|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un |
Nguy cơ khủng hoảng quan hệ Mỹ-Triều
Trong một động thái khá bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới cũng như các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về quyết định này của Tổng thống Mỹ.
Ned Price, cựu quan chức CIA và từng là phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh có thể khiến chúng ta rơi trở lại quỹ đạo một cuộc xung đột tiềm tàng".
New York Times dẫn nhận định một số chuyên gia cho rằng, quyết định hủy họp cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng chính sách gây sức ép về kinh tế với Triều Tiên không còn hiệu quả, và cuối cùng ông Trump có thể tính đến phương án quân sự.
Tất cả tổng thống Mỹ kể từ thời Tổng thống Nixon đều nhận ra rằng phương án quân sự với Triều Tiên là quá mạo hiểm. Điều này có lẽ còn đúng hơn nữa khi hiện nay năng lực hạt nhân của Triều Tiên đạt được bước tiến mới. Song điều mà giới chức Lầu Năm Góc lo ngại là, ông Trump có thể sẽ không nhận ra điều này.
Trong cuộc họp báo sau thông báo hủy họp, Tổng thống Trump cảnh báo, quân đội Mỹ và các đồng minh sẵn sàng đáp trả các hành động “liều lĩnh” của Triều Tiên. Mặc dù vậy, trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao: “Tôi cảm thấy rằng bây giờ không phải thời điểm thích hợp để diễn ra hội nghị thượng đỉnh như kế hoạch. Tôi rất mong một ngày nào đó có thể gặp gỡ ngài (Kim Jong-un)”.
Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao?
|
Chuyên gia cho rằng, nguy cơ xung đột quân sự có xảy ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của Triều Tiên sau quyết định hủy họp thượng đỉnh của Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Các chuyên gia cho rằng, quan hệ Mỹ-Triều có nguy cơ trở lại thời kỳ khủng hoảng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của Triều Tiên.
Trong phản ứng đầu tiên sau quyết định hủy họp của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói rằng, Triều Tiên vẫn để ngỏ đàm phán với Mỹ để giải quyết mọi vấn đề "vào bất cứ thời gian nào, theo bất cứ hình thức nào". Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá về những bước đi tiếp theo của Triều Tiên.
New York Times nhận định, Triều Tiên có thể sẽ quyết định phản ứng gay gắt hơn với động thái hủy họp của Mỹ bằng việc nối lại các hoạt động tấn công mạng, thử tên lửa và hạt nhân, thậm chí là một vụ thử hạt nhân trong không trung.
Nếu Triều Tiên thử hạt nhân ở bắc Thái Bình Dương, phóng xạ có thể lan rộng tới Mỹ và Washington sẽ coi đây là hành động “gây hấn”. Đáp lại, Mỹ có thể điều các máy bay ném bom B-1B, tăng cường các khí tài quân sự ở quanh bán đảo Triều Tiên. Khi đó, nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực là rất lớn.
Trong khi đó, Jeff Bader, cố vấn châu Á dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng ông Kim Jong-un sẽ tránh "các hành động gây hấn thái quá" bởi ông ấy vẫn hy vọng tiếp tục cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. "Điều này sẽ gây sức ép với ông ấy trong một thời gian nhất định. Nhưng về lâu dài, tôi chắc chắn ông ấy sẽ có các hành động gây hấn trở lại".
Evans Revere, cựu thành viên đoàn đám phán của Mỹ với Triều Tiên, cũng cho rằng Mỹ sẽ không “động binh” nếu Triều Tiên không có các hành động khiêu khích nào.
Theo Dân Trí