Biến THAAD thành sắt vụn?
Giới phân tích Trung Quốc thừa nhận việc triển khai tại Hàn Quốc Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là sự kiện mang tính cột mốc với cục diện chiến lược Đông Bắc Á có sự thay đổi lớn và điều chỉnh sâu sắc.
Trung Quốc quyết không thể xem nhẹ buông xuôi, phải có sự đáp trả mạnh mẽ, từ đó khôi phục cân bằng chiến lược khu vực.
Theo đó, cùng với việc thâm nhập toàn diện và vận hành THAAD tại Hàn Quốc, cân bằng chiến lược ở Đông Bắc Á sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, Đông Bắc Á từ thời điểm hiện nay đã bước vào “thời kỳ hậu triển khai THAAD”.
Để đối phó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng cần phải chuẩn bị toàn diện cả về kinh tế, chính trị và quân sự, sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Trong bài viết phần hai này, chúng tôi đề cập tới những đối sách cơ bản được giới phân tích Trung Quốc đề xuất để chống lại THAAD ở Hàn Quốc.
Trung Quốc dọa biến THAAD tại Hàn Quốc thành sắt vụn! |
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng khi thiết lập các biện pháp chống trả, Trung Quốc phải xem xét tổng hợp mục tiêu chiến lược hiện nay và trong tương lai lâu dài, như vậy mới thực hiện tổng hợp sách lược, để biện pháp đáp trả mang tính mục tiêu hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn.
Mục tiêu ngắn hạn phải tiến hành xung quanh hệ thống THAAD, làm cho hệ thống này không thể vận hành bình thường, để THAAD trở thành “đống sắt vụn”, trong khi mục tiêu lâu dài là đẩy Mỹ khỏi “chuỗi đảo thứ nhất”, phá vỡ ý đồ chiến lược “Tiểu NATO ở châu Á” của Mỹ, giành nhiều không gian chiến lược rộng lớn hơn để Trung Quốc phát triển.
Phong tỏa Hàn Quốc
Đối sách đầu tiên được nêu ra là con bài kinh tế với Hàn Quốc với yêu cầu phải chuẩn bị tốt để chắc thắng. Đó là phải kết hợp tiến công chính xác với sự trừng phạt toàn diện và dẫn dắt của chính phủ, thường xuyên để dân chúng giữ vai trò chủ đạo.
Đề xuất đưa người dân giữ vai trò chủ đạo là bởi Trung Quốc lo ngại WTO, sợ bị tạo cớ, bị “cho vào tròng”.
Biện pháp đầu tiên chính là việc khiến người dân Trung Quốc không đi Hàn Quốc, không mua hàng hóa Hàn Quốc, đi tàu du lịch qua Hàn Quốc không lên bờ.
Muốn vậy phải triển khai rộng rãi tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, hướng dẫn dân chúng chống lại các doanh nghiệp Hàn Quốc với tiền đề hợp pháp, đúng quy chế.
Một siêu thị Lotte tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc bị đóng cửa hồi tháng 3/2017 |
Mục tiêu chủ yếu là nhằm vào những doanh nghiệp Hàn Quốc ủng hộ phái diều hâu quân sự và thế lực bảo thủ thân Mỹ. Ví dụ như tập đoàn Lotte bị coi là “ăn cơm Trung Quốc đập nồi Trung Quốc”.
Giới phân tích Trung Quốc rất hoan hỉ với việc đóng cửa siêu thị Lotte với lý do phòng cháy không đúng quy định vì theo họ đây là cách làm căn cứ theo pháp luật quy định, phù hợp với quy chế của WTO.
Người Trung Quốc hi vọng với những biện pháp kiểu này sẽ khiến Hàn Quốc thực sự cảm nhận được nỗi đau “tận xương tủy”, từ đó ảnh hưởng tác động đến xu hướng chính trị của Hàn Quốc, để Hàn Quốc chủ động ngừng vận hành THAAD, hoặc thay đổi trang bị radar THAAD, khiến phạm vi giám sát kiểm soát của hệ thống này chỉ hạn chế trên bán đảo Triều Tiên.
Về chính trị, Trung Quốc cho rằng phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Theo đó, Hàn Quốc đồng ý triển khai THAAD là một sự kiện chính trị chứng tỏ Hàn Quốc đã hoàn toàn lệ thuộc vào Mỹ. Hàn Quốc cùng với Nhật Bản đang theo Mỹ kiềm chế ngăn chặn Trung Quốc.
Theo giới phân tích Trung Quốc, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ Trung-Hàn đã có những bước phát triển quan trọng. Tháng 5/2008, hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việc đưa THAAD vào Hàn Quốc bị Trung Quốc đánh giá là không phù hợp với mối quan hệ này.
Trong thời gian diễn ra hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 mới diễn ra tại Đức, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc muốn gặp phía Trung Quốc nhưng đã bị từ chối.
Đây được coi là lời cảnh báo cho thấy cơ chế tiếp xúc cấp cao giữa hai nước bị gián đoạn và có thể rơi vào trạng thái lạnh nhạt.
Người biểu tình vây đoàn xe chở các bộ phận hệ thống tên lửa THAAD tại Seongju, Hàn Quốc |
Về mặt quân sự, đề xuất được đưa ra là phải chuẩn bị tốt mọi mặt với tuyên bố rõ ràng rằng, ngày THAAD được đưa vào vận hành cũng là “ngày tàn” của THAAD!
Thông qua tất cả các biện pháp kỹ thuật quân sự, bao gồm tấn công mạng hoặc xác định địa điểm để xóa bỏ, khiến hệ thống THAAD bị vô hiệu hóa hoặc trở thành “đống sắt vụn”.
Đại tá Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng đe dọa rằng việc bố trí THAAD tuyệt nhiên không thể giúp cho Hàn Quốc trở nên an toàn hơn; và quân đội Trung Quốc không bao giờ nói suông trong việc phản đối hệ thống tên lửa này.
Ứng xử với Triều Tiên
Bên cạnh Hàn Quốc, giới phân tích Trung Quốc cũng hết sức chú trọng tới cách hành xử với Triều Tiên. Theo đó, THAAD đưa vào Hàn Quốc là chiến lược đã được xác định của Mỹ nhằm kiềm chế ngăn chặn Trung Quốc, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chỉ là cái cớ để Mỹ bố trí THAAD tại Hàn Quốc.
Chính vì vậy, một mặt, Trung Quốc thực hiện điều khoản trừng phạt Triều Tiên trong khuôn khổ Liên hợp quốc, không được mở rộng phạm vi trừng phạt; mặt khác vẫn phải cố gắng phát triển quan hệ hữu nghị với Triều Tiên, tăng cường viện trợ nhân đạo cho nước này, khuyến khích và ủng hộ Triều Tiên cải cách kinh tế, đồng thời giúp Triều Tiên về kinh nghiệm và vật chất cần thiết.
Trung Quốc coi việc chống lại THAAD là cuộc chiến toàn diện với nhiều bên cùng lúc |
Đi sâu hợp tác an ninh Trung-Triều, bao gồm tìm kiếm các giải pháp có thể để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tháng 7/2016, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Triều Tiên đã gửi điện chúc mừng lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 55 năm ký kết “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Trung-Triều”.
Hiệp ước này cho đến nay vẫn còn hiệu lực. “Hai bên cam kết cùng lựa chọn mọi giải pháp ngăn chặn bất cứ quốc gia nào xâm lược một bên đã ký hiệp ước song phương. Khi một bên ký hiệp ước bị một nước hoặc nhiều nước khác cùng tấn công vũ trang, ở vào trạng thái chiến tranh, thì bên còn lại phải lập tức đem hết sức mình giúp đỡ bên kia về quân sự và các viện trợ khác”.
Đương nhiên, Trung Quốc cũng phải vạch ra giới hạn đỏ đối với Triều Tiên, xác định rõ họ không thể có việc làm tạo ra mối đe dọa thực chất đối với Trung Quốc.
Ngoài ra, giới phân tích Trung Quốc cũng đề xuất việc hợp tác với Nga, trong khi phải tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ và Nhật Bản. Ví dụ cảnh báo được nêu ra là Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Giới phân tích Trung Quốc tự tin rằng trong điều kiện khó khăn cách đây 60 năm, Trung Quốc còn đánh cho Mỹ “thua đau” huống hồ là Trung Quốc ngày nay đã mạnh chưa từng có!
Theo Đất Việt