CEO Vietnam Airlines: Cân đối lợi ích của việc bay thẳng tới Mỹ

Thứ sáu, 10/05/2019, 13:36
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo Vietnam Airlines nói lập đường bay Mỹ giống như xây cầu nối hai nền kinh tế, tuy nhiên cần cân đối lợi ích cho người xây cầu.

Tại đại hội cổ đông sáng 10/5, ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, cũng nói về dòng máy bay Boeing 737 Max. Ông Thành khẳng định trong kế hoạch mua mới 50 máy bay thân hẹp, hãng vẫn đưa dòng 737 Max vào quá trình cân nhắc bên cạnh dòng Airbus A320.

Sự cố của 737 Max - hệ quả của phát triển nóng

Nói về những sự cố và lùm xùm quanh dòng máy bay 737 Max, ông Thành chia sẻ đây là hệ quả của việc ngành hàng không thế giới phát triển quá nóng.

"Đây là hậu quả không thể tránh được của bất kỳ cái gì nóng. Phát triển hàng không nóng gây sức ép lên cả hãng hàng không, hãng sản xuất, hạ tầng hàng không", ông Thành nhận định.

Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định vẫn đang cân nhắc khả năng mua Boeing 737 MAX trong kế hoạch bổ sung 50 máy bay thân hẹp mới.

Tuy nhiên theo ông Thành, Boeing 737 Max vẫn là dòng máy bay được hàng loạt các cơ quan chức năng hàng không khắp thế giới tham gia cấp chứng chỉ an toàn như cơ quan của châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... bên cạnh FDA của Mỹ.

Hơn nữa, theo CEO của Vietnam Airlines, 737 Max vẫn là dòng máy bay có tính trạnh canh trong phân khúc phản lực thân hẹp. Do đó hãng vẫn sẽ đưa dòng này vào quá trình cân nhắc. Tuy nhiên hãng chưa có quyết định cuối cùng nào chắc chắn về việc lựa chọn.

Cân đối lợi ích của đường bay Mỹ

Cổ đông của doanh nghiệp cũng đã đặt câu hỏi về phương án của Vietnam Airlines khi có nhiều hãng bay mới cạnh tranh mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể là phi công, đại diện hãng đã không đưa ra câu trả lời tại đại hội.

Về kế hoạch bay thẳng tới Mỹ, đại diện Vietnam Airlines khẳng định việc Cục Hàng không Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng chỉ CAT 1 chỉ là một bước kỹ thuật.

Theo ông Dương Trí Thành, CEO Vietnam Airlines, bay thẳng đến Mỹ có thể không phải là một thị trường hấp dẫn về mặt lợi nhuận.

"Kế hoạch bay thẳng Mỹ chúng tôi đã có từ lâu và CAT 1 chỉ là một bước. Tuy nhiên chúng ta cũng phải hỏi tại sao các hãng hàng không Mỹ không bay tới Việt Nam. Trong quá khứ từng có các hãng hàng không Mỹ mở được bay nối chuyến tới TP.HCM, tuy nhiên sau đó đều phải dừng khai thác", ông Thành chia sẻ.

"Có thể thấy đây không phải là một thị trường hấp dẫn về mặt lợi nhuận. Tuy nhiên chúng ta có thể coi đây là khoản đầu tư cho tương lai", lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Hãng cũng cho rằng việc lập đường bay Mỹ giống như xây cầu nối hai nền kinh tế, tuy nhiên cần cân đối lợi ích cho người xây cầu.

Hàng không giá rẻ là tương lai

Chia sẻ về thị trường, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay hàng không giá rẻ là xu thế tại nhiều nền hàng không trong khu vực và nằm trong tính toán của hãng.

Trước năm 2012, Vietnam Airlines đã có kế hoạch thành lập VietAir, hãng bay phụ trách dải sản phẩm giá rẻ của tổng công ty. Tuy nhiên thay vào đó Vietnam Airlines đã tiếp nhận Jetstar Pacific như nhiệm vụ được giao và cũng phù hợp với kế hoạch phát triển hàng không giá rẻ của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định tổng công ty vẫn sẽ phát triển theo cả ba hướng là truyền thống, giá rẻ và bay thuê chuyến với các thương hiệu là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO.

Về Jetstar Pacific, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietnam Airlines, cho biết lỗ lũy kế của Jestar Pacific hiện tại đã được xử lý hết qua các năm kể từ khi Vietnam Airlines tiếp quản.

Điều này đồng nghĩa các khoản lỗ tại Jetstar Pacific sẽ không ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông hiện tại.

Vietnam Airlines cũng cho hay đã thực hiện hai giai đoạn cải tổ đội bay cho Jetstar Pacific. Từ đội bay gồm 7 chiếc tuổi đời cao vào năm 2012 khi được Vietnam Airlines tiếp nhận, nay Jetstar Pacific đã sở hữu đội bay 15 chiếc với tuổi đời trung bình chỉ 4,3 năm tuổi.

Muốn giữ ít nhất 55% thị phần nội địa

Về kế hoạch kinh doanh 2019, Vietnam Airlines chia sẻ doanh nghiệp đặt mục tiêu chiếm tối thiểu 55% thị phần nội địa trong năm 2018. Trước đó hãng cho biết thị phần của hãng hàng không quốc gia và các hãng thành viên (bao gồm Jetstar Pacific) "duy trì ổn định", chiếm trên 52% thị phần nội địa.

So với báo cáo thường niên 2018 của doanh nghiệp, sau 3 tháng đầu năm 2019, thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar đã giảm. Đây cũng là thời điểm tân binh Bamboo Airways của tập đoàn FLC cất cánh lần đầu.

Tại ĐHCĐ, Vietnam Airlines khẳng định muốn giữ tối thiểu 55% thị phần nội địa. .

Theo báo cáo từ Vietnam Airlines tại đại hội, năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu đạt 96.950 tỷ đồng, tăng 16,7% so với tổng doanh thu năm 2017. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của doanh nghiệp đạt 3.312 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Về kế hoạch cho năm 2019, Vietnam Airlines đặt kế hoạch cho doanh thu hợp nhất gần 112,000 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2,680 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%.

Doanh nghiệp cũng đưa ra tương quan giữa kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2018 và thực tế thực hiện. Theo đó, Vietnam Airlines không đạt kế hoạch về tổng sản lượng hành khách, tổng doanh thu công ty mẹ và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế.

Tại đại hội, doanh nghiệp cũng trình bày chủ trương đầu tư mua 50 tàu bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng giai đoạn 2021 - 2025. Mức đầu tư dự kiến gần 3,8 tỷ USD. Dự kiến, số tiền trên lấy từ vốn chủ sở hữu gần 500 triệu USD, nguồn chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm gần 2 tỷ USD, còn lại gần 1,4 tỷ đồng phải đi huy động.

Bên cạnh đầu tư mua thêm tàu bay, HVN còn chủ trương bán 5 tàu bay A321ceo  sản xuất năm 2004-2005 để đẩy mạnh việc đổi mới đội tàu, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và cũng nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận và đưa vào khai thác 20 tàu bay A321neo.

Theo Zing

Các tin cũ hơn