Con số thực lớn hơn nhiều
Mới đây, hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab, đã đưa ra báo cáo chi tiêu của nhóm đối tượng người trẻ ở Việt Nam độ tuổi sinh năm 1995 trở về sau này (thế hệ Z), trong đó, với tổng số 14,4 triệu người sinh năm từ 1995 trở về sau, số chi cho ăn uống mỗi tháng vào khoảng 13.000 tỷ đồng, tính bình quân khoảng 900.000 đồng/người/tháng.
Trước con số trên, trao đổi với PV, ngày 12/12, Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn - Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho biết: "Tôi không tin vào con số này, vì nếu tính số tiền chi cho ăn uống hàng tháng mà gần 1 triệu đồng/cháu là quá nhiều, lại còn tính trung bình cả trẻ em nông thôn lẫn thành thị, cả trẻ vừa mới sinh cho đến 18 tuổi.
Thực tế, số trẻ có tiền tiêu ăn vặt hàng tháng chỉ tập trung ở các thành phố lớn phát triển, điều kiện kinh tế cao, còn các khu vực nông thôn, hoàn toàn không có khoản tiền này, còn mặc nhiên trẻ sơ sinh không có chi tiêu ăn vặt.
Để thấy số tiền thực mà một trẻ chi tiêu cho ăn vặt sẽ còn lớn hơn rất nhiều, như tôi biết có trẻ còn tiêu cả chục triệu đồng một tháng cho sinh hoạt hàng ngày của mình".
Giới trẻ Việt xếp hàng dài mua trà sữa |
Bên cạnh đó, theo ông Chuẩn, đối với giới trẻ nước khác họ rất nghiêm ngặt trong việc chi tiêu tiền, đặc biệt với lớp dưới 18 tuổi, họ kiểm soát kỹ, cho 1 tháng chỉ 20-30 USD, hoặc 20-30 EURO, chỉ trong khoảng nhất định không được phép hơn, rất chi ly.
Cụ thể, họ tính tiền ăn, tiền ở, tiền đi xe, tiền quần áo, tiền giải trí văn hóa, thì ra mức lương tối thiểu của người lớn là 700-800USD/tháng, thì từ đó họ tính ra trẻ con chỉ được 50-80 USD tiền tiêu vặt trong khoảng này không được phép hơn.
Phải hình dung thu nhập của họ 20.000 USD/tháng thì tiêu vặt của con trẻ 50 USD là rất nhỏ so với thu nhập bình quân. Còn chúng ta thu nhập 2000 USD/tháng, mà tiêu vặt 50 USD ngang các nước phát triển, thì là quá khập khiễng.
Hơn nữa, ở lớp 2, lớp 3 họ đều dạy cho trẻ quản lý tài chính, đồng tiền chi tiêu hợp lý, để con hiểu rõ chỉ khi tự tay làm ra đồng tiền thì chúng ta mới quý trọng nó. Phải để cho trẻ biết tiết kiệm, quý trọng, kiếm tiền khó mà tiêu tiền còn khó hơn nhiều, cho nên, nếu không giáo dục được thì trẻ sẽ bị ảnh hưởng lớn, mặc nhiên nghĩ bố mẹ phải cống nạp cho mình.
Chúng ta cũng không dạy con bần tiện quá nhưng cần có thái độ đúng với đồng tiền, phải tiêu cho xứng đáng, ngay cả tiêu xài hoang phí cũng là một vấn đề. Trẻ nếu không sống bằng đôi chân của mình thì rất khó, nhiều khi chỉ biết hưởng thụ.
"Tôi cứ băn khoăn về con số thống kê này, còn nếu đúng thực tế như vậy thì đáng lo quá. Bởi cũng có thể, ở thành phố có những gia đình có điều kiện, mức chi tiêu dành cho con cái như vậy là không hề nhiều, nhưng 70-80% dân số của chúng ta sống ở vùng nông thôn, nên tôi mới lo ngại", ông Chuẩn nói.
Trẻ coi bố mẹ là quê mua, xộc xệch
Ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, hiện đang có nhiều phiên bản khác nhau về việc này, vì phụ huynh Việt đang hình thành cho trẻ tâm lý coi mình là trung tâm, mọi người phải quan tâm đến nó, nó là rốn vũ trụ, trong quá trình lớn lên, trưởng thành thì dần dần biết nhiều hơn, bắt nạt, có tư duy muốn gì được nấy.
Như trẻ con chỉ cần dỗi là mua ôtô, mua đủ thứ, nó cứ thấy chiều là giận dỗi đủ thứ, nên bố mẹ chiều quá sẽ khó trong hòa nhập xã hội.
Khi đi học sẽ khó hòa nhập vì cứ đến lớp phải có đoàn thể, có tập thể, ở nhà không dạy mẹ ốm phải quan tâm mẹ một chút thì trẻ sẽ không biết cách quan tâm đến ai, sẽ có tư tưởng con bé là được ưu tiên, như đùi gà là của con, bố mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả các thứ cho con.
"Ở trung tâm tôi đã từng chữa trị cho một cậu thanh niên 23 tuổi, bạn này ở TP.HCM, được bác ruột sống tại Hà Nội đưa ra mong hỗ trợ về tâm lý.
Bạn này sau khi được cho đi học, bố mẹ chu cấp tiền, có xe riêng, tiền tiêu không thiếu. Kéo dài 8 năm, cậu bắt đầu luôn có cảm giác thấy bố mẹ quê mùa, ngốc nghếch, xộc xệch, nói không hiểu, coi thường, mà không nghĩ đến việc ai cho tiền đi học, ai nuôi nấng.
Khi tôi hỏi muốn làm gì thì bảo muốn làm lãnh đạo cấp cao của nhà nước, thay đổi nhiều thứ, hỏi thay đổi gì, thì em ấy bảo là đầu tư bóng đá, chuyện ăn uống, thực phẩm... Như thay đổi bóng đá, thì mong sân bóng nước nhà sẽ to đẹp như sân nước ngoài...
Việc của tôi khi đó là để cho em ấy hiểu dần về xã hội, nhiều khi để các em thấy bố mẹ là xã hội, không dễ như các em tưởng tượng, làm lãnh đạo là thay đổi được mọi thứ.
Chúng ta phải kéo các em từ trên trời, trên mây xuống đứng dưới đất, mình nghe theo các em muốn gì, lựa rõ ý rồi dẫn dắt các câu chuyện để các em thấy hợp lý, thay vì vô lý.
Hiện nay thế hệ trẻ đang chia làm đôi, một là, dần dần không biết quan tâm người khác; hai là, bố mẹ trang bị kỹ kỹ năng sống biết quan tâm người khác", ông Chuẩn chỉ rõ.
Bỏ mặc con muốn làm gì làm
Nguyên nhân của tình trạng này là do cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình bố mẹ mải kiếm tiền mặc nhiên cho con tiền muốn làm gì thì làm, thiếu sự quan tâm, không quản lý cách chi tiêu, cho nên con cái không biết cách xử lý đồng tiền.
Lại quay lại bài toán thu nhập của chúng ta bình quân 2000 USD/người/tháng, Mỹ là 20.000 USD/người/tháng, nếu họ mua một điện thoại iPhone để dùng mất khoảng 1.000 USD thì chỉ chiếm 1/20 thu nhập của họ, nhưng với Việt Nam mua một cái Iphone thì mất 1/2 thu nhập.
Nhưng điều lạ, điện thoại thông minh, xe xịn ở Việt Nam vô cùng nhiều, khi thu nhập bình quân lại thấp.
Không cần nói Tây Ta, ngay như Sài Gòn với Hà Nội, người Sài Gòn ra Hà Nội thấy rất nhiều xe xịn, họ choáng ngợp, trong khi thu nhập của Sài Gòn nhiều hơn rất nhiều so với Hà Nội, dân số đông hơn, tiền nhiều hơn.
"Cho nên, đây là vấn đề từ giáo dục đến thực hành trong đời sống, nhiều khi không phải tiếc tiền với con mà hãy để con quen với việc phải giải trình làm cái này để làm gì, kiếm tiền khó khăn ra sao, trải nghiệm cụ thể, nhiều người còn khó khăn, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, thì nó sẽ có thái độ rất khác với đồng tiền.
Ở trung tâm tôi có rất nhiều trẻ do được chiều chuộng và đáp ứng hết vô điều kiện các nhu cầu chính nên bị chậm nói. Trẻ chỉ cần ú ớ một tiếng hoặc lăn ra khóc... là được chiều, có được cái mình muốn nên chẳng cần phải nói nữa. Muốn đi tiểu thì chỉ khóc, thậm chí rình thời gian cho tè.
Lần sau cần gì, muốn gì, trẻ lại lăn ra khóc và việc này lặp đi lặp lại nhiều sẽ làm thui chột khả năng ngôn ngữ của trẻ. Không những thế, điều này còn kéo theo một loạt hệ lụy khác như trẻ sẽ khó hòa nhập: ra ngoài xã hội, ở lớp, chơi với bạn... nếu khóc hay lăn ra ăn vạ để được cái mình muốn thì không ai chấp nhận được. Cứ như vậy, trẻ sẽ khép kín, thu mình, không muốn đi học, không muốn ra ngoài xã hội nữa...
Bên cạnh cưng chiều quá mức, đáp ứng hết các nhu cầu của trẻ, việc giữ con thái quá, không cho trẻ ra đường sợ tai nạn, không cho chơi với bạn cùng lứa... cũng khiến trẻ không có môi trường để rèn luyện và phát triển ngôn ngữ.
Sau này, trẻ cứ ý mình mình làm, không để ý đến những lời nói của bố mẹ, tự thu mình lại và đến đây điều trị thời gian khá lâu mới về tâm lý bình thường", ông Chuẩn kể lại.
Theo Đất Việt