|
Hơn 100 bài báo nghiên cứu 'made in China' bị phát hiện có vấn đề về bình duyệt và đã bị rút khỏi tạp chí quốc tế |
Trước đó vào tháng 4, truyền thông Đức đưa tin tạp chí chuyên ngành về ung thư Tumor Biology (trụ sở Mỹ) đã rút lại 107 bài báo nghiên cứu sau khi tìm thấy bằng chứng về việc "dàn xếp" bình duyệt nghiên cứu.
Các bài báo này vốn thuộc các tác giả ở các trường đại học và viện y khoa Trung Quốc, được đăng trong thời gian từ 2012-2016.
Bình duyệt nghiên cứu là quy trình bắt buộc trước khi các bài báo và công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học. Theo đó, trước khi được đăng báo, bài nghiên cứu sẽ được gửi cho các nhà nghiên cứu hoặc chuyên gia khác cùng lĩnh vực để họ kiểm tra, đánh giá.
Việc này nhằm đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của nghiên cứu. Tuy nhiên Tumor Biology phát hiện quá trình bình duyệt của 107 bài nghiên cứu trên "có vấn đề".
Trang blog Retraction Watch cho biết các bài báo trên đã được "đánh giá dưới tên các nhà nghiên cứu thật nhưng email giả". Một số bài báo thậm chí có thể đã sử dụng dịch vụ biên tập của bên thứ ba và dùng các bài đánh giá nghiên cứu của bên thứ ba này.
Tân Hoa Xã đưa tin Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc khẳng định họ "không khoan nhượng" đối với những hành vi như vậy và cam kết sẽ điều tra từng trường hợp bị rút bài nghiên cứu.
"Vụ việc đã gây ảnh hưởng rất xấu và hủy hoại danh tiếng quốc tế của giới khoa học Trung Quốc, làm tổn thương lòng tự trọng của các nhà khoa học Trung Quốc chân chính", bộ này nói trong một thông báo ngày 14-6.
Họ cũng thông báo dự án và khoản tài trợ của các nhà nghiên cứu có liên quan tới các bài báo bị rút đã bị đình chỉ.
Theo AFP, đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia y tế Trung Quốc bị phát hiện làm giả bình duyệt nghiên cứu. Vào năm 2015, tạp chí khoa học - y tế - công nghệ BioMed Central (Anh) đã rút 43 bài báo, chủ yếu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, do gian lận.
Năm 2016, Springer (Đức) cũng rút 64 bài báo của 10 tác giả, trong đó có nhiều người Trung Quốc.
Tân Hoa Xã cho rằng các tác giả Trung Quốc vốn không muốn làm giả bài nghiên cứu, nhưng nhiều người làm việc trong các bệnh viện công bị áp lực phải có bài đăng trên tạp chí quốc gia hay quốc tế thì mới được "thăng tiến hoặc tăng lương".
Theo TTO