Những lính Mỹ tự sát ở Hàn Quốc

Chủ nhật, 24/11/2019, 09:43
Trên xe cấp cứu, hạ sĩ Zachary Moore dần mất đi ý thức sau khi uống sạch một lọ thuốc chống trầm cảm tại căn cứ ở Hàn Quốc.

"Gọi cho mẹ tôi, xin hãy gọi cho mẹ tôi", hạ sĩ kỹ thuật Moore khẩn nài đồng đội trên chiếc xe cứu thương chạy từ căn cứ Hovey đến bệnh viện St. Mary ở Uijeongbu, Hàn Quốc vào ngày 1/8/2017.

Mẹ của Moore là Jeanette Nazario ở Florida, Mỹ, cách đó hàng nghìn km, nhận được điện thoại. "Đồng đội của Moore thông báo nó đang ở bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, họ sẽ thông báo sau khi nó ổn định trở lại", bà kể.

Nazario tràn đầy hy vọng khi một thông dịch viên tại bệnh viện cho biết kết quả kiểm tra cho thấy con trai bà không bị tổn thương não. Nhưng cuối cùng, tim của Moore ngừng đập.

"Tôi đã sẵn sàng chăm sóc con trai nốt phần đời còn lại. Khi ấy tôi nghĩ chỉ cần nó quay lại", Nazario nói. "Đó là lúc có người đến gõ cửa và báo rằng nó đã qua đời".

Moore chết tại bệnh viện St. Mary chỉ vài giờ sau khi được đưa vào đây. Hạ sĩ này là một trong ít nhất 9 binh sĩ, tuổi từ 18 đến 32, thuộc sư đoàn bộ binh số 2 đồn trú tại Hàn Quốc, tự sát trong khoảng thời gian từ tháng 5/2016 đến tháng 4 năm nay.

Đội danh dự thuộc Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc trong một buổi lễ tại căn cứ Humphreys ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Nữ binh nhì Courtney Shields, 18 tuổi, là người trẻ nhất trong số các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc tự sát. Theo Tamara Miller, cựu sĩ quan không quân và luật sư đại diện cho gia đình Shields, nữ quân nhân này mắc chứng trầm cảm vì chấn thương tâm lý và tự kết liễu đời mình ngày 26/4 khi nghỉ phép ở nhà.

Khi mới được triển khai đến Hàn Quốc làm nhiệm vụ chuyên viên hệ thống hỗ trợ tín hiệu, Shields là người hoạt bát, vui vẻ. Nhưng nữ binh sĩ này dường như đã chịu đựng một tổn thương tinh thần nào đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, theo Miller.

"Đó là lúc trạng thái tinh thần của Shields xuống dốc nhanh chóng", Miller cho hay. "Chúng tôi đang cố gắng yêu cầu lục quân Mỹ điều tra khả năng đã xảy ra một vụ tấn công tình dục đối với cô gái này".

Luật sư này cho biết trước khi chết, Shields nói với mẹ rằng mình đang tìm bác sĩ chữa chứng trầm cảm, nhưng công việc bận rộn khiến cô không thể đến khám theo lịch hẹn.

Nazario, mẹ của hạ sĩ Moore, nói rằng con trai bắt đầu thực hiện đợt triển khai 9 tháng tại Hàn Quốc từ tháng 6/2017. Gần một năm trước đó, Moore bị suy sụp tinh thần và bỏ vị trí một thời gian ngắn khi đóng quân tại căn cứ Hood, Texas.

Nazario nói Moore được điều trị sau sự cố tại căn cứ Hood và tiếp tục phải dùng thuốc chống trầm cảm khi tới Hàn Quốc. Đơn vị của Moore không trực tiếp chiến đấu, nhưng luôn trong tình trạng cảnh giác cao trước những mối đe dọa từ Triều Tiên.

"Họ đưa nó tới nơi căng thẳng nhất, dù nó có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nó không chỉ kiệt sức mà còn bị căng thẳng", Nazario nói.

Sau khi uống một lúc cả lọ thuốc chống trầm cảm để tự tử vào ngày 1/8/2017, Moore thay đổi suy nghĩ và báo với trực ban doanh trại. "Nhưng họ mất gần 30 phút mới đưa được con tôi vào xe cấp cứu, vì không hiểu vì sao phải làm như vậy, dù con tôi đã nói rõ loại thuốc mà nó đã uống", Nazario cho biết. Khi đó, Moore đã bắt đầu mất ý thức.

Hạ sĩ kỹ thuật Zachary Moore, người tự sát bằng cách uống hết một lọ thuốc an thần vào tháng 8/2017. Ảnh: Stars and Stripes.

Những vụ binh sĩ tự sát vì chứng trầm cảm khiến các bác sĩ tâm thần của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc lo ngại. Đại úy Joseph Dragonetti, bác sĩ tâm thần của sư đoàn bộ binh số 2, cho biết các binh sĩ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe tâm thần như người thường và các thách thức riêng do đặc thù công việc.

Quân đội Mỹ phải triển khai các biện pháp phòng chống tự sát, trong đó có nâng cao nhận thức về tự sát, mở thêm phòng khám và triển khai đánh giá sức khỏe tâm thần định kỳ. Các chỉ huy cũng tìm cách xóa bỏ định kiến cho rằng việc tìm kiếm trợ giúp từ chuyên gia tâm thần gây ảnh hưởng xấu đến cơ hội thăng tiến.

Nỗ lực của các bác sĩ tâm thần giúp ngăn một số vụ tự sát trong lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc thời gian gần đây. Binh nhất Austin Farrell, 22 tuổi, muốn tự sát vì thấy cô đơn do vợ chưa cưới đòi chia tay và những xung đột với cấp trên.

Trung sĩ William Smith biết chuyện của Farrell khi nghe các sĩ quan khác kể lại nên quyết định sẽ giúp đỡ anh ta. "Tôi được kể rằng có một người lính cảm thấy chán nản và nghĩ đến việc làm hại bản thân. Tôi chỉ đơn giản nói rằng hãy để tôi lo cho anh ta", Smith nói.

Smith đã đưa Farell đến phòng khám sức khỏe tâm thần tại bệnh viện ở Seoul, nơi từng là viện quân y. Farell chia sẻ những khó khăn của bản thân với Smith, từ nỗi bất bình vì cách đối xử của cấp trên khiến binh nhất này cảm thấy vô dụng cho tới nỗi cô đơn của bản thân. Cuối cùng, Farell đã bỏ hẳn ý định tự tử.

"Tôi từng nghĩ mình sẽ cô đơn đến hết đời, song Smith khiến tình thế thay đổi. Khi ấy tôi đứng trên bờ vực bị loại ngũ. Smith nhiều lần đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong đời, ông ấy cho tôi thấy cuộc đời không phải lúc nào cũng tối tăm và ta nên hướng đến những điều tươi sáng", Farell nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn