Bản đồ có tên Họa đồ lăng tẩm khu vực lăng vua Tự Đức của UBND Cách mạng Thừa Thiên-Huế phát hành năm 1975 |
Ngày 11.7, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã liên lạc với PV để thông tin việc ông vừa sưu tầm thêm được một tấm bản đồ khu vực lăng vua Tự Đức vẽ năm 1975, ngay sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Tấm bản đồ có tên Họa đồ lăng tẩm, vẽ khu vực lăng vua Tự Đức (thôn Dương Xuân Thương, xã Thủy Xuân, TP.Huế) trên giấy can, có kích thước 0,51x0,55m, tỉ lệ 1/2.000, do Ty Nông Lâm Nghiệp của UBND Cách mạng Thừa Thiên-Huế, phát hành tháng 12.1975, do Phó trưởng Ty Nông Lâm Nghiệp Văn Lạng ký tên và đóng dấu.
Bản đồ tổng thể khu vực lăng vua Tự Đức, do UBND Cách mạng Thừa Thiên-Huế phát hành năm 1975 |
Theo đó, tấm họa đồ đã vẽ tổng thể khu vực lăng vua Tự Đức, có vị trí, đánh số lô, thửa đất của từng công trình có liên quan, trong đó có lăng mộ bà Học Phi (lô C215), khu vực lăng mộ 15 liếp và lăng mộ bà Tài nhân họ Lê (thụy Thục Thuận) hàng Cửu giai, phi tần của vua Tự Đức (đánh số lô C217).
Vị trí này cũng trùng khớp trên thực địa vị trí lăng mộ bà Tài nhân họ Lê, được phát hiện sau khi san ủi mặt bằng của dự án bãi đỗ xe tham quan lăng vua Tự Đức - vua Đồng Khánh, vào tháng 6.2017.
|
Khu vực khoanh tròn đỏ là hai lô đất ký hiệu C215 - lăng mộ bà Học Phi và C217 - lăng mộ bà Tài nhân họ Lê |
Trước đó, tháng 6.2018, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cũng đã từng công bố tấm bản đồ giải thửa thôn Dương Xuân Thượng (nay thuộc thôn Thượng 3, P.Thủy Xuân, TP.Huế) được ông tìm thấy, có vẽ chi tiết các khu vực lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh và các lăng mộ của triều Nguyễn vùng phụ cận, có kích thước 102x73cm, được vẽ trên giấy cỡ lớn có tỉ lệ 1/2.000. Tấm bản đồ này do ông Nguyễn Biểu vẽ xong ngày 6.11.1962 và có sự kiểm soát của vị chức trách thôn là ông Nguyễn Văn Khế, có chứng thực ngày 13.2.1963 của kỹ sư địa chất Huỳnh Phú Diên, Chánh thanh tra Tổng giám đốc điền địa.
Đối chiếu trên thực địa thì các khu lăng mộ bà Học phi Nguyễn Thị Hương tương ứng với lô đất ký hiệu C215, lăng mộ bà Tài nhân họ Lê thụy Thục Thuận (vừa bị san ủi trong năm 2017) có ký hiệu C217. Cùng với tấm bản đồ còn có cuốn sổ bộ ghi chú vị trí thửa đất, người chủ sở hữu, diện tích... Theo đó, ở các vị trí lô C215 và C217 đều ghi lăng, sở hữu Nguyễn Phúc tộc.
So sánh giữa 2 bản đồ của cơ quan điền địa Chính quyền miền Nam vẽ năm 1962, phát hành năm 1963 và bản đồ do UBND Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hàng tháng 12.1975, thì các lô đất có các công trình lăng mộ được đánh số giống nhau.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, tấm bản đồ của Chính quyền Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế này ông may mắn có duyên tìm thấy và sưu tầm được trong một gia đình của người dân tại TP.Huế. Từ tấm bản đồ mới được phát hiện này, cho thấy ngay từ ngày đầu tiếp quản, UBND Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quan tâm đến việc quản lý các công trình văn hóa lịch sử, đặc biệt là các công trình liên quan đến lăng tẩm triều Nguyễn tại cố đô Huế.
Huyệt mộ được tìm thấy sau khi đã bị san phẳng |
Như thông tin đã đưa, dự án bãi đỗ xe tham quan lăng Tự Đức - lăng Đồng Khánh (tại P.Thủy Xuân, TP.Huế) do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép đầu tư với diện tích gần 17.000 m2, trên cơ sở quy hoạch đã được thống nhất của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Quá trình san ủi mặt bằng, tháng 6.2017, đơn vị đầu tư đã san phẳng một ngôi mộ cổ. Sau đó Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tìm thấy bia đá và huyệt mộ, xác định đây là ngôi mộ của bà Tài nhân cửu giai họ Lê, phi tần vua Tự Đức.
Ngôi mộ được dựng tạm sau khi phát hiện và tồn hại hơn 2 năm qua như thế này |
Hơn 2 năm sau khi bia và huyệt mộ của bà Tài nhân họ Lê, phi tần của vua Tự Đức được phát hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc vẫn chưa tìm được sự thống nhất phương án di dời hay tôn tạo lại ngay vị trí phát hiện.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã "ra tối hậu thư" yêu cầu các cơ quan tham mưu làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc lần cuối để tham mưu cho tỉnh phương án tổng thể di dời hay tôn tạo lại ngay tại chỗ ngôi mộ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.8.2019.
Theo Thanh Niên