Nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019), Ths. Trần Trung Hiếu (Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) có bài viết chia sẻ quan điểm về việc đưa kiến thức về cuộc chiến tranh này vào chương trình và sách giáo khoa mới môn Lịch sử giúp thế hệ trẻ ghi nhớ nỗi đau để trân quý hòa bình.
Cần viết đúng, viết đủ
Tròn 40 năm qua, kể từ ngày xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2019) của quân đội Trung Quốc, có những khoảng thời gian biến cố lịch sử này dần bị lãng quên trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong đó có sách giáo khoa Lịch sử phổ thông.
Vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến quan hệ ngoại giao mà sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) chỉ được trình bày quá sơ sài trong sách giáo khoa Lịch sử hiện hành cả bậc THPT lẫn THCS.
Cuối năm 2017, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử và đến cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT đã công bố sau khi đã lấy ý kiến của chuyên gia trong hội đồng góp ý, phản biện và thẩm định.
Với kinh nghiệm là một giáo viên đã qua 25 năm giảng dạy môn Lịch sử phổ thông, với trách nhiệm là một thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện Chương trình môn Sử cho Bộ GD&ĐT, tôi xin khẳng định kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đưa vào chương trình và sách giáo khoa mới môn Lịch sử với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.
Từ nội dung cốt lõi đó, để đạt những yếu tố cơ bản là sách giáo khoa cần nêu được: những nét khái quát về bối cảnh lịch sử và diễn biến chính của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từ 1979-1989; đánh giá được bản chất, ý nghĩa và bài học lịch sử của cuộc chiến tranh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Từ những hạn chế và thiếu sót của sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành liên quan đến một số sự kiện các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975 - 1979), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989), sự kiện Gạc Ma (14/3/1988)..., theo tôi, trong chương trình và sách giáo khoa mới sẽ thay thế cho chương trình và sách giáo khoa hiện hành, khi đề cập đến kiến thức này, sách giáo khoa mới cần thể hiện rõ những vấn đề sau :
Thứ nhất, phải trình bày đúng và đủ sự thật khách quan của lịch sử về đối tượng, thời gian, không gian, bắt đầu và kết thúc của sự kiện đó.
Thứ hai, sách giáo khoa cần phải nêu rõ nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến sự kiện đó, mục đích của các bên tham chiến, từ đó rút ra tính chất của sự kiện đó, cuộc chiến tranh đó.
Thứ ba, khi các sự kiện, các vấn đề lịch sử đó được viết đầy đủ hơn, khách quan hơn thì nó sẽ có tác dụng sâu sắc hơn trong việc giáo dục cho học sinh trân trọng và biết tưởng nhớ, ghi ơn những người đã chiến đấu và hy sinh vì cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Thứ tư, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), vấn đề xác định “bạn và thù” được xác định rõ ràng. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ rằng, chúng ta kháng chiến chống chính sách xâm lược của thực dân Pháp chứ không chống nhân dân Pháp; chúng ta chống chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ chứ không chống nhân dân Mỹ tiến bộ.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự 2 cực tan rã thì vấn đề “ta và địch” lại rắc rối khi định danh vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt giữa “đối tác” và “đối tượng”, trong đối tác có những mặt là đối tượng và trong đối tượng có những nhân tố là đối tác.
Theo tôi, sách giáo khoa mới môn Lịch sử khi trình bày các kiến thức, sự kiện lịch sử cần phải trung thực, khách quan và rút ra được bản chất của vấn đề. Nhìn thẳng vào vấn đề, không né tránh nhưng cũng không sa vào việc khơi sâu hận thù dân tộc hoặc mải mê ảo tưởng với những lời ngoại giao đường mật dẫn đến mơ hồ, thiếu cảnh giác.
Thứ năm, lịch sử là một khoa học và để nó luôn là một môn khoa học đúng như bản chất của nó, chúng ta nên phân biệt rạch ròi giữa học và chính trị, giữa nghiên cứu, giảng dạy với công tác ngoại giao.
Lịch sử là những gì đã qua và bản chất của lịch sử là không thay đổi. Nhận thức lịch sử cần một quá trình, cần được nghiên cứu, tiếp cận sự thật khách quan để truyền đạt cho thế hệ trẻ về kiến thức và nhận thức lịch sử cho hiện tại và cả tương lai.
Chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử nếu không nhắc, hoặc không trình bày đầy đủ, hoặc bị cắt xén về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc thì sự thật không còn gì là sự thật. Nếu lịch sử bị bóp méo thì đương nhiên nó không còn là một môn khoa học, và khi đó lịch sử sẽ mất đi tác dụng trong việc giáo dục lịch sử.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, những khẩu hiệu, phương châm, ngôn từ ngoại giao cũng không thể chối bỏ những sự thật lịch sử hiển nhiên, nhưng không dùng nó để khơi gợi, khoét sâu hận thù trong quá khứ mà 2 bên phải cùng nhìn vào thực tại để giải tỏa vướng mắc, giải quyết bất đồng để đi đến sự hòa thuận có lợi cho đôi bên.
Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai không có nghĩa là “khép lại quá khứ”, bỏ quên quá khứ, lại càng không phải là xóa nhòa quá khứ. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các cựu thù Pháp, Nhật, Mỹ trong thời gian qua đã cho chúng ta thấy rõ điều đó và đó cũng là những bài học lịch sử, là kinh nghiệm thiết thực phục vụ đường lối hội nhập quốc tế với các cường quốc của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Ghi nhớ nỗi đau để trân trọng hòa bình
Trong phần lớn thời gian và lưu lượng kiến thức về lịch sử dân tộc trong các cuốn sách giáo khoa, giáo trình lịch sử từ phổ thông đến đại học từ xưa đến nay, nội dung kiến thức về các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc luôn chiếm một thời lượng lớn.
Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam sau năm 1975, bên cạnh nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc 1945 - 1975, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) là một nội dung lớn, là một sự kiện lịch sử dù không muốn nhưng nó đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả như thế nào thì chúng ta luôn cần phải tôn trọng và sòng phẳng với sự thật lịch sử.
Khi sách giáo khoa lịch sử phổ thông hiện hành trình bày quá sơ sài, mờ nhạt sự kiện này, khi những kiến thức của sự kiện đó đã bị “giảm tải”, giáo viên không phải dạy, học sinh không phải học, không có kiến thức này trong các đề thi THPT quốc gia, thi tuyển sinh vào đại học, thi chọn học sinh các cấp thì trách nhiệm dạy như thế nào lại thuộc về cái tâm với nghề, khả năng và sự linh hoạt của các giáo viên Sử.
Ôn lại kiến thức cũ không để kích động hận thù cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo vô cùng gian nan và phức tạp trong hiện tại và cả tương lai. Ths. Trần Trung Hiếu |
Điều quan trọng đối với các giáo viên dạy Sử khi truyền đạt những kiến thức như thế này để nhắc nhớ thế hệ trẻ không nên hiểu phiến diện, không đầy đủ về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao, những lời tuyên bố của các chính khách.
Bài học mất nước thời Thục Phán An Dương Vương luôn tươi nguyên giá trị trong cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc hiện nay.
Nhắc lại để thế hệ trẻ cần phải biết tôn vinh, tưởng nhớ và tri ơn các bậc tiền nhân, những người đã chiến đấu, cống hiến và hy sinh vì công cuộc bảo vệ Tổ quốc, để sống có trách nhiệm hơn và yêu Tổ quốc hơn.
Ôn lại kiến thức cũ không để kích động hận thù cực đoan với nước láng giềng mà từ sự thật lịch sử đó để chúng ta có thể rút ra những bài học quý giá trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo vô cùng gian nan và phức tạp trong hiện tại và cả tương lai.
Ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân trọng hòa bình, để những ký ức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Lịch sử đã đi qua nhưng giá trị lớn nhất của các sự kiện, kiến thức lịch sử là để lại cho hậu thế những bài học lịch sử, kinh nghiệm lịch sử vẫn luôn tươi nguyên giá trị thực cho hiện tại và tương lai.
Điều đó luôn nhắc nhở những người viết sử, dạy sử và học sử không để các sự kiện về các cuộc đấu tranh bảo về lãnh thổ, chủ quyền biên giới, hải đảo bị rơi vào quên lãng, bị chìm vào dĩ vãng vì bất cứ lý do gì. Đó không chỉ là sai lầm của chúng ta mà chính chúng ta còn có tội với lịch sử, có lỗi với vong linh những người đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ và cả sự thiếu trách nhiệm với hậu thế.
Cái đích cuối cùng của nghiên cứu và giảng dạy lịch sử không phải chỉ để biết, hiểu quá khứ mà phải trên cơ sở đó để tìm ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) cũng vậy, trên cơ sở khôi phục những hiểu biết cơ bản, đầy đủ, đúng đắn về cuộc chiến tranh này thì trách nhiệm của các giáo viên Sử phổ thông là biến các kiến thức lịch sử tạo nên sự chuyển biến về những nhận thức lịch sử hướng đến giáo dục các giá trị lịch sử để thế hệ trẻ biết trân quý các giá trị cuộc sống hiện đang đang có, ghi ơn các thế hệ tiền bối đã ngã xuống vì Tổ quốc và học hỏi từ quá khứ để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai.
Hy vọng, nhân dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện này, những “khoảng trống” về kiến thức và nhận thức lịch sử của lịch sử sẽ được khỏa lấp và đánh giá, nhìn nhận đầy đủ hơn, khách quan hơn, trung thực hơn.
Theo VTC