Hà Nội muốn cấm xích lô du lịch

Thứ sáu, 06/12/2019, 08:56
Hà Nội đang nghiên cứu việc dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố. Ngành giao thông không đưa ra lý do cụ thể, còn phía cảnh sát giao thông thì lo ngại xích lô "dù" chặt chém.

Đi xích lô quanh phố cổ là một trải nghiệm thú vị cho khách nước ngoài tới Hà Nội

UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. Đáng chú ý, TP.Hà Nội cho biết đang nghiên cứu dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người và dừng hoạt động đối với xe xích lô.

Theo đó, xe ba bánh phục vụ đi lại của thương binh và người khuyết tật khi tham gia giao thông phải được đăng ký, đề xuất quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Sở Tư pháp đang lấy ý kiến liên ngành để hoàn chỉnh việc thẩm định trình UBND TP.

Lộn xộn, khó quản lý

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ban ngành, các quận, hiệp hội liên quan xin ý kiến góp ý đánh giá tác động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đi lại, kinh doanh, du lịch khi dừng hoạt động với loại hình xích lô.

Phóng viên đã đặt câu hỏi đề xuất cấm xe xích lô có nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan không, vì xích lô liên quan đến hoạt động du lịch văn hóa của thủ đô hiện nay. Tuy nhiên ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, không trả lời. Thay vào đó, ông Viện cho biết đề xuất cấm xích lô “đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy định”.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội thì cho biết vừa xem xét cấp phép lưu hành cho khoảng 100 xe hoạt động thuộc các công ty du lịch như Công ty Văn Hóa, Công ty Huy Phong... Tuy nhiên, số lượng xe không được cấp phép hoạt động lớn hơn rất nhiều so với con số được cấp phép, do nhu cầu khách du lịch với loại hình này khá cao, dẫn tới lộn xộn, khó khăn cho công tác quản lý. Riêng khu vực phố cổ và xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng đã có tới xấp xỉ 400 xe xích lô đang hoạt động.

Nét văn hóa cần giữ

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA, khá ngạc nhiên khi xích lô lại lọt vào tầm ngắm của việc cấm. “Xích lô là một nét văn hóa của Hà Nội. Hiện nó được sử dụng trong hai việc: chở khách du lịch và đi ăn hỏi. Cách đây 30 năm, nó như phương tiện vận tải chính như taxi hiện nay. Bây giờ người ta không lựa chọn xích lô nữa. Nó như một trải nghiệm văn hóa thì đúng hơn. Vì thế, xích lô chở khách du lịch nước ngoài là chính, khách Việt đi cũng ít. Nói chung, ở Hà Nội, dịch vụ xích lô không ảnh hưởng gì đến giao thông đến mức phải cấm cả”, ông nói.

Cũng theo ông Đạt, trong nhiều chương trình tour cho khách nước ngoài thì đều có phần thăm Hà Nội 36 phố phường bằng xe xích lô. “Ở đấy khách có trải nghiệm khá thú vị. Xích lô cũng được các công ty quản lý, không bị lộn xộn. Việc đặt xe cũng do công ty du lịch đặt qua công ty xích lô. Vì thế nó cũng được quản lý khá quy củ. Về tuyến đường, khách du lịch chỉ tập trung 36 phố phường thôi. Với việc thuê xích lô bê tráp ăn hỏi, chỉ người nào ở khoảng cách độ 5 km trở lại mới dùng xích lô. Nếu có cũng là nét đẹp. Không cần phải đến mức xóa bỏ đi. Dần dần nét văn hóa truyền thống bị mất”, ông Đạt phân tích.

TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), so sánh xích lô với các loại xe truyền thống khác. “Du lịch các nước Đông Nam Á vẫn giữ các xe truyền thống. Tuk tuk của Thái Lan chẳng hạn, Indonesia cũng một loại xe tương tự. Tôi nghĩ nó thích hợp cho việc đi thăm phố cổ. Đến một lúc nào đó những phố như Tạ Hiện sẽ thành phố Tây chứ không phải phố để sinh hoạt nữa thì việc có sử dụng xe truyền thống trong đó càng cần. Tuy nhiên, nên có khuyến cáo khách về mức tiền tip, cũng như có đào tạo với người lái xích lô về thái độ”, bà Thủy nói.

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng cho rằng không nên cấm xích lô. “Bản thân xích lô cũng tạo nên bản sắc riêng của Hà Nội, một nét văn hóa giao thông với một thành phố nho nhỏ. Nó tạo nên bản sắc để người ta muốn đến, muốn trải nghiệm. Thực tế cho thấy là nó đẹp, thơ mộng, phù hợp với nhu cầu của khách, của xã hội. Phải để nó lại để phục vụ du lịch chứ. Vấn đề là quản lý thôi. Khó thì phải tìm cách quản lý chứ không phải khó mà cấm cả thì không nên”, ông Huy nói.

Về việc cấm hay không xích lô ở Hà Nội, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: “Các ngành cũng còn đang nghiên cứu. Quan điểm của Sở Du lịch Hà Nội là làm sao để các hoạt động dịch vụ phải theo đúng chủ trương và quy định của pháp luật”.

Ông Hải nhấn mạnh: “Dịch vụ du lịch ở Hà Nội luôn hướng tới chất lượng dịch vụ, đấy mới là vấn đề quan trọng nhất để bảo đảm quyền lợi cho khách. Nó còn đảm bảo được hình ảnh cho du lịch thủ đô. Hà Nội đang xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn nên các thành tố phục vụ du lịch trong đó có xích lô cũng vậy”.

Lựa chọn không thể thiếu của khách du lịch
Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết tour xích lô là một trong những lựa chọn không thể thiếu của khách du lịch, bên cạnh các hình thức du lịch thông dụng như walk tour (du lịch bộ quanh phố), food tour (du lịch ẩm thực), hoặc du lịch bằng xe Vespa..., đặc biệt là với du khách nước ngoài.
Thông qua những người lái xích lô cùng những câu chuyện thường nhật của họ, du khách sẽ được hiểu thêm nhiều hơn về văn hóa, cách sinh hoạt, lối sống của người dân. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng trên dưới 10 doanh nghiệp chuyên kinh doanh xích lô tour, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Tại Đà Nẵng, Đội xích lô du lịch Đà Nẵng được thành lập năm 2003, ban đầu có 70 thành viên. Đội trưởng Nguyễn Quốc Thịnh cho biết những năm gần đây nhu cầu du khách tăng cao, nên Trung tâm xúc tiến du lịch TP.Đà Nẵng (thuộc Sở Du lịch) đã đóng thêm 13 xe, nâng tổng số xích lô lên 83 chiếc.
Đội xích lô du lịch do ngành du lịch quản lý, nhằm xóa bỏ tình trạng chèo kéo khách, giành giật mối chạy xe, đưa hoạt động phục vụ du khách vào quy củ. Mỗi năm, Đà Nẵng tổ chức hai đợt kiểm tra bảo dưỡng xe định kỳ miễn phí. Bên cạnh đó, thành viên được bồi dưỡng ngoại ngữ hằng năm...

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn