|
Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. (Ảnh: AP) |
Một quan chức Mỹ giấu tên tuần trước tiết lộ với CNN rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Hàn Quốc đóng góp thêm khoảng 400% chi phí duy trì lực lượng Mỹ tại nước này trong Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA). Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từ chối xác nhận con số này, chỉ nói rằng họ "đã đề nghị tăng đáng kể chi phí đóng góp cho việc triển khai quân đội".
Truyền thông Hàn Quốc tuần trước cũng cho biết cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách đàm phán an ninh James DeHart yêu cầu Seoul chi 4,7 tỷ USD để duy trì hiện diện binh sĩ và vũ khí của Washington tại nước này, tăng gần 5 lần so với con số một tỷ USD những năm trước, nhưng Seoul phản đối.
Cuộc đàm phán SMA lần thứ 10 giữa Mỹ và Hàn Quốc năm ngoái kết thúc với thỏa thuận một năm, thay vì thỏa thuận có thời hạn dài hơn mà hai bên đã 9 lần nhất trí kể từ năm 1991. Điều này dường như báo hiệu trước rằng các cuộc đàm phán năm nay sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, bình luận viên Jonathan Cristol của CNN đánh giá đòi hỏi "trên trời" của Washington thậm chí không phải điều kiện đàm phán "nghiêm túc".
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 14/11. (Ảnh: Reuters). |
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo cho biết cuộc thảo luận về SMA hôm 19/11 sụp đổ vì "phía Mỹ bỏ về trước", sau khi Hàn Quốc từ chối trả 4,7 tỷ USD "phí bảo vệ". Đáp lại, trưởng đoàn Mỹ DeHart nói họ "cắt ngắn" cuộc họp để Hàn Quốc có thời gian xem xét lại thỏa thuận và các đề xuất của Seoul "không đáp ứng yêu cầu về chia sẻ gánh nặng một cách công bằng và hợp lý".
Cristol nhận định việc Mỹ đòi Hàn Quốc nộp thêm "phí bảo vệ" là một thông điệp vô cùng đáng quan ngại với toàn bộ đồng minh của Washington trên thế giới, đồng thời giống như món quà dành tặng các đối thủ của họ và thậm chí khiến Washington chịu tổn thất.
"Mỗi khi có cơ hội, Trump dường như luôn cố gắng đề cập đến việc các đồng minh được hưởng lợi nhờ Mỹ. Tổng thống giữ quan điểm này ngay cả trước khi lên nắm quyền và đã nhắm tới Hàn Quốc từ lâu, bởi đây là một quốc gia giàu có mà ông tin rằng nên trả thêm tiền để được Mỹ bảo vệ. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên không chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ Hàn Quốc và lực lượng Mỹ không phải đội quân đánh thuê", Cristol cho biết.
Bình luận viên này giải thích rằng trên thực tế, Seoul đã đóng góp đáng kể vào "phí bảo vệ", giúp Washington tiết kiệm tiền nhờ sự hiện diện tại nước này. Trump dường như nghĩ rằng nếu Mỹ rút khỏi Hàn Quốc, các chi phí liên quan tới việc duy trì binh sĩ sẽ biến mất. Tuy nhiên, lực lượng này luôn cần được hỗ trợ bất kể họ được triển khai ở đâu, kể cả trong lãnh thổ Mỹ.
Trong phiên điều trần năm 2016 trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ, Tướng Vincent Brooks, khi đó đang được đề cử vị trí tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, khẳng định đưa binh sĩ về Mỹ "chắc chắn" tốn kém hơn so với việc để họ đồn trú tại Hàn Quốc. Tính đến năm 2016, Hàn Quốc đã trả gần một nửa tất cả chi phí liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ và mức đóng góp của họ hiện nay thậm chí cao hơn. "Việc tăng 400% phí bảo vệ sẽ biến quân đội Mỹ thành một doanh nghiệp kiếm tiền", Cristol nhận định.
Ngoài lợi ích về tài chính, việc duy trì quân đội cũng như các cuộc tập trận chung giữa Washington và Seoul còn mang lại kinh nghiệm thực tế quý giá cho lính Mỹ, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng ứng phó trên toàn cầu, đặc biệt khi cuộc chiến của họ tại Trung Đông đang thoái trào. Quy mô các cuộc tập trận đã thu hẹp sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội hồi tháng hai và thậm chí có thể tiếp tục "hạ nhiệt".
Theo Cristol, điều đáng quan ngại hơn nữa là Trump dường như cố ý phá hủy các liên minh lâu dài của Mỹ. "Phá hủy liên minh luôn là điều cần tránh, nhưng đây là thời điểm đặc biệt tồi tệ để làm việc này", bình luận viên cho hay.
Căng thẳng Hàn Quốc và Nhật Bản leo thang khiến Seoul quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga bắt đầu tiến hành những vụ xâm nhập không chỉ trong Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Hàn Quốc, mà còn tiến vào không phận nước này trên nhóm đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima, khiến tiêm kích Hàn Quốc phải bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo. Thêm vào đó, Triều Tiên vẫn không ngừng thử vũ khí khi "hạn chót cuối năm" mà họ đề ra để Mỹ gỡ lệnh trừng phạt đang cận kề.
Một cuộc chiến tại khu vực Đông Á dường như không thể xảy ra. Tuy nhiên, cục diện này có được là nhờ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực cũng như các quan hệ song phương thành công suốt những năm qua, Cristol đánh giá. "Nếu chiến tranh nổ ra ở Đông Á, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị hủy hoại và chắc chắn kéo theo Mỹ", bình luận viên nói.
Ngoài Hàn Quốc, chính quyền Trump được cho là đang yêu cầu Nhật Bản đóng góp thêm 300% chi phí, theo nguồn tin của Foreign Policy. Cristol cho biết vấn đề không chỉ là tiền, mà Mỹ còn cần duy trì sự tin cậy như một người bạn, một đối tác, cũng như cam kết giữ gìn trật tự quốc tế và liên minh với những quốc gia có chung giá trị. Seoul và Tokyo giờ đây có quyền nghi ngờ về độ tin cậy và cam kết của Washington sau những động thái trên.
Các quốc gia bắt tay với Mỹ được cho là sẽ có kế hoạch dự phòng trong trường hợp bị Trump quay lưng. Một số nước có thể hợp tác với Trung Quốc hoặc Nga, trong khi phần còn lại có nguy cơ chạy đua vũ trang, gây căng thẳng trong khu vực.
Theo Cristol, ngay cả khi chính quyền Trump chịu từ bỏ yêu cầu "lố bịch" với Hàn Quốc, giờ đây uy tín của Mỹ cũng đã bị tổn hại và điều này không mang lại chút lợi ích nào cho Washington.