kết hợp với kinh tế và làm kinh tế nhưng kết hợp với mục đích quốc phòng vẫn có sự tách bạch. Có đất đang phục vụ cho quốc phòng, có đất để dự trữ và có đất dùng với mục đích khác, tôi không tiện nói. Quân đội vẫn phải có những quỹ đất như vậy. Ví dụ, sân bay thì cần có đi kèm những đơn vị bảo vệ và phải bố trí diện tích cho những hoạt động đó, ví dụ như làm trận địa phòng không.

Xin cảm ơn ông.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích