|
Hoạt động sản xuất đất hiếm tăng trưởng chóng mặt tại Trung Quốc đang tiềm ẩn thách thức lớn với nhiều nỗ lực tại Mỹ cũng như nhiều nước khác nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Á vào đất hiếm từ Trung Quốc. Đất hiếm được sử dụng trong hoạt động sản xuất rất nhiều loại sản phẩm, từ điện thoại thông minh cho đến máy bay chiến đấu.
Theo Bloomberg, trong tháng này, phía Trung Quốc công bố nâng hạn mức khai thác đất hiếm hàng năm lên 132 nghìn tấn, cao hơn 10% so với mức kỷ lục của năm ngoái. Động thái này chắc chắn sẽ gây sức ép lên giá đất hiếm trên toàn cầu và vì vậy tạo ra cú sốc với các nước đối thủ như Mỹ hay Australia. Trong tháng trước, chính phủ nhiều nước kể trên đã đồng thuận sẽ đẩy mạnh phát triển một số dự án khai thác đất hiếm mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tác giả bài báo trên Bloomberg nhấn mạnh rằng nếu bạn đang đọc bài báo này trên điện thoại thông minh, chắc chắn bạn cần phải cám ơn Trung Quốc. Quốc gia châu Á này cung cấp khoảng 70% đất hiếm của thế giới và nắm kiểm soát khoảng 90% trong thị trường 4 tỷ USD của các loại hàng hóa nguyên liệu như nam châm hay động cơ sử dụng trong điện thoại, tuốc bin gió, thiết bị điện và và thiết bị phần cứng.
Khi mà Mỹ và Trung Quốc hiện đang mắc kẹt trong các cuộc đối thoại về thương mại, có nhiều nỗi sợ về khả năng Trung Quốc sẽ hạn chế các nước tiếp xúc với loại nguyên liệu này. Tuy nhiên, cuối cùng Trung Quốc đang tăng cường đầu tư mạnh hơn, điều đó có thể khiến cho nhiều công ty ở các nơi khác lâm vào tình thế khó khăn về tài chính khi mà họ tìm kiếm đầu tư vào các dự án mới, theo phân tích của giám đốc điều hành công ty tư vấn về nguyên liệu chủ chốt Adamas Intelligence, ông Ryan Castilloux.
Mỹ cũng đang có những điều chỉnh nhất định với ngành sản xuất đất hiếm của họ. Công ty MP Materials, công ty quản lý mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ tại Mountain Pass ở California, đã khôi phục lại hoạt động kinh doanh vào năm ngoái sau khi bị ngưng lại vào năm 2015.
Năm nay, công ty nhiều khả năng sẽ tăng sản lượng lên hơn 300 nghìn tấn, tức tương đương khoảng 15% tổng sản lượng đất hiếm của toàn cầu. Giờ đây, sản phẩm đất hiếm của công ty sản xuất ra đang phải gửi sang Trung Quốc nhằm xử lý khâu cuối cùng. Thế nhưng đến cuối năm sau, điều đó có thể thay đổi, theo nhận định của giám đốc điều hành công ty JHL Capital Group LLC, công ty chủ sở hữu của MP Materials, ông James Litinsky.