|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp hồi tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters) |
Trước khi thực hiện vụ trục xuất tập thể với quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào các nhà ngoại giao Nga, chính quyền Mỹ, Anh và các đồng minh đã thổi bùng những tranh cãi về cuộc đối đầu gián điệp Đông - Tây, vốn bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc đối đầu này cũng hé lộ những điều ít biết về một thế giới ngầm trong quan hệ giữa các quốc gia, đó là mạng lưới gián điệp được chính phủ các nước cử ra nước ngoài dưới vỏ bọc là các nhà ngoại giao.
Tính đến nay, ít nhất 22 quốc gia và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố trục xuất hơn 130 nhà ngoại giao Nga nhằm đáp trả Moscow sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3. Mặc dù tình hình căng thẳng bắt nguồn từ cuộc tranh cãi giữa Nga và Anh, song Mỹ lại là nước trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga nhất, lên tới 60 người.
Tuy vậy, ít nhất vẫn còn 40 nhà ngoại giao vẫn đang làm việc tại các cơ sở ngoại giao của Nga trên lãnh thổ Mỹ. Họ có thể đi lại tự do tới thủ đô Washington và các thành phố lớn khác của Mỹ dưới sự giám sát của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong trường hợp họ thực sự là những gián điệp do Nga cài cắm dưới vỏ bọc ngoại giao và Mỹ cũng biết điều đó, vậy tại sao Washington không trục xuất tất cả những nhà ngoại giao này về nước?
Lý do thực sự
|
Các nhà ngoại giao Nga rời khỏi Đại sứ quán tại London sau lệnh trục xuất của Anh (Ảnh: Reuters) |
Theo các chuyên gia, câu trả lời nằm ở chỗ: Mặc dù các hoạt động gián điệp có thể coi là bất hợp pháp và không được chào đón, song nó đã trở thành thông lệ quốc tế và được các nước thừa nhận từ xưa đến nay. Theo AP, tất cả các quốc gia đều duy trì hoạt động gián điệp và hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều cử gián điệp ra nước ngoài dưới vỏ bọc ngoại giao. Mỹ cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
“Từ hàng trăm năm nay, các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao đã được sử dụng để do thám hoạt động trên lãnh thổ đối phương”, Đại tá Lục quân về hưu Christopher Coster, giám đốc điều hành Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington, cho biết.
Theo ông Coster, ngay cả khi các gián điệp nước ngoài bị phát hiện, chính phủ sở tại sẽ nhận ra rằng việc theo dõi họ bí mật thậm chí còn hiệu quả hơn so với việc trục xuất họ về nước.
“Trò chơi mèo vờn chuột đối với các gián điệp sẽ giúp nhận ra họ đang liên lạc với ai”, cựu đại tá Mỹ nhận định.
Một lý do khác giải thích cho việc Mỹ không trục xuất toàn bộ các nhà ngoại giao Nga mà Washington cho là gián điệp “vỏ bọc” đó là Mỹ cũng đang tham gia vào cuộc chơi này.
Khi một quốc gia quyết định trục xuất các đại diện ngoại giao của một nước khác, họ cũng phải chấp nhận một thực tế rằng các nhà ngoại giao của nước họ cũng sẽ bị trục xuất tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu Mỹ trục xuất càng nhiều nhà ngoại giao Nga, càng nhiều nhà ngoại giao Mỹ cũng bị trục xuất khỏi Nga.
Năm 2016, khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, Moscow ngay lập tức trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ. Trong vụ việc gần đây, khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Điện Kremlin cũng tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh khỏi Moscow.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà ngoại giao ở nước ngoài cũng là những gián điệp “trá hình”. Khi một quốc gia đưa gián điệp tới đại sứ quán ở một nước được coi là đồng minh hữu hảo, họ thường công khai luôn các gián điệp này thực chất là ai. Mặc dù vẫn núp dưới bóng là những nhà ngoại giao, song các gián điệp sẽ hoạt động với vai trò như những người kết nối giữa hoạt động tình báo của nước họ với nước sở tại, từ đó tạo ra một kênh tình báo hiệu quả.
Trong khi đó, với những nước có quan hệ đối đầu như Nga và Mỹ, các chính phủ sẽ không tiết lộ cho nhau biết nhà ngoại giao nào thực chất là gián điệp. Từ đó, cuộc đua săn lùng gián điệp giữa các bên chắc chắn sẽ diễn ra.
Giữ lại hay trục xuất?
|
Đại sứ quán Nga tại Mỹ. |
Theo John Schindler, cựu quan chức phản gián và là nhà phân tích thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia, bất kỳ nhà ngoại giao mới nào của Nga được cử sang Mỹ để công tác tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington hay lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle đều phải trải qua quá trình rà soát của Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng như các cơ quan phản gián khác của Mỹ.
Một số người có thể nhanh chóng bị nhận dạng dựa trên thông tin về những nơi họ từng làm việc hoặc những vị trí họ từng nắm giữ. Việc tìm hiểu các thông tin về lý lịch không phải chuyện khó khăn trong thời đại công nghệ hiện nay với sự trợ giúp của nhiều công cụ như Google, LinkedIn hay LexisNexis.
Một số vị trí nhất định trong đại sứ quán nhiều khả năng sẽ do các gián điệp nắm giữ, như các quan chức an ninh, nhân viên chính trị hay chuyên gia truyền thông - những người thường bí mật tham gia vào các hoạt động thu thập thông tin kỹ thuật bằng cách nghe lén các cuộc điện thoại hoặc các phương tiện liên lạc điện tử.
“Nếu bạn không thể xác định được họ là ai, hãy chờ cho tới khi họ đặt chân đến nước bạn và theo dõi xem họ làm gì, họ có các cuộc gặp bí mật với ai và họ sử dụng công nghệ nào để tránh bị do thám”, ông Schindler cho biết.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thủ đô các nước trên thế giới là nơi tập trung hàng nghìn gián điệp hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các hoạt động gián điệp giảm dần, song chưa bao giờ chấm dứt. Và bây giờ xu hướng này đang bùng phát trở lại.
“Tỷ lệ gián điệp hiện nay cao ngang bằng, nếu không muốn nói là cao hơn, thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mức độ nghi kỵ lẫn nhau giữa các cơ quan tình báo không bao giờ mất đi”, Giáo sư Angela Stent tại Trường Hoạt động Đối ngoại thuộc Đại học Georgetown và là cựu chuyên gia về Nga tại Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, cho biết.
Nga hồi năm ngoái từng than phiền về việc các nhà ngoại giao Mỹ được đưa đến Moscow và các thành phố khác của Nga phần lớn là gián điệp. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng có quá nhiều điệp viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang hoạt động với vỏ bọc phái đoàn ngoại giao và những hoạt động này không phù hợp với vị trí mà họ đang nắm giữ.
Theo Dân Trí