Rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc (TQ) đồng loạt ồ ạt tràn sang tấn công xâm chiếm toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Tại các đồn biên phòng, tiếng súng chống lại quân TQ lập tức vang rền không khoan nhượng, báo hiệu cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc bắt đầu.
Gieo rắc tội ác
40 năm trước, ông Đinh Ngọc Tinh - ở khu Đức Chính, xã Vĩnh Quang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng - mới là một thiếu niên 15 tuổi. Khi quân TQ nổ súng tấn công xâm chiếm toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, gia đình ông và người dân Cao Bằng sơ tán khắp nơi.
"Trên đường di tản, mẹ tôi cùng những nhân công một trại heo bị bắt. Quân TQ giải đoàn người về Tổng Chúp, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng rồi giết hại dã man. Sau khi quân TQ rút đi, anh em tôi trở về nhà tìm mẹ thì mới hay bà cùng 42 người khác đã bị thảm sát ở Tổng Chúp. Mẹ tôi được vớt lên khỏi giếng nước trong tư thế bị bịt mắt, trói tay và bị quân TQ đâm nhiều nhát lưỡi lê vào bụng" - ông Tinh đau đớn.
Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của 1.760 liệt sĩ đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc Ảnh: VĂN DUẨN
Rạng sáng 17-2-1979, khi mặt trời còn chưa ló dạng, sương đêm vẫn đẫm trên những rặng hoa đào miền biên viễn, TQ đã huy động 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, pháo binh ồ ạt tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta - từ huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến địa đầu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chúng dùng pháo tầm xa bắn phá ác liệt nhiều bản làng, thị trấn, thị xã của 6 tỉnh biên giới Việt Nam.
Ở Cao Bằng, rất nhiều người dân xã Hoàng Tung, huyện Hòa An còn nhớ rõ ngày quân TQ tràn sang gieo rắc tội ác. Khi chúng ùa vào xã, bà Lê Thị Tâm đang đi làm ruộng. Nghe người dân í ới gọi nhau "quân TQ đến", bà nhào về nhà bế đứa con mới 5 tháng tuổi bỏ chạy. "Chúng giết hết những ai mặc đồ như bộ đội và cán bộ" - bà nhớ lại.
Bà Nghiêm Thị Thế, cũng ở xã Hoàng Tung, cho biết sáng 17-2, bà vừa đi chia thóc ở hợp tác xã về thì quân TQ tràn tới. "Xe tăng địch cắm giả cờ Việt Nam nên khi tiến vào đến đầu làng, thấy chữ Trung Quốc trên tháp pháo, người dân mới biết. Tôi vội vàng cõng đứa con gái lớn mới 4 tuổi chạy vào núi, không kịp mang gì theo. Gia đình tôi may mắn chứ hôm ấy, nhà nọ ở bản Nà Riềm có mấy mẹ con bị giết hết" - bà Thế ngậm ngùi.
Cuộc chiến bi tráng
Đại tá Tống Chư, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai giai đoạn 1974 - 1985, cho hay đêm 16 rạng sáng 17-2-1979, lợi dụng trời tối và sương mù, một lượng lớn quân TQ đã bí mật vượt biên giới, phục kích ở một số khu vực, đồng thời triển khai đội hình chủ lực áp sát biên giới Việt Nam.
6 giờ ngày 17-2, sau khi cho pháo binh bắn rát, trên hướng chủ yếu, quân TQ bắc cầu phao vượt sông Hồng và tổ chức tấn công. Bộ binh cơ giới TQ có pháo yểm trợ đồng loạt bắn phá thị trấn Mường Khương, thị xã Lào Cai, nhà máy điện, ga Phố mới… tại tỉnh Lào Cai. Chúng còn cho bộ binh tấn công khu vực bản Quang, huyện Bát Xát.
Cựu binh Nguyễn Văn Bình thuật lại những trận chiến bi tráng chống quân Trung Quốc 40 năm trước Ảnh: MẠNH DUY
Tại Lạng Sơn, quân TQ pháo kích dữ dội từ xã Bắc Xa, huyện Đình Lập đến xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định. Sau đó, nhiều trung đoàn TQ từ bên kia biên giới có pháo binh, xe tăng yểm trợ tiến vào Lạng Sơn theo nhiều hướng. Tại Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), Bảo Lâm (huyện Văn Lãng) và Đồn Hữu Nghị, quân TQ tập trung lực lượng lớn, một tiểu đoàn xe tăng có pháo yểm trợ tấn công trận địa của ta vô cùng dữ dội. Cuộc chiến đấu không cân sức đầy bi tráng giữa các chiến sĩ biên phòng, dân quân địa phương với quân chủ lực TQ bắt đầu hết sức ác liệt.
Tại Lai Châu, quân TQ tấn công Ma Ly Pho, Cao Sơn Chải và phía Tây đường 12. Tại Quảng Ninh, pháo lớn của TQ bắn tới tấp vào Móng Cái, bộ binh địch đánh vào Pò Hèn và Hoành Mô, huyện Bình Liêu…
40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trở lại Lạng Sơn, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bình, một người lính từng ở trong vòng vây quân TQ thời điểm thị trấn Đồng Đăng bị tấn công ác liệt. Ông Bình là lính trinh sát thuộc Thị đội Cao Bằng, tỉnh Cao Lạng khi đó.
Trước khi chiến sự xảy ra, ông Bình bị bệnh nên được đơn vị cho về Thái Nguyên điều trị. Ra viện sáng 16-2-1979, ông xin về thăm nhà 1 ngày. Thế nhưng, lúc hơn 5 giờ ngày 17-2, xung quanh nhà ông ở ngay ga Đồng Đăng, pháo và đạn cối của TQ bắn vào ầm ầm. Ông cùng gia đình chạy lên hang Đền Mẫu gần đó để lánh nạn. Một quả đạn cối 60 ly nổ gần hang, 4 chiến sĩ Công an tỉnh Lạng Sơn hy sinh tại chỗ.
Bằng nhãn quan của một người lính trinh sát, ông Bình biết rằng chiến sự đã thực sự xảy ra. "Khi đó, tôi nghĩ nhiều tỉnh khác cũng sẽ bị quân TQ tiến hành tấn công trên diện rộng ở toàn tuyến biên giới" - ông nói.
Không kịp trở lại đơn vị, ông Bình cầm súng của các chiến sĩ đã hy sinh rồi sát cánh cùng ông Triệu Văn Điện và một số công an vũ trang chiến đấu chống quân TQ. Cuộc chiến không cân sức, toàn bộ thị trấn Đồng Đăng bị vây ráp. Thế nhưng, vài chục chiến sĩ công an vũ trang, bộ đội địa phương và dân quân vẫn kiên cường chiến đấu.
"Ở trong hang nhìn xuống khắp thị trấn và nhìn sang những đồi xung quanh, chúng tôi thấy quân TQ mặc đồ xanh, tay đeo băng trắng đặc kín" - ông Bình kể. Ông Triệu Văn Điện sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong chính trận đánh đó.
Đốt phá, cướp bóc Trong những ngày quân TQ tấn công xâm chiếm biên giới phía Bắc nước ta từ 17-2 đến 5-3-1979, khi tuyên bố rút quân, quân TQ đã gây ra nhiều tội ác với nhân dân ta. Đi tới đâu, quân TQ cũng đốt phá nhà dân, cướp bóc của cải, tài sản. |