|
UBND huyện Tĩnh Gia phải quyết định phá bờ đê sông nhà Lê để nước từ trong khu dân cư đổ ra sông |
Theo ghi nhận của PV, từ ngày 13-17.7, tất cả các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đều có mưa, lượng mưa trung bình từ 150-250 mm. Hiện tỉnh này có hàng nghìn héc ta lúa vụ hè thu của người dân bị ngập. Một số tuyến sông lớn, như: sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày… nước đều đang dâng. Riêng sông Yên chảy qua địa bàn huyện Nông Cống mực nước đã trên mức báo động 1 và đang tiếp tục dâng cao.
Tại thôn Hòa Lâm (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), mưa đã làm ngập 4 ngôi nhà, 6 ngôi nhà khác bị cô lập do nước mưa đổ xuống không có lối thoát. Ngày 16.7, UBND huyện Tĩnh Gia đã phải huy động lực lượng quân đội, chính quyền địa phương và người dân phá một đoạn đê sông nhà Lê để nước từ khu dân cư thoát ra sông.
Mưa kéo dài nhiều ngày khiến nhiều gia đình phải sơ tán vì bị ngập nước |
Anh Lê Văn Tĩnh (34 tuổi, ngụ tại thôn Hòa Lâm), cho biết nhà anh do nước ứ đọng ngập lên nhà khoảng 50 cm và đã kéo dài 3 ngày nay nên gia đình anh phải sơ tán đi nơi khác. “Gia đình tôi phải sơ tán đến nhà người thân từ 3 hôm trước. Nước tràn vào tận nhà làm ướt hết đồ đạc, vật dụng. Mấy sào ngô của gia đình vừa trồng cũng bị mất trắng” – anh Tĩnh nói.
Ông Trịnh Minh Xuyền, Trưởng thôn Hòa Lâm, cho biết tình trạng một số hộ dân trong thôn bị ngập mỗi khi trời có mưa đã diễn ra hơn 3 năm nay. Trước đây, nước thoát ra sông, nhưng từ năm 2014, khi thi công mở rộng tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn thôn, đơn vị thi công chỉ làm cống thoát nước qua đường, do vậy, khi mưa xuống đã làm ngập nhiều hộ dân.
Dưa hấu của người dân xã Quảng Nham bị ngập trắng băng nhiều ngày |
"Hôm qua (16.7), UBND huyện, UBND xã cùng với bà con chúng tôi phải quyết định phá bờ đê cạnh sông nhà Lê để cho nước thoát ra sông, nếu không thì mấy chục hộ dân nằm phía đông quốc lộ 1A sẽ bị ngập hết. Nhiều lần thôn chúng tôi đã đề nghị chính quyền cấp trên cần mở lối thoát nước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai” – ông Xuyền nói.
Tại khu vực thôn Tân, xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) nhiều diện tích dưa hấu của người dân đang bị ngập trắng băng. Do dưa đang đến kỳ thu hoạch nên khi bị ngập nước kéo dài đã bị thối, úng nước. Không còn cách nào khác, người dân đành phải vớt dưa về đổ bỏ hoặc cho bò ăn.
Toàn bộ dưa hấu của người dân xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đều bị úng nước, không thể bán |
Buồn bã nhìn 6 sào dưa bị nước ngập trắng băng, bà Lê Thị Minh (65 tuổi, ngụ tại xã Quảng Nham), nói: “vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, chỉ trông chờ vào 6 sào đất trồng dưa ở khu vực ven biển để sinh sống. Nhưng mấy ngày qua mưa như trút nước, cả 6 sào dưa đều bị ngập trắng, úng nước không thể bán. Tiếc quá, vợ chồng tôi ra vớt về đổ ở nhà cho bà con ai ăn được thì lấy, còn không cũng vứt bỏ thôi”.
Người dân vớt dưa hấu bị ngập úng về cho bò ăn |
Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua cũng đang khiến nhiều khu vực tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bị cô lập, nhiều gia đình phải sơ tán do nguy cơ sạt lở đất. Tại xã Lũng Niêm (huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa), chính quyền địa phương vừa phải tổ chức sơ tán 6 hộ dân từ những nơi có nguy cơ sạt lở cao ra các khu vực trung tâm, gần đường giao thông chính để dựng lán ở tạm.
Ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến một số vị trí đồi núi gần khu dân cư tại xã Lũng Niêm xuất hiện hiện tượng lún, nứt. Để đảm bảo an toàn, UBND huyện Bá Thước đã chỉ đạo chính quyền xã sơ tán người và tài sản của 6 hộ dân đến nơi an toàn. Cũng theo ông Khoa, nếu tình hình mưa lũ còn kéo dài, nguy cơ sạt lở là rất cao, địa phương đang chủ động rà soát các khu vực nguy hiểm để tiếp tục di dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Hàng nghìn héc ta lúa hè thu của người dân Thanh Hóa cũng đang bị ngập nước |
Còn tại xã Luận Khê (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), mưa lớn khiến nước từ các khe suối đổ về chảy qua đập tràn bắc ngang đường vào xã dâng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Từ ngày 16.7, xã này đã bị chia cắt với bên ngoài.
Theo Thanh Niên