Căn cứ mới của Mỹ trong tầm pháo Triều Tiên

Thứ ba, 05/11/2019, 08:59
Humphreys ở xa DMZ hơn so với căn cứ cũ tại Seoul để tránh pháo kích, song Triều Tiên đã phát triển vũ khí đủ sức bắn tới đây.

Các binh sĩ Mỹ đang trong giai đoạn cuối của việc chuyển sang Humphreys, căn cứ ở nước ngoài lớn nhất thế giới nằm gần thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc. Humphreys được xây vào những năm 2000, trong một nỗ lực nhằm đưa lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc thoát khỏi tầm bắn của pháo binh Triều Tiên trong trường hợp nổ ra xung đột.

Căn cứ đồn trú trước đây của họ là Yongsan, nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, cách biên giới liên Triều khoảng hơn 70km và nằm trong trong tầm pháo kích của Triều Tiên.

Căn cứ Humphreys có diện tích hơn 14km2, chi phí xây dựng 11 tỷ USD, chủ yếu do Hàn Quốc chi trả. Humphreys sẽ trở thành nơi ở của hơn 35.000 binh sĩ, nhân viên dân sự Mỹ và các thành viên gia đình họ. Đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất được kỳ vọng sẽ giúp quân đội Mỹ phô diễn sức mạnh ở khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ngay từ khi căn cứ Humphreys chưa hoàn thiện, Triều Tiên đã phát triển nhiều loại pháo phản lực cỡ lớn, tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Pháo phản lực siêu lớn vừa được Triều Tiên phát triển được cho là có khả năng vươn tới căn cứ Humphreys, nằm cách Seoul 64km.

Binh sĩ Mỹ diễn tập chiến thuật tại căn cứ Humphreys, Pyeongtaek, Hàn Quốc ngày 8/6. (Ảnh: AFP).

"Thông báo của Triều Tiên hồi tháng 7 nói rằng họ đã phát triển các loại vũ khí có thể tấn công những 'mục tiêu béo bở' ở Hàn Quốc. Chúng tôi cho rằng các mục tiêu này là căn cứ Humphreys và căn cứ không quân Osan gần đó", cựu đại tá lục quân Mỹ David Maxwell cho biết.

Hệ thống pháo phản lực 300mm và tên lửa đạn đạo được định danh KN-23 của Triều Tiên hoàn toàn có thể bắn trúng các mục tiêu ở căn cứ Humphreys. Căn cứ không quân Cheongju, nơi triển khai tiêm kích F-35 của Hàn Quốc, cũng nằm trong tầm đe dọa của vũ khí Triều Tiên.

Quân đội Mỹ triển khai các khẩu đội Patriot và Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) để bảo vệ các vị trí trong khu vực trước nguy cơ Triều Tiên tấn công. Hàn Quốc cũng triển khai một hệ thống cảnh báo sớm, song có thể phải thiết kế lại sau khi Triều Tiên phát triển vũ khí mới.

Trước đây, quân đội Mỹ đóng rải rác dọc theo khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều. Từ khi chuyển về phía Nam, quân đồn trú Mỹ lại tập hợp thành cụm lớn, dễ trở thành mục tiêu hơn cho Triều Tiên.

"Việc Mỹ tập trung quân tại căn cứ Humphreys giúp Triều Tiên xác định mục tiêu dễ dàng. Tên lửa KN-23 được Triều Tiên thử nghiệm hồi giữa năm có đặc điểm giống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga, có đủ khả năng xuyên thủng lá chắn Patriot", chuyên gia quân sự Bruce Bennett tại Viện nghiên cứu Rand Corp cho biết.

Vị trí căn cứ Humphreys của Mỹ tại Hàn Quốc. (Đồ họa: Asia Times).

Báo cáo của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc xuất bản tháng 10/2017 nhận định Triều Tiên coi căn cứ quân sự Humphreys là mối đe dọa nghiêm trọng. "Quy mô và kích thước của Humphreys khiến Triều Tiên quan ngại. Căn cứ thể hiện khả năng đồn trú lâu dài, ổn định của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và số lượng binh sĩ có thể tăng lên nếu xảy ra khủng hoảng", báo cáo này cho biết.

Một số chuyên gia nói Triều Tiên không muốn tấn công quân đội Mỹ tại Hàn Quốc vì lo ngại bị trả đũa. Tuy nhiên, một sĩ quan quân đội Triều Tiên đào tẩu vào thập niên 1990 không đồng tình với nhận định này.

"Nếu xảy ra chiến tranh trên bán đảo, mục tiêu chính mà Triều Tiên nhằm vào là lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là lý do cố lãnh đạo Kim Jong-il tìm cách phát triển chương trình tên lửa đạn đạo bởi ông tin rằng các lãnh đạo Mỹ sẽ phải chấp nhận thất bại nếu hơn 20.000 công dân của họ chết hoặc bị thương trong khu vực", cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên cho biết trong phiên điều trần trước Quốc hội Hàn Quốc năm 1997.

Bennett cho rằng quan điểm này có thể vẫn được duy trì dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un. "Tôi đã nghe thông tin tương tự từ một sĩ quan quân đội Triều Tiên đào ngũ năm 2017", Bennett nói.

Ngoài nguy cơ bị Triều Tiên tấn công bằng vũ khí mới, căn cứ Humphreys còn đối mặt với một số vấn đề khác như các binh sĩ tại đây phải di chuyển quãng đường dài hơn tới thao trường bắn đạn thật gần khu DMZ để huấn luyện. Giao thông phức tạp giữa Pyeongtaek và Seoul, nơi đặt trụ sở Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ảnh hưởng tới hoạt động liên lạc trực tiếp với lực lượng Mỹ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Phát ngôn viên của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Jacqueline Leeker từ chối bình luận về các vấn đề liên quan đến căn cứ Humphreys. "Bất cứ tin tức nào liên quan đến hoạt động diễn tập, huấn luyện, thao trường hoặc ứng phó với khủng hoảng đều cực kỳ nhạy cảm tại thời điểm này. Triều Tiên sẽ ngay lập tức chú ý, căng thẳng trên khu vực gia tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến các nỗ lực ngoại giao", Leeker nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích