Thổ Nhĩ Kỳ cay đắng rời NATO, ngả về Nga?

Thứ ba, 21/11/2017, 11:34
Thổ Nhĩ Kỳ bất bình về hành động “xúc phạm đất nước”

Thổ Nhĩ Kỳ bất bình về hành động “xúc phạm đất nước”

"Đã đến lúc xem xét lại tư cách thành viên của chúng ta trong NATO" - tuyên bố này của một quan chức cao cấp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, sau vụ “xúc phạm đất nước” của NATO đã được giới truyền thông nước này quảng bá rộng rãi trong các bản tin của mình ngày 20/11.

Các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan là ông Yalcin Topcu đưa ra tuyên bố trên khi bình luận về vụ bê bối trong cuộc tập trận của NATO tại Na Uy mới đây, hiện đang làm quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trở nên vô cùng căng thẳng.

Trong cuộc tập trận của NATO được tổ chức ở Na Uy từ ngày 01 - 18/11, người sáng lập nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk và Tổng thống đương nhiệm Recep Tayip Erdogan được giới thiệu như một "kẻ thù" của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một nhóm nhỏ binh lính đến tham dự cuộc tập trận đa quốc gia của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Na Uy. Tuy nhiên, một sự cố “không thể chấp nhận được” đã diễn ra, khi tên và hình ảnh của quốc phụ Mustafa Kemal Ataturk và Tổng thống Erdogan bị gắn vào bia trong cuộc tập trận.

Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền được phát trên truyền hình ngày 17/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi việc tên và hình ảnh của ông, cùng với nhà sáng lập Ataturk bị gắn vào bia là điều không thể chấp nhận được.

Nhà lãnh đạo Ankara nhấn mạnh rằng: "Không thể tồn tại một mối liên minh kiểu này"; đồng thời đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh rút 40 binh sỹ nước này và toàn bộ trang bị ra khỏi cuộc tập trận trên, chỉ 1 ngày sau sự cố này, kể cả khi những cái tên này đã được NATO nhanh chóng gỡ bỏ.

Mặc dù sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xin lỗi chính quyền của Tổng thống Erdogan và khẳng định sự cố trên là hành động cá nhân của một nhân viên hợp đồng dân sự của Na Uy, chứ không phản ánh quan điểm của NATO, nhưng quan hệ giữa hai bên vẫn vô cùng căng thẳng.

Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đề cập việc rời NATO

Ông Topcu nói: "Với đất nước và cá nhân tổng thống với 52% phiếu bầu, đã vang lên những âm điệu xảo trá thù địch, sự hèn hạ, ô nhục và hổ thẹn, được chứng minh trong cuộc tập trận của NATO, sử dụng các bức ảnh và tên tuổi của Mustafa Kemal Ataturk, Recep Tayyip Erdogan như những kẻ thù địch”.

Ông nhấn mạnh, đất nước Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu sức ép và cuộc tấn công từ phía mà nước này không hề mong đợi. Lý do nằm ở vị trí địa-chính trị. Hành vi thấp kém và không trung thực này nói lên ý định của NATO là cứng rắn hơn nữa trong quan hệ với chính quyền Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đang có xu hướng ngả về Nga, lạnh nhạt với NATO

Một tổ chức thể hiện thái độ thù địch đối với thành viên của nó thì Thổ Nhĩ Kỳ không cần đến, những hành động vô đạo đức như vậy không thể không được trả lời. Câu hỏi về sự hiện diện của đất nước trong tổ chức này cần được khẩn trương xem xét tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông, NATO không chỉ là liên minh quân sự, mà còn là một hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, sự phụ thuộc về chính trị và kinh tế. NATO đứng đằng sau tất cả các cuộc đảo chính và quyết định sự phụ thuộc trong ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng như khi Mustafa Kemal Ataturk ở Sakarya và Dumlupinar (trận chiến trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến I) nước Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể xé tan chiếc áo thuộc địa, mà hiện nay NATO đang cố gắng khoác lên, và vào năm 2019 chúng ta sẽ kéo bỏ nó ra khỏi bờ vai, đoàn kết và tập hợp xung quanh nhà lãnh đạo Recep Tayyip Erdogan."

Đến năm 2019 (năm bầu cử Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ), nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, hơn bao giờ hết, kiên định ủng hộ mạnh mẽ Tổng thống, những hành vi không đứng đắn, những hành vi công kích không biết xấu hổ, không phù hợp (của NATO) không được phép phủ bóng lên tương lai đất nước.

Do đó, đã đến lúc người dân Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra câu hỏi về vị trí thành viên của chúng ta trong tổ chức này, đã đến lúc đất nước cần xem xét lại tư cách thành viên trong Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO rạn nứt nghiêm trọng

Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên kỳ cựu của NATO, khi nước này gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương vào năm 1952.

Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc một số quan chức Mỹ-NATO có dính líu đến cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, cùng với việc Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd ở Iraq và Syria.

Điều này đã dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa căn cứ không quân Incirlik mà NATO đang được nước này cho phép sử dụng, khiến Mỹ-Đức phải lần lượt rút máy bay khỏi căn cứ này, chuyển về Jordan; đồng thời Mỹ cũng đang chuẩn bị chuyển các đầu đạn hạt nhân khỏi Incirlik.

Bên cạnh đó, mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Ankara và Moscow về cả chính trị, quân sự lẫn kinh tế, mà biểu hiện mới nhất là việc hai nước sắp hoàn thành dự án khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và việc nước này ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga, đã khiến các nước phương Tây vô cùng lo ngại.

Những điều này đã dẫn đến sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai bên, hoàn toàn có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO, và có thể gia nhập các tổ chức do Nga thành lập và lãnh đạo.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn