Quan điểm TP.HCM thay đổi thế nào về mở rộng Tân Sơn Nhất

Thứ sáu, 16/06/2017, 19:37
Trước khi kiến nghị Chính phủ thu hồi đất sân golf phía Bắc sân bay, TP.HCM từng ủng hộ phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Nam.

Sân golf rộng 157ha trong sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động từ năm 2015.

Ông Trần Anh Tuấn (quyền Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP.HCM) nói rằng, việc mở rộng và nâng cấp sân bay phải tiến hành khẩn trương và phải "xóa bỏ ngay hình ảnh sân golf thông thoáng bên cạnh sân bay chật hẹp".

Còn theo ông Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội đang xem xét dự án giải tỏa mặt bằng ở Đồng Nai để làm sân bay Long Thành nhưng lộ trình còn dài, trong khi Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. Nếu thu hồi sân golf, sân bay có thêm đất mở rộng giúp tăng công suất, giảm tình trạng ngập úng, kẹt cứng.

Không thảo luận công khai tại hội trường Quốc hội, song Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) đã gửi thư tay đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu vấn đề cử tri thành phố mong muốn "lấy sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất".

Quan điểm này của TP.HCM được thống nhất với mong muốn mở rộng Tân Sơn Nhất về phần đất sân golf , tức phía Bắc, chứ không phải phía Nam như phương án 3 đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng "chốt".

Tuy nhiên, một tháng trước, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa nêu, điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo phương án 3 là phù hợp với tinh thần cuộc họp ngày 6/3 do Thủ tướng chủ trì.

Cụ thể là xây dựng bổ sung đường lăn song song, các đường lăn nối giữa đường CHC 25L/07R và sân đỗ; nhà ga T4 (công suất 15 triệu); khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc; nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 43-45 triệu hành khách mỗi năm.

Về kết nối giao thông, thành phố đề nghị bổ sung nội dung thuyết minh về hiện trạng và quy hoạch hệ thống giao thông đô thị kết nối với sân bay; hoàn thiện nội dung đánh giá tác động lên hệ thống giao thông đô thị thành phố khi nâng công suất cảng hàng không.

TP.HCM từng không đồng tình mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vì tốn rất nhiều tiền và sẽ gây ùn tắc giao thông cho khu vực. Ảnh: Google maps.

3 năm trước - thời điểm Bộ GTVT lấy ý kiến về chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản thống nhất hoàn toàn với việc triển khai dự án này.

Theo ông Tín, sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu có tổng diện tích 1.500ha với hơn 590ha đang được khai thác dân dụng kết hợp với hoạt động bay quân sự, nằm trong khu vực đô thị có mật độ dân cư cao. Với công suất 20 triệu lượt người mỗi năm, hệ thống giao thông kết nối với sân bay thường xuyên bị quá tải.

Một lý do khác, theo hồ sơ dự án, nếu nâng tổng công suất lên 50 triệu lượt người mỗi năm thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng về phía Bắc với diện tích bồi thường giải phóng mặt bằng 641ha. Kinh phí cho việc này, thành phố tính toán lên đến hơn 9 tỷ USD.

Với quy mô mở rộng này, hệ thống giao thông quanh sân bay sẽ bị quá tải dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng trên diện rộng. Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng được cho là ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời - tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép.

Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị sẽ bị hạn chế bởi vấn đề tĩnh không, phễu bay. Đó là chưa tính đến các yếu tố liên quan quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng.

Cùng với việc ủng hộ xây sân bay Long Thành, TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh tiến độ phân kỳ đầu tư, để sớm đưa sân bay này vào hoạt động. Vì theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, năng lực tối đa của Tân Sơn Nhất sẽ được khai thác hết vào 2016-2017.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị sớm xây dựng giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (mở rộng lên 8 làn xe) và đồng bộ các công trình giao thông kết nối đến sân bay Long Thành để giảm nguy cơ ùn tắc đường cao tốc. Trong các công trình giao thông kết nối, thành phố đề nghị cần nghiên cứu xây dựng sớm tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành.

Tại buổi họp giữa tháng 8/2014 của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án sân bay Long Thành do Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư lúc đó là ông Bùi Quang Vinh chủ trì, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng bày tỏ mong muốn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm được xây dựng và khai thác ngay sau năm 2020 để "chia lửa" với Tân Sơn Nhất, giải quyết vấn đề giao thông đô thị.

Theo VNE

Các tin cũ hơn