Cuộc sống trong nhà giam Triều Tiên qua lời kể cựu tù nhân Mỹ

Thứ sáu, 16/06/2017, 13:27
Hầu hết các tù nhân Mỹ được Triều Tiên phóng thích đều nói rằng họ không bị ngược đãi về thể chất trong nhà giam.

Otto Warmbier được đưa về Mỹ ngày 13/6. Ảnh: Reuters

Công dân Mỹ Otto Warmbier ngày 13/6 về nước trong tình trạng hôn mê sau khi được Triều Tiên phóng thích trong khi đang thụ án 15 năm tù khổ sai. Việc bác sĩ nói Warmbier bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng đã gây nên những tranh cãi về cách Triều Tiên đối xử với người ngoại quốc bị bắt giam, theo NYTimes.

Triều Tiên đã bắt giữ 16 công dân Mỹ kể từ năm 1996, trong đó ba người vẫn đang thụ án ở nước này. Việc Warmbier bị tổn thương não khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, bởi Triều Tiên thường không tra tấn thể xác tù nhân nước ngoài.

"Triều Tiên dường như có quan điểm là không sử dụng bạo lực thể xác với người Mỹ, mặc dù họ không hề ngần ngại sử dụng đòn tâm lý", Robert R. King, cựu đặc sứ của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền ở Triều Tiên, người từng phụ trách trường hợp của Warmbier trước khi nghỉ hưu vào tháng một, nói. "Tình huống của Warmbier nhiều khả năng không phải là điều họ cố ý gây ra".

Theo các chuyên gia phân tích, Triều Tiên luôn coi mình là một quốc gia tôn trọng các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Lời kể của những công dân Mỹ từng bị giam giữ ở Triều Tiên cũng cho thấy họ không bị ngược đãi nhiều về thể xác.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2015, cựu tù nhân Mỹ Aijalon Gomes nhớ lại anh bị nhốt trong "một buồng giam bằng xi măng rất lạnh". Gomes sau đó bị đưa đến lò gạch và phải lao động cải tạo. Khi được hỏi anh có bị tra tấn hay không, Gomes nói: "Có những lúc bạo lực nhưng cũng có những lúc nhân đạo".

Laura Ling, nhà báo Mỹ bị Triều Tiên bắt năm 2009 cùng với đồng nghiệp Euna Lee, cho biết cô bị giữ trong một phòng tối có diện tích chỉ 3 mét vuông.

"Khi nghe thẩm phán tuyên án '12 năm', tôi gần như không thể đứng vững", Ling kể lại thời điểm bị kết án tù khổ sai vì nhập cảnh trái phép. Cô đã bị trầm cảm nặng.

Nhưng Ling không bị gửi đến một trại lao động, mà được chuyển đến một buồng giam thường, nơi cô được điều trị bệnh viêm loét. Ling cũng được phép gọi điện và gửi thư cho chị gái, chồng và bố mẹ ở Mỹ. Ling thậm chí còn dạy cho các lính gác Triều Tiên một vài bài tập yoga.

Ling và Lee được Triều Tiên phóng thích vào cuối năm 2009, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Bình Nhưỡng.

Kenneth Bae là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn bị Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai về tội âm mưu lật đổ nhà nước. Bae nói rằng các điều tra viên Triều Tiên thẩm vấn ông 15 tiếng một ngày trong 4 tuần đầu tiên. Ông được đối xử tốt hơn sau khi viết lời thú tội, mô tả mình là kẻ khủng bố đã lên kế hoạch lật đổ chính phủ.

Bae làm việc trên một cánh đồng đậu nành và sụt hơn 13kg, nhưng ông vẫn được phép đọc email từ gia đình và bạn bè Mỹ cũng như đọc Kinh Thánh. Ông đã phải nhập viện ba lần vì các bệnh tiểu đường, bệnh tim và đau lưng.

Bae cảm thấy chính phủ Triều Tiên vẫn coi trọng người ngoại quốc và quan tâm đến hình ảnh của họ ở nước ngoài. Bae được trả tự do vào năm 2014 sau khi giám đốc tình báo quốc gia Mỹ vào thời điểm đó, James Clapper Jr., đến Bình Nhưỡng.

Matthew Todd Miller (phải) và Kenneth Bae. Ảnh: AP

Một số tù nhân Mỹ thậm chí còn cho biết họ được Triều Tiên đối xử khá tử tế.

Matthew Todd Miller nói rằng anh rất ngạc nhiên khi được nhà chức trách Triều Tiên cho phép giữ iPhone và iPad của mình trong ít nhất một tháng sau khi bị bắt. Miller được phép nghe nhạc và truy cập thông tin trong bộ nhớ nhưng không được gửi hay nhận tin nhắn.

"Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần là sẽ bị tra tấn. Nhưng thay vào đó, tôi lại được đối xử tử tế đến bất ngờ", Miller nói trong một cuộc phỏng vấn với NK News.

Cựu tù nhân Mỹ Jeffrey E. Fowle cũng cho biết ông không bị xâm phạm về thể chất trong gần 6 tháng bị Triều Tiên giam giữ. Arturo Pierre Martinez nói ông được đối xử "tốt", thậm chí còn được phép chụp ảnh như một khách du lịch.

Tù nhân Triều Tiên gây tranh cãi nhất là Robert Park, nhà truyền giáo Mỹ bị Triều Tiên bắt vào năm 2009, sau khi đi bộ qua biên giới từ Trung Quốc và vẫy trên tay quyển Kinh Thánh.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tháng 2/2012 đăng một bài phỏng vấn Park, nói rằng anh này đã "bị tra tấn khủng khiếp đến mức anh cầu xin được chết", thậm chí kể rằng một số phụ nữ Triều Tiên đã dùng gậy đánh vào bộ phận sinh dục của Park. Tuy nhiên, Park sau đó đã lên tiếng bác bỏ, cho rằng đây chỉ là câu chuyện "thêu dệt" của Yonhap và yêu cầu hãng này gỡ bài.

Một cựu tù nhân Mỹ khác, Evan C. Hunziker, tự sát chưa đầy một tháng sau khi được Triều Tiên thả vào năm 1996, tuy nhiên không rõ hành động này có liên quan đến những điều ông đã trải qua ở Triều Tiên hay không.

Nhà báo Mike Chinoy viết rằng một bác sĩ và y tá Triều Tiên từng kiểm tra huyết áp, mạch và nhịp tim của Merrill E. Newman 4 lần một ngày. Newman khi đó 85 tuổi, được thả ra sau 42 ngày giam giữ vào năm 2013.

Theo ông King, Triều Tiên thường rất quan tâm đến sức khoẻ của tù nhân Mỹ mà họ giam giữ, bởi họ coi những người này như lá bài để mặc cả với Washington. "Người Triều Tiên thường không muốn giữ người Mỹ nếu họ có vấn đề sức khoẻ. Họ không muốn ai chết", ông King nói. "Đây là lý do tại sao trường hợp của Otto Warmbier là bất thường".

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích