Người Sài Gòn luyện "tinh thần thép" ăn bánh đúc bà chủ 'sang chảnh' với 3 không

Thứ tư, 13/12/2017, 13:39
Bên cạnh hương vị thơm ngon thì quán bánh đúc trên đường Phan Đăng Lưu còn thu hút người Sài Gòn bởi phương châm bán hàng bá đạo của bà chủ: 'Khách hàng không phải là thượng đế, thượng đế mới là thượng đế'. Quán này đặc biệt bởi 3 không: Không tên, không nói chuyện và không cần khách!

Dù phong cách phục vụ của chủ quán đi ngược lại với nguyên tắc kinh doanh, nhưng lại tạo ra nét riêng biệt và thu hút rất đông khách ghé ăn...

“Muốn ăn bánh đúc ở đây thì phải có tinh thần thép và sức chịu đựng cao”, là lời nhắc nhở của một vị khách vừa rời khỏi quán được mệnh danh là “bánh đúc 3 không” ở Sài Gòn.

Chén bánh đúc ngon nức tiếng của quán bà Hồng mà có lẽ bí quyết tạo nên sự thành công đó nằm ở công thức pha chế nước mắm riêng biệt

Chủ quán là người phụ nữ tên Hồng, tuổi ngoài 60 với mái tóc sợi bạc xen lẫn sợi đen. Trước đây, bánh đúc bà Hồng chỉ là một gánh hàng rong đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn. Được một thời gian, sau khi đã dành dụm được số vốn kha khá, bà mới mở quán bánh đúc và bán đến nay đã hơn 40 năm.

Không tên, không nói chuyện và không cần khách!

Quán “không có tên”, không có biển hiệu nên nhiều người cứ gọi là bánh đúc bà Hồng hay nổi tiếng hơn là cái tên “bánh đúc 3 không”.

Quán nằm giữa khoảnh sân nhỏ của căn nhà số 116/11 Phan Đăng Lưu (phường 3, quận Phú Nhuận) nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon của món ăn. Bên cạnh đó, yếu tố hút khách còn nằm ở phong cách phục vụ cực kỳ khó chịu của bà chủ.

Bà Hồng ngồi cạnh nồi bánh đúc nóng hổi đang đặt trên bếp lửa, trước mặt là chiếc bàn với những loại nguyên liệu, gia vị để nêm nếm cho món ăn cùng hũ nhựa to đựng nước mắm chua ngọt. Chén bánh đúc ngon hay không cũng chính nhờ thứ nước mắm được pha chế đặc biệt này của chủ quán.

Vì lượng khách rất đông nên bà liên tục múc bánh đúc cho vào chén và đưa cho người phụ bán. Người này bắt đầu cho mỡ hành vào chén bánh, tiếp đến là một muỗng lớn thịt nạc băm và nấm mèo xắt sợi, chan mắm vừa ngập qua lớp bánh đúc và cho hành phi lên để hoàn thành món ăn.

Bánh đúc nóng, mềm nhưng không bở, các thức ăn kèm cũng được nêm nếm vừa miệng. Nước mắm ăn bánh đúc này có vị gần giống nước mắm người miền Trung dùng trong món bánh bèo, bánh ướt, nhưng được pha mặn hơn và nếu ai để ý kỹ sẽ thấy có chút vị chua ở phần hậu.

Món bánh đúc dân dã này được chan nước mắm ngọt, thêm hành phi cùng hỗn hợp thịt băm, là món ăn nhẹ được nhiều người yêu thích

Cái không thứ hai là “không nói chuyện” lớn tiếng, không gây ra tiếng động mạnh hay đùa giỡn, ngồi tám chuyện quá lâu trong quán. Khách ghé đây ai cũng như ai, chỉ lên tiếng một lần duy nhất khi gọi món (hoặc nếu có nhu cầu ăn thêm) và tuyệt đối giữ im lặng trong suốt quá trình ăn.

Và cuối cùng là “không cần khách”, đây cũng là sự tổng hợp cho tất cả những điểm “kỳ lạ và khó hiểu” của những người trong quán bà Hồng.

Chén bánh đúc nóng hổi, thức ăn kèm vừa miệng quyện với vị mặn ngọt vừa phải của nước mắm dễ dàng làm hài lòng những thực khách khó tính
“Không hiểu vì lý do gì mà cả chú giữ xe cho đến bà chủ, rồi mấy cô phụ bán, ai cũng mang vẻ mặt cau có với khách. Mua bánh đúc mang về mà lỡ không chuẩn bị sẵn tiền lẻ là chắc chắn sẽ bị lườm từ đầu tới chân”, Thu Thảo (SV ĐH Hutech) cho biết.

Những điều có thể bạn CHƯA BIẾT về Bánh đúc bà Hồng:

+ Quán có nhiều tên gọi nhất: Bánh đúc Phan Đăng Lưu; Bánh đúc “3 không”; Bánh đúc “chảnh”; Bánh đúc “đuổi khách”; Bánh đúc “không lời”…

+ Lịch nghỉ định kỳ của quán: Mồng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng.

+ Giá bánh đúc: Thay đổi theo năm, tính đến nay đã có 40 lần thay đổi giá cả.

+ Slogan của chủ quán: “Khách hàng không phải là thượng đế, thượng đế mới là thượng đế”.

Bạn Thanh Vinh (SV ĐH Kinh tế TP.HCM) cũng gật gù tỏ vẻ đồng tình và kể thêm về lần đầu tiên đến đây ăn: “Hôm đó bạn mình rủ đi ăn bánh đúc, lúc tới thấy hết bàn nên mình quay sang hỏi cô ơi còn bàn không. Tự nhiên bị bà chủ trừng mắt nhìn, mình còn tưởng mình làm gì sai nữa mới sợ”.
Vinh cũng nói thêm, trước cũng có một người khách rơi vào trường hợp như anh, nhưng vì không hiểu và hỏi lại nhiều lần nên bị chủ quán “đuổi thẳng cổ”.
Anh chàng không quên thở phào khi nhớ lại chuyện của bản thân, may mắn là người bạn đi cùng vốn có nhiều kinh nghiệm ăn “bánh đúc 3 không” nên nhanh chóng kéo Vinh ra ngoài đợi cho đến khi có bàn trống để ngồi.
Đều đặn từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối mỗi ngày, bánh đúc bà Hồng vẫn đông kín khách, thậm chí chưa có lúc nào trong quán có dưới năm vị khách đang chờ thưởng thức chén bánh đúc nóng hổi.
Mỗi tháng quán sẽ nghỉ vào hai ngày rằm, “nhiều người quên lịch bán nên chạy từ quận 8, quận Tân Bình qua ăn rồi phải ngậm ngùi đi về”.
Song, dù phải ngồi ăn trong không khí chẳng mấy vui vẻ đó nhưng hầu hết mọi người đều trả lời chắc nịch: “Vẫn sẽ quay lại” khi có ai đó hỏi lần sau còn muốn ghé ăn nữa không?
Lý giải điều này, thực khách tên Mai Anh vui vẻ cho biết: “Chủ quán có thái độ không niềm nở, nhưng bù lại bánh đúc rất ngon. Mình sống để trải nghiệm mà, thì thấy chỗ nào lạ lạ, thú vị cứ tới thử thôi. Nếu ngon thì mình ủng hộ hết. Còn thái độ chủ quán thì… đừng quan tâm là được”.
Không gian quán khá chật, thay vì để bàn thì chỉ có ghế cho khách ngồi
Nhiều thực khách phải đợi rất lâu nhưng vẫn không dám hối vì sợ bị "đuổi"

Từ những lời góp ý chân thành của thực khách, chúng tôi đã hỏi trực tiếp bà Hồng để hiểu hơn về nguyên nhân của sự khó chịu này. Bà cho biết: “Không phải là khó chịu mà đó là sự khó tính của tôi và những người trong gia đình. Nhân viên ở đây đều là người nhà hết. Chúng tôi không có thói quen nói chuyện đùa giỡn khi ăn, và cũng không muốn nhiều khách ngồi lại quá lâu để nói chuyện trong khi có rất đông người khác phải chờ đợi bên ngoài”.

Bánh đúc ở đây có giá 20.000 đồng/chén đầy đủ

Về việc “lườm, nguýt” khi khách quên mang theo tiền lẻ, bà Hồng cũng giải thích: “Như tôi đã nói rồi, vì quán quá đông, mà chén bánh đúc có 20.000 đồng đưa tờ tiền 500.000 đồng làm sao tôi đi đổi tiền mà thối được”. Bà cũng thẳng thắn cho biết trước đây đã từng “đuổi vài khách về vì tới mua mà cứ… hối”.

Việc bà chủ lên tiếng như vậy cũng phần nào giúp thực khách đỡ bối rối, nhưng vẫn còn một số người không đồng tình khi cho rằng: “Đồng tiền từ mồ hôi, công sức mình làm ra và mình đang dùng số tiền đó để mua thức ăn. Hoàn toàn không phải đi xin. Một quán ăn nếu ngon thôi thì chưa đủ, người bán hàng ăn “có tâm” phải là người văn minh và hiểu được phép lịch sự tối thiểu”.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích