Khi Tổng thống Mỹ cho rằng bạn đang có quá nhiều quyền lực, điều đó có nghĩa là bạn quá nguy hiểm, hoặc quá quan trọng. Với Google, họ có lẽ phù hợp với cả hai tính từ trên: quá quan trọng đến mức nhiều người không thể sống thiếu Google, và quá nguy hiểm cũng vì điều đó, theo Business Insider.
Ngày 28/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người bất ngờ khi đăng tải dòng tweet cho rằng những kết quả tìm kiếm về ông trên Google News hầu hết đều là tin tức cánh tả, hay là những tin giả mạo theo quan điểm của ông.
Tổng thống Trump cho rằng Google chỉ ưu tiên hiện những thông tin tiêu cực về ông. Ảnh: CNN. |
Ông Donald Trump cho rằng Google vào những công ty khác đang gây sức ép, làm giảm khả năng lan tỏa của phía bảo thủ và giấu đi những tin tức tốt về ông.
“Họ đang kiểm soát chúng ta có thể thấy điều gì, không thấy được điều gì. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, cần được giải quyết”, ông nói.
Rất có thể ông Trump đã vội vàng đăng tải dòng tweet này, giống như nhiều lần trước, mà không suy nghĩ kỹ về nguồn tin. Thông tin mà ông đăng - 96% lượng kết quả tìm kiếm “tin tức về Trump” đều trả về tin giả - được lấy từ một nghiên cứu thiếu tính khoa học từ trang web PJ Media. Chính tác giả của nghiên cứu cũng thừa nhận con số này được đưa ra mà không dựa trên tính toán chuẩn.
Sau dòng tweet của Trump, Business Insider đã phân tích và chỉ ra rằng có thể kết quả tìm kiếm về Tổng thống Mỹ đối với một số người sẽ nghiêng về tin tức tiêu cực nhiều hơn.
Tuy nhiên nguyên nhân không hoàn toàn là vì Google thiên vị, mà một phần vì người đọc luôn hứng thú hơn với tin tức tiêu cực, và một phần vì bản chất những trang tin ủng hộ ông Trump không được đánh giá cao, nổi tiếng như phía đối lập.
Business Insider cũng thử tìm về Trump trên Google, và kết quả đúng là tin tức tiêu cực về ông được hiển thị nhiều hơn |
Dù vậy có một điều mà Trump nói đúng: Google đang nắm quyền kiểm soát những tin tức mà chúng ta đọc được.
Công cụ tìm kiếm của họ vẫn luôn là một bí ẩn với người ngoài. Chúng ta chỉ biết được rằng nó là sự kết hợp của thuật toán và dữ liệu dựa trên hành vi người dùng, nhưng cụ thể thuật toán đó như thế nào, có lẽ không ai ngoài Google nắm rõ.
Có nhiều công ty hoạt động chỉ dựa trên việc nghiên cứu thuật toán Google và tối ưu kết quả tìm kiếm (SEO). Dù vậy Google thường xuyên thay đổi thuật toán, và mỗi lần thay đổi lại khiến giới marketing lao đao. Nói cách khác, chỉ Google quyết định được bộ máy sẽ đưa ra kết quả gì khi tìm kiếm.
Google vẫn đang nắm gần 90% thị phần tìm kiếm, theo số liệu từ StatCounter. |
Trong lĩnh vực tìm kiếm, sự thống trị của Google là tuyệt đối. Tùy vào số liệu thống kê, họ đang nắm 70-90% thị phần tìm kiếm. Sẽ không quá nếu nói rằng Google chính là kẻ nắm giữ trải nghiệm Internet của đa phần người dùng. Nếu như một kết quả không xuất hiện ở một hoặc hai trang đầu của Google, nó coi như không tồn tại!
Không chỉ những công ty kinh doanh, mà ngành truyền thông, báo chí cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Vào năm ngoái, công ty này đã vượt qua Facebook để trở thành nguồn truy cập hàng đầu tới các trang báo. Với phần lớn đơn vị xuất bản nội dung số, nguồn truy cập từ Google luôn chiếm phần lớn.
Có thể thấy quyền lực của Google đối với ngành xuất bản, tin tức quá lớn. Chỉ riêng điều đó thôi đã là lý do để lo ngại, chưa kể họ đã từng nhiều lần lạm dụng quyền lực của mình trong quá khứ.
Bên cạnh đó, Google và công ty mẹ là Alphabet luôn tỏ rõ quan điểm chính trị, như các giá trị tự do, bình đẳng giới tính. Những quan điểm của Google sẽ khiến cho phát ngôn của họ, từ chối việc can thiệp vào kết quả tìm kiếm tin chính trị, trở nên khó tin hơn.
Có lẽ những nhà làm luật đã chờ quá lâu để kìm hãm lại quyền lực của Google. Nếu như họ yêu cầu Google nêu ra rõ ràng hơn về nguyên tắc hoạt động của thuật toán, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều gì khiến cho một kết quả được lên đầu.
Tương tự, những người tìm kiếm tin tức nên có quyền hiểu được quy tắc phân loại tin tức, đánh dấu tin quan trọng hay đâu là nguồn đáng tin của Google.
Bà Margrethe Vestager, người đứng đầu Ủy ban Cạnh tranh Liên minh châu Âu khiến Google phải đau đầu khi tuyên phạt công ty tới 5 tỷ USD. |
Tất nhiên, Google luôn cho rằng họ cần giữ bí mật các công nghệ của họ, một phần để tránh bị người xấu lợi dụng và can thiệp. Dù vậy, chắc hẳn vẫn có cách để những tổ chức uy tín kiểm định độc lập công cụ của Google mà không làm cho bí mật của họ bị lộ cho toàn thế giới.
Ngoài ra, những nhà làm luật cũng cần đưa ra thêm nhiều chính sách thúc đẩy một thị trường tự do. Sự độc quyền và ưu thế của Google trong việc cho chúng ta xem gì, biết đến thông tin gì đáng ra không nên xảy ra từ đầu. Nếu như người dùng có những lựa chọn khác tốt tương đương Google, họ có thể chẳng cần quan tâm xem những sự can thiệp của Google ảnh hưởng gì tới mình.
Tờ Business Insider cho rằng Donald Trump có thể muốn đánh bóng hình ảnh của ông hơn là nghĩ tới lợi ích của mọi người khi ông chỉ trích Google. Tuy nhiên ông vẫn đúng: Google quá quyền lực, và nếu ông thực sự kìm hãm được quyền lực đó, đây sẽ là một điều tốt cho mọi người.
Theo Zing