|
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu. |
Trong ngày xét xử 23/5, đại diện cơ quan công tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Hoàng Công Lương 30-36 tháng tù cho hưởng án treo tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không chấp nhận bác sĩ Lương có tội
Chia sẻ với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Với đề nghị này, tôi thực sự thấy người ngành Y khủng hoảng niềm tin và lo xã hội bất an vì y tế và giáo dục là gốc của an sinh xã hội. Tôi nghĩ những nhân viên y tế sẽ buồn nhiều hơn, e ngại khi hành nghề vì tôi và các đồng nghiệp trót sinh vào cái nghiệp này rồi. Chắc chắn không vì việc này mà các bác sĩ bớt nhiệt tình với bệnh nhân. Nhưng chắc là niềm tin vào công lý sẽ giảm đi nếu tòa xử bác sĩ Lương có tội...
|
Th.s, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp. |
Bác sĩ Lương không có tội mà Viện kiểm sát vẫn đề nghị mức án tù, dù là cho hưởng án treo cũng không chấp nhận được. Tôi theo dõi rất sát phiên tòa này vì đây là sự kiện quan trọng đối với ngành Y, liên quan đến hàng chục ngàn cán bộ của chúng tôi. Một điều tôi thấy bất thường trong các phiên xét xử là nhiều chứng cứ được đưa ra, nhân chứng được mời tới nhưng đều không được tòa chấp nhận”.
Trước mức án mà Hội đồng xét xử đưa ra với bác sĩ Hoàng Công Lương, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho rằng: “Tôi cảm thấy chưa hợp lý”. Theo bác sĩ Cấp: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn. Do hệ thống RO của Thiên Sơn lắp đặt nên khi bàn giao hệ thống RO, Thiên Sơn phải bàn giao hướng dẫn sử dụng, quy trình vận hành và kiểm tra sau bảo dưỡng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cùng phòng Vật tư. Nếu trong thiết kế RO của Thiên Sơn (và trong sách hướng dẫn sử dụng) quy định sau mỗi lần bảo dưỡng phải thử lại AAMI và ngừng chạy thận 15 ngày để đợi kết quả AAMI thì hệ thống của Thiên Sơn không phù hợp thực tế và việc bệnh viện ký hợp đồng với Thiên Sơn là lựa chọn đối tác không đủ năng lực. Nếu trong sách hướng dẫn sử dụng không quy định thử AAMI sau mỗi lần bảo dưỡng và chỉ cần kiểm soát 5 chỉ tiêu trước chạy như thường quy, hoặc Thiên Sơn không có sách hướng dẫn sử dụng thì trên thực tế bác sĩ Lương đã kiểm tra 5 chỉ tiêu gồm độ dẫn điện, tốc độ dòng qua màng RO, tốc độ dòng thải trừ của màng RO, hiệu suất màng RO, áp lực trước - sau màng RO tức là bác sĩ Lương đã làm đúng quy trình. Còn thông số tồn dư độc chất trong hệ thống là thông số bác sĩ Lương không thể biết và không thể kiểm tra và ngay cả khi thử AAMI thì cũng không thể phát hiện nếu không dùng test riêng với loại hóa chất mà Bùi Mạnh Quốc đã đưa vào hệ thống. Vì thế theo tôi, trách nhiệm lớn nhất trong vụ này là Bùi Mạnh Quốc tuy không đủ năng lực nhưng vẫn thực hiện việc bảo dưỡng khử khuẩn một hệ thống quan trọng trong lọc máu là hệ thống RO. Thứ 2 đến Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh là lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực. Về phía bệnh viện, trách nhiệm bác sĩ Lương trong vụ việc này sẽ đứng sau trách nhiệm của Ban Giám đốc, của Phòng Vật tư - Trang thiết bị”.
|
PGS.TS Hoàng Bùi Hải. |
Bác sĩ e ngại khi hành nghề
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhận định: “Mức án đề xuất này chứng tỏ bất kỳ lúc nào bác sĩ cũng có thể bị làm tốt thí. Việc Viện Kiểm sát luận tội nếu bác sĩ Lương không ký thì ca lọc máu không xảy ra và bệnh nhân không chết cũng chưa hợp lý. Trong khi đã có lịch chạy thận mà không chạy thì bệnh nhân chết, bác sĩ cũng bị tội, nếu vẫn chạy theo lịch thường quy thì khi xảy ra sự cố bác sĩ cũng có tội trong khi sự cố có thể là bất khả kháng hoàn toàn do đối tác khác gây ra”.
Chia sẻ về cảm giác và tâm lý của các đồng nghiệp khi đón nhận tin không vui này của ngành Y, bác sĩ Cấp cho biết: “Thực tế hiện nay nếu triển khai nhiều kỹ thuật mới thì sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều, nhưng ngược lại các bác sĩ sẽ phải tốn thời gian công sức không ít. Khi triển khai sinh lợi mà đối tác khác hưởng lợi (như Thiên Sơn hưởng 90% lợi nhuận chạy thận) trong khi những đối tác này chưa đủ năng lực kiểm soát rủi ro và khi sự cố xảy ra bất khả kháng đối với bác sĩ mà họ phải gánh chịu hoàn toàn thì sẽ không ít bác sĩ sẽ rất ngần ngại không muốn triển khai. Nên rút cục, một bản án bất công sẽ kéo lùi nhiều kỹ thuật mới trong toàn ngành Y tế trong nhiều năm.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy không yên tâm cho bản thân và các đồng nghiệp khi hàng ngày vẫn phải làm việc trong điều kiện nguy cơ rình rập như bác sĩ Lương đã bị, khi bác sĩ thiếu hẳn một hành lang pháp lý an toàn, khi quyết định của bác sĩ nhẽ ra là chỉ là việc phải xem bệnh nhân đáp ứng ra sao theo mỗi cá thể, để điều chỉnh liều, điều chỉnh can thiệp cho phù hợp thì bác sĩ lại phải làm thêm cái việc đi lùng sục trong đống hàng giả, thiên la địa võng để tìm ra một thứ rất ư là thường quy để cho bệnh nhân điều trị.
Một khi niềm tin vào phương pháp, phương tiện, thuốc thang đã bị mất, đặc biệt khi người ta làm trong nỗi sợ hãi, nơm nớp thì làm gì có thăng hoa, làm gì có cái tình. Lúc đó chỉ là những con robot cứng nhắc, không biết đau khổ, hạnh phúc, không biết cảm thông, chia sẻ. Bạn hỏi, chúng tôi còn nhiệt tình cống hiến với công việc không, tôi có thể nói, nhiệt tình thì không biết có hết không, vì mình cũng là con người, gặp cành cong một lần, người ta phải dè chừng. Một người e ngại, nhiều người cộng hưởng, sẽ dẫn đến một hệ quả là né tránh đồng bộ, việc khó, nhạy cảm không ai làm, lấy lý do thoái thác. Sai sót y khoa sẽ được đẩy lên thảm họa, niềm vui mỗi ngày là làm sao đừng bị kiện, còn không cần biết kết quả là gì, ai tổn thất, ai tốn kém không cần lo...”.
“Tôi thấy không yên tâm cho bản thân và các đồng nghiệp khi hàng ngày vẫn phải làm việc trong điều kiện nguy cơ rình rập như bác sĩ Lương đã bị, khi bác sĩ thiếu hẳn một hành lang pháp lý an toàn”. PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (BVĐHY Hà Nội) |
Theo Tiền Phong