|
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình nạn nhân Cao Tiến Dũng (SN 1982), nằm sâu trong ngõ hẻm xóm Yên Quang, xã Diễn Ngọc, (huyện Diễn Châu) nghi ngút khói hương thờ vọng người quá cố. Tiếng khóc nghẹn ngào của vợ gọi chồng, anh chị gọi em, không khí tang thương bao trùm căn nhà nhỏ. Trước bàn thờ, hai con nhỏ của anh Dũng ngơ ngác, hồn nhiên nhìn di ảnh bố, các cháu còn quá nhỏ để hiểu được sự mất mát này
|
Anh em họ hàng, người dân lối xóm đến nhà nạn nhân Dũng chia buồn. |
Anh Cao Đức Hùng (anh trai Dũng) cho biết: “Gia đình mong muốn chính phủ hai nước Việt Nam và Anh có được sự thỏa thuận sớm nhất, giúp đỡ gia đình đưa thi thể Dũng về quê an táng”. Được biết, anh Dũng là con út trong gia đình có 4 người con, bố mẹ đã mất. Lớn lên, Dũng kết hôn với chị Thạch Thị Bền, vợ chồng trẻ có hai người con, cháu đầu học lớp 3 còn cháu thứ 2 học mẫu giáo. Thời điểm còn chưa đi xuất khẩu lao động, anh Dũng là ngư dân còn vợ thì buôn bán hải sản nhỏ lẻ ở chợ, sáng đi tối về. Gia đình êm ấm, rau cháo nuôi nhau qua ngày.
|
Tiếng khóc đau thương của người thân. |
Theo gia đình nạn nhân, tháng 6/2018, sau khi vay ngân hàng, anh Dũng xuất khẩu lao động tới Nga nhưng thu nhập thấp nên tiếp tục sang Đức, Pháp và qua “môi giới” tìm đường đến Anh. Khoảng 12h30p (ngày 22/10), anh Dũng thông báo chuẩn bị sang Anh, đến nơi sẽ báo tin về để gia đình chuyển tiền cho người nào đó trong “đường dây”. Từ đó, gia đình không nhận được tin tức của anh Dũng. “Dũng là người hiền lành, chịu khó, được lòng mọi người, cuộc sống gia đình khó khăn nên phải xa xứ mưu sinh”, anh Cao Đức Lực (anh em họ hàng của Dũng) chia sẻ.
|
Tiếng khóc đau thương của người thân. |
Cách gia đình anh Dũng khoảng 200m là gia đình anh Cao Huy Thành (SN 1982), hai người là bạn thân từ thuở nhỏ. Cuộc sống của gia đình anh Thành cũng thuộc vào diện khó khăn nhất của xóm. Kết hôn với chị Thái Thị Giang, đôi vợ chồng trẻ có 4 người con, cháu đầu 7 tuổi, cháu út mới 11 tháng tuổi. Thường ngày, chị Giang ở nhà chăm con nhỏ còn anh Thành bươn chải tứ phương trang trải cuộc sống gia đình. Hết làm ngư dân, anh Thành lại sang Lào lao động phổ thông nhưng thu nhập bấp bênh. Mong muốn có cuộc sống tốt hơn, để các con không chịu khổ cực, anh Thành quyết định mưu sinh ở trời Âu.
|
Hai đứa con nhà của nạn nhân Thành khóc tìm bố. |
Bế trên tay con út 11 tháng tuổi của vợ chồng Thành, chị Thái Thị Trung (chị vợ Thành) chia sẻ: “Bay sang Rumani được 3-4 ngày, Thành tiếp tục sang Đức với chi phí 200 triệu đồng. Tuy nhiên công việc không ổn định, không đủ trả nợ ngân hàng nên làm việc tại đất nước này khoảng 6 tháng, Thành quyết định sang Anh.
Tổng nợ mà vợ chồng hai em vay mượn ngân hàng khoảng 500 triệu đồng. Giờ thêm tiền lãi biết làm sao đây? Thành mất đi, tôi không biết em gái cùng 4 cháu phải xoay xở thế nào? Thời gian này, vợ Thành khóc ngất, tiều tụy bế con gọi chồng, xót xa quá”. “Nguyện vọng của gia đình mong muốn sự giúp đỡ của chính phủ hai nước Việt Nam, Anh đưa thi thể anh trai tôi về quê. Mong cộng đồng giúp đỡ gia đình anh chị”, anh Cao Huy Công (em trai Thành) nói.
Nhìn hình ảnh đứa con thơ của nạn nhân Cao Huy Thành khóc đòi bố, đòi mẹ bế làm cho những người có mặt tại đây không kìm nổi nước mắt. Vì mưu sinh, người đàn ông trụ cột gia đình đánh cược tính mạng đến miền đất hứa nơi trời Âu rồi lại ra đi mãi. Từ đây, trong căn nhà ấy, chỉ có người vợ trẻ và 4 con nhỏ nương tựa nhau.
|
Mẹ của nạn nhân Tứ thẫn thờ gọi con. |
Cùng hoàn cảnh với hai nạn nhân trên là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Đình Tứ (SN 1993, trú tại xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, huyện Yên Thành). Bàn thờ vọng người đã khuất được gia đình lập ngày 27/10. Năm 2013, Tứ đi nghĩa vụ quân sự trở về và nên duyên với chị Hoàng Thị Thương, họ có với nhau hai người con, bé đầu 5 tuổi, bé thứ 2 mới 18 tháng tuổi. Quần quật làm ăn, vợ chồng Tứ gom góp, vay mượn để xây căn nhà cấp 4.
Chưa kịp ở nhà mới, Tứ quyết định vay thêm tiền đi xuất khẩu lao động để có tiền trả nợ nhưng gặp nạn trên đường tới Anh khiến nợ chồng nợ. Khóc ngất gọi tên chồng, chị Thương bế đứa con mới đi khám ở bệnh viện về, nghẹn ngào “anh hãy về với mẹ con em, anh nói đi mấy năm khi có tiền trả nợ rồi về mà”.
Rời khỏi những ngôi nhà ấy, tiếng khóc nghẹn ngào của người thân cho người quá cố còn đọng lại. Con thiếu bố, vợ thiếu chồng, mẹ thiếu con… thổn thức cho sự đánh đổi mưu sinh đầy bi ai.
Theo Tiền Phong