Người di cư chờ sang Anh chết trong lều ở Calais gây phẫn nộ

Thứ hai, 04/11/2019, 11:47
Một người đàn ông Nigeria 25 tuổi chết trong lều tạm ở Calais khi cố gắng bám trụ ở đây chờ vượt biển sang Anh làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về chính sách đối xử với người di cư.

Các nhóm viện trợ đã phản đối mạnh mẽ trước các điều kiện vô nhân đạo đối với người di cư và người tị nạn ở Calais, miền Bắc nước Pháp, sau cái chết của một người Nigeria cách đây khoảng một tuần.

Theo Guardian, người tị nạn này đã thắp một ngọn lửa trong lều để sưởi ấm và chuẩn bị thức ăn, sau đó, anh ta chết vì ngạt khói.

Cảnh sát Pas-de-Calais đã xác nhận sự việc trên và cho biết việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành. Đây là người di cư hoặc tị nạn thứ ba chết ở Calais trong năm nay.

Các nhóm viện trợ và đảng đối lập cánh tả bày tỏ sự phẫn nộ với sắc lệnh mới đây của thị trưởng Calais cánh hữu nhằm ngăn chặn người di cư tụ tập ở trung tâm thành phố. Calais có kế hoạch tổ chức các lễ hội văn hóa trong tháng này.

Các tổ chức từ thiện cho rằng sắc lệnh này hạn chế khả năng phân phát thực phẩm của họ cho người di cư.

Hàng trăm người tị nạn vẫn sống vật vờ, khốn khổ dọc bờ biển Pháp. (Ảnh: Guardian).

"Cái chết này thực sự mang tính biểu tượng vào thời điểm mà chính quyền địa phương đang tìm cách loại bỏ người di cư cũng như các tình nguyện viên giúp đỡ họ khỏi trung tâm thành phố với lý do mang danh giữ gìn trật tự công cộng", François Guennoc từ nhóm viện trợ l’Auberge des Migrants cho biết.

Sắc lệnh được ban hành ngẫu nhiên trùng với thời điểm diễn ra lễ hội đường phố Calais vào cuối tuần này.

Đảng Xanh, đảng Xã hội và đảng xã hội dân chủ France Unbowed từ chối tiếp nhận người di cư. Họ gán cho người di cư cái mác "ký sinh trùng" vì phải sống chui lủi ở Pháp.

Kể từ khi trại di cư tạm thời bị đóng cửa ở Calais vào tháng 10/2016, hàng trăm người sống trong cảnh "ngủ bờ ngủ bụi" dọc bờ biển. Họ chấp nhận mọi điều kiện khó khăn, tồi tệ như việc không có nhà vệ sinh.

Các tổ chức từ thiện ước tính có khoảng 400-500 người di cư ở Calais ôm hy vọng vượt biển vào Vương quốc Anh. Phần lớn họ đến từ Afghanistan, Eritrea, Ethiopia, Iran, Iraq, Pakistan và Sudan.

Theo Zing

Các tin cũ hơn