>> Vụ "bé gái phát cháy": Bác sỹ trực tiếp điều trị nói gì?
>> "Cô bé gây cháy" dư thừa năng lượng sinh học?
>> Các nhà ngoại cảm chẩn đoán cô bé gây cháy
>> Lần đầu ghi nhận hỏa hoạn ở nhà cô bé 'gây cháy'
Thừa nhận trong quá trình khảo sát một hiện tượng nào đó, các nhà nghiên cứu có quyền đặt ra giả thiết kiểu như "bé tự đốt" của trường Hồng Bàng, song Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Liên hiệp Khoa học UIA) cho rằng, bất kỳ một công bố khoa học nào cũng cần phải đưa ra được bằng chứng chứng minh.
"Không loại trừ khả năng cháu dùng đèn khò để đốt, nhưng công bố khoa học đưa ra mà chưa được kiểm chứng sẽ gây hoang mang dư luận, oan ức cho đối tượng được nghiên cứu nếu sự thật không phải vậy", ông nói.
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc khẳng định cháu bé dùng hộp quẹt đốt là thiếu cơ sở khoa học. Ảnh: T.T. |
Ông Khanh cho biết, cách đây 3 ngày ông có nhận được thư của gia đình cháu Thùy nhờ vào cuộc để tìm nguyên nhân để chữa trị cho bé. Tiếp nhận trường hợp này, đoàn các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học UIA và Viện Hình sự (Bộ Công an) sẽ vào cuộc để điều tra trong thời gian sắp tới.
UIA là đơn vị có nhiệm vụ khảo nghiệm và ứng dụng những khả năng đặc biệt của con người, có chức năng tham mưu cho Viện Hình sự trong việc dự báo thông tin về tội phạm. Sự kết hợp của hai đơn vị này đã phá được hàng nghìn vụ án hình sự nghiêm trọng cũng như lật tẩy được những vụ ngụy tạo hiện trường giả. Tính đến thời điểm này đây là hai cơ quan khoa học chính thống mang tầm quốc gia đầu tiên vào cuộc vụ bé gái "gây cháy".
Theo tiết lộ của ông Khanh, những biện pháp và thiết bị chuyên dụng trong công tác điều tra tội phạm hình sự như: camera, máy đo vạn năng trong ngành điện, từ trường... sẽ được dùng để xác minh sự thật.
"Đầu tiên chúng tôi sẽ tiến hành khoanh vùng xem có ai cố tình tạo ra hiện trường hỏa hoạn giả hay không. Nếu loại trừ khả năng này thì các bước tiếp theo sẽ dùng máy đo từ trường, đo các yếu tố môi trường, sinh học.... Nếu các vấn đề này không thấy thì yếu tố tâm linh cũng sẽ được xem xét", ông Khanh nói. Tuy nhiên ông từ chối thông tin cụ thể về biện pháp nghiệp vụ và thời gian bắt đầu tiến hành để đảm bảo tính bảo mật trong nghiên cứu khoa học.
|
Nắp bồn cầu trong nhà vệ sinh bị cháy xém cũng được cho là cháu bé tự đốt, trong khi mẹ cháu khẳng định ngay lúc đó bé không có mặt ở đó. Ảnh: T.T. |
Tuần qua ngoài đoàn khoa học Đại học Hồng Bàng còn có một nhóm các nhà vật lý học tại TP HCM đã đến nhà bé Thùy khảo sát. Đoàn này cũng nhận định khả năng là một tác nhân khác chứ không phải do cá nhân cháu bé. Sau khi tiến hành lấy các mẫu vật cháy và đo đạc, phân tích các thông số liên quan đến năng lượng, điện, sóng... cuối cùng nhóm này quyết định "rút lui" vì không thấy dấu hiệu khác thường.
Từng được tiếp cận với mẫu các vật dụng bị cháy lấy từ nhà bé Thùy, Tiến sĩ Vật lý - Điện tử Nguyễn Đắc Hiền, Phân viện trưởng Phân viện Bảo hộ lao động TP HCM cho rằng, nếu quan sát bằng mắt thường thì nhận định "bé dùng bật lửa khò của Trung Quốc đốt" không phải là không có cơ sở.
Tuy nhiên Tiến sĩ Hiền đánh giá những kết luận được công bố cho đến giờ "vẫn võ đoán và chưa đủ cơ sở khoa học". Theo quan điểm của ông, trong trường hợp đặt giả thiết em bé lấy hộp quẹt đốt thì phải tiến hành lấy mẫu vật cháy, đưa về phòng thí nghiệm để phân tích xem bụi than có thành phần chất nào, cháy bằng chất đốt nào...thì mới có cơ sở để khoanh vùng nguyên nhân. Ngoài ra còn phải xem xét nguồn cháy ở đâu để nhận định một đứa trẻ 11 tuổi có khả năng với tới để đốt cháy các vật dụng đó hay không.
Về phía gia đình, cha mẹ của bé Thùy cho biết rất "sốc" khi nghe kết luận nguyên nhân cháy và sự ra đi "không một lời từ biệt" của đoàn khoa học Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
"Cái tôi cần là sự bình an trong gia đình, con tôi được đi học và được phát triển như một đứa bé bình thường nên mong các nhà khoa học vào cuộc giúp đỡ tìm ra sự thật. Nếu khảo sát thấy thực sự là con tôi đốt thì tôi muốn biết cụ thể bằng chứng như thế nào để chúng tôi yên tâm. Đằng này Đại học Hồng Bàng đưa ra kết luận mà không chứng minh cụ thể đã rút lui", mẹ cháu bé vẻ mệt mỏi nói.
Mẹ bé Thùy cũng cho rằng con gái mình không hề có vấn đề gì về thần kinh hay khủng hoảng tâm lý hoặc thiếu thốn tình cảm gia đình. Gia đình cho biết sẽ tiếp tục gửi thư đến các tổ chức khoa học uy tín khác để nhờ hỗ trợ.
|
Trước đó các nhà cảm xạ học Đại học Hồng Bàng đeo vòng thạch anh đen để cho em bé để "trấn năng lượng" thì hiện tượng cháy có giảm nhưng em lại lên cơn co giật. Ảnh: T.T. |
Theo dõi diễn biến vụ việc này từ đầu đến giờ, Phó giáo sư Tiến sĩ Y học Nguyễn Văn Thọ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý học thực hành cho rằng một đứa trẻ 11 tuổi không thể nghĩ ra những chiêu trò tự đốt nhà như thế, trừ khi có người lớn đứng sau "giật dây". Vì thế theo ông, việc đầu tiên một nhà nghiên cứu cần làm là theo dõi xem khả năng này có thể xảy ra không.
Ông Thọ cũng ngỏ ý đề mong các nhà khoa học phải hết sức bình tĩnh khi tiếp cận một vấn đề mới mẻ như thế này. Không khẳng định hay phủ nhận cháu Thùy có "khả năng đặc biệt" hay không nhưng ông Thọ khuyến nghị cần xem trường hợp này lại một hiện tượng lạ và có một hướng đi mở trong nghiên cứu để thừa nhận cái mới và không đưa ra những kết luận quá bảo thủ.
"Trên thế giới từng có nhiều tài liệu khẳng định năng lực tâm thần của con người là rất lớn, nó lớn hơn cả năng lượng của nguyên tử hạt nhân. Mỗi người chúng ta đều có thể có khả năng tiềm ẩn nào đó nhưng chưa được kích hoạt". Ông Thọ đơn cử như trường hợp của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Bích Hằng sau một lần bị chó cắn chết lâm sàng thì có khả năng nhìn được cõi âm, một người khác có khả năng chữa bệnh sau khi bị điện cao thế giật...
Cũng theo quan điểm của ông Thọ, nếu chỉ áp dụng các phương pháp của vật lý học hiện đại để nghiên cứu thì chưa thể tiếp cận được đến nơi đến chốn nếu thực sự bé Thùy có năng lực siêu nhiên nào đó. Vì thế ông cho rằng, hiện tượng này thuộc lĩnh vực nghiên cứu của ngành "cận tâm lý học" - một ngành khoa học mới ra đời là sự kết hợp của 3 lĩnh vực: tâm lý học, sinh học và vật lý học.
Theo VNE