|
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Chuyến thăm bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc hồi đầu tuần là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên cần sự ủng hộ của quốc gia láng giềng trước khi Bình Nhưỡng tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim Jong-un chưa từng gặp bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2011 sau khi cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời. Ông cũng chưa thực hiện bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào trên cương vị nguyên thủ quốc gia. Nhưng với Trung Quốc, đối tác thương mại số một và là đồng minh lớn duy nhất của Bình Nhưỡng, mọi chuyện đều có thể thay đổi.
Giới quan sát nhận định nếu ông Kim Jong-un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đó sẽ là điều bất thường. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Aidan Foster-Carter tại Đại học Leeds, xét đến tầm quan trọng của liên minh Trung - Triều, việc ông Kim Jong-un sắp xếp gặp ông Tập Cận Bình trước ông Moon Jae-in và ông Donald Trump là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nới lỏng trừng phạt
Kể từ khi Hàn Quốc và Triều Tiên quyết định mở lại các kênh liên lạc ngoại giao và chủ trương làm tan băng mối quan hệ căng thẳng suốt nhiều năm từ tháng 2, Bình Nhưỡng đã chủ động thúc đẩy một giải pháp chung giữa hai nước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng động thái này đã tạo ra sự chia rẽ giữa liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời đẩy Trung Quốc ra ngoài lề.
Trung Quốc và Triều Tiên là đồng minh thân cận kể từ cuộc chiến tranh liên Triều khi cố lãnh đạo Mao Trạch Đông đưa quân hỗ trợ chính quyền của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Hai nước cho đến nay vẫn duy trì thỏa thuận quốc phòng song phương, trong đó cam kết một bên sẽ “ngay lập tức triển khai quân đội và các hình thức hỗ trợ khác bằng mọi cách có thể” trong trường hợp bên còn lại gặp chiến tranh hoặc bị bên thứ ba tấn công.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, quan hệ Trung - Triều dường như ngày càng căng thẳng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã “trảm” nhiều quan chức cấp cao có quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Ông Kim Jong-un cũng khiến Trung Quốc “nóng mặt” khi liên tục thử hạt nhân và tên lửa, trái với mục tiêu do Bắc Kinh tuyên bố về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc không tốt trong những năm gần đây, đặc biệt khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế (nhằm vào Triều Tiên). Đây sẽ là những chủ đề mà Triều Tiên muốn thảo luận với Trung Quốc”, James Hoare, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Chatham House và là cựu nhà ngoại giao Anh ở Triều Tiên, nhận định.
Chuyên gia Foster - Carter đồng tình với quan điểm trên, cho rằng Triều Tiên có lẽ đang hy vọng Trung Quốc sẽ giảm bớt các lệnh trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh nhận định “ông Kim Jong-un rõ ràng đã cảm nhận được sức nóng của các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng tăng và muốn thực hiện những bước đi chủ động để đảm bảo sự tồn vong của chính quyền”.
Tong Zhao, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie Tsinghua tại Bắc Kinh, nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể “muốn nhận được sự đảm bảo” từ Trung Quốc trước khi đối thoại với Tổng thống Trump.
“Họ biết cuộc gặp (với Tổng thống Trump) rất rủi ro và có nhiều điều không chắc chắn. Nếu cuộc gặp này không thành công, phía Mỹ có thể tuyên bố rằng chính sách ngoại giao (với Triều Tiên) đã thất bại và chuyển hướng sang cách tiếp cận cứng rắn hơn, thậm chí là một cuộc tấn công quân sự. Do vậy, (việc Triều Tiên) duy trì mối quan hệ ổn định và tích cực với Trung Quốc sẽ giúp ngăn Mỹ không tiến hành một cuộc tấn công quân sự”, ông Zhao nhận định.
Lôi kéo đồng minh
|
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên (Ảnh: Reuters) |
Theo Giáo sư Bates Gill tại Viện nghiên cứu chiến lược châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, chuyến đi của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn lôi kéo Trung Quốc đứng về phía mình trước khi bắt đầu cuộc đàm phán với hai nhà lãnh đạo Mỹ, Hàn.
“Việc ông Kim Jong-un có mặt tại đây (Trung Quốc) và hội đàm với ông Tập Cận Bình là tín hiệu rõ ràng gửi tới ông Moon Jae-in và ông Donald Trump về sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc đưa ra sự ủng hộ, ít nhất là về chính trị (cho Triều Tiên). Ông Kim hiểu rằng khi tham dự những cuộc gặp chiến lược cấp cao như vậy (với Mỹ, Hàn), ông cần nhiều bạn bè nhất có thể, hoặc ít nhất ông cũng cần xây dựng được hình ảnh rằng ông đang có nhiều bạn nhất có thể”, ông Gill cho biết.
Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy của Austrailia, cho rằng Triều Tiên thực sự muốn đảm bảo việc Trung Quốc sẽ hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp cấp cao với Mỹ, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump bổ nhiệm ông John Bolton, một quan chức có quan điểm cứng rắn, làm cố vấn an ninh quốc gia hồi tuần trước.
“Triều Tiên muốn đảm bảo chắc chắn rằng nước này sẽ không bị “đánh lén” trong trường hợp Mỹ - Trung thỏa thuận riêng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, đồng thời cũng để chứng tỏ rằng Triều Tiên có một cường quốc và một đồng minh rất mạnh ở ngay biên giới, và Mỹ sẽ phải dè chừng nếu muốn chọn phương án quân sự”, ông Euan cho biết.
Trấn an Trung Quốc
Theo chuyên gia Zhou Chenming, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un cũng nhằm mục đích dập tắt những đồn đoán đang ngày càng lan rộng lâu nay rằng, Trung Quốc không còn tiếng nói tác động tới Triều Tiên.
“Chuyến thăm là bằng chứng cho thấy Triều Tiên và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ hữu hảo truyền thống cũng như các liên kết cấp cao, bất chấp tin đồn nói rằng mối quan hệ giữa hai nước đang gặp căng thẳng”, ông Zhou cho biết.
Chuyên gia Zhou nhận định bằng cách chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên, ông Kim Jong-un rõ ràng muốn thể hiện thái độ hòa giải và trấn an ông Tập Cận Bình rằng Triều Tiên không có ý định thắt chặt quan hệ với Mỹ để đánh đổi mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo ông Zhou, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa hiểu những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Do vậy, ông Kim có thể muốn tận dụng bối cảnh này để thúc đẩy các lợi ích của Triều Tiên bằng cách tăng cường quan hệ với Trung Quốc trước khi đàm phán với Tổng thống Trump.
Theo Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên tại Đại học Montreal, ngoài việc mong muốn Trung Quốc giảm bớt lệnh trừng phạt, thậm chí đề nghị Bắc Kinh nhượng bộ, ông Kim Jong-un cũng cần sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình đối với một số đề xuất mà Bình Nhưỡng đưa ra trước khi đối thoại với Mỹ, bao gồm việc yêu cầu Washington rút bớt quân tại Hàn Quốc. Những đề nghị này sẽ có sức nặng hơn nếu có thêm tiếng nói ủng hộ của Trung Quốc.
Theo Dân Trí