>> Không ai ngờ, sau những nụ cười vui vẻ, họ đã chết hết
>> Trung Quốc: Ôm hôn thi thể vợ hơn 6 tiếng
Mấy ngày nay, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Vương (ở thôn 5, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) đứng ngồi không yên khi 3 vuông tôm nuôi của gia đình bỗng nhiên chết đỏ mặt hồ.
Anh Vương than thở, mặc dù gia đình đã chọn giống, xử lý kỹ ao trước khi thả nuôi nhưng tôm vẫn bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Tính riêng vụ này vợ chồng anh thua lỗ gần 60 triệu đồng.
Ông Lê Văn Hiệp, chuyên viên thủy sản - Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, nuôi trồng thủy sản hiện là thế mạnh của huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Hòa… Những năm gần đây, cùng với phát triển ồ ạt các khu, cụm công nghiệp, môi trường nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm liên tiếp xảy ra, khiến nhiều hộ nuôi tôm thua lỗ đành bỏ hoang ao hồ.
Ngay như vụ tôm năm nay, toàn huyện thả nuôi 600ha tôm, nhưng đến thời điểm này đã có khoảng 30% diện tích bị dịch chết. Theo ông Hiệp, năm nay dịch bệnh trên tôm xuất hiện nhiều và lây lan nhanh hơn so với năm ngoái. Ngoài nguyên nhân khách quan là nắng nóng bất thường, ô nhiễm môi trường, thì việc không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày cũng làm dịch bệnh gia tăng.
Tôm chết do bệnh
Không riêng gì huyện Núi Thành, nhiều vùng nuôi tôm ở các xã: Bình Nam, Bình Hải, Bình Giang (huyện Thăng Bình), xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ)… cũng rải rác xuất hiện tôm chết do dịch bệnh.
Kết quả mẫu kiểm tra của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho thấy, hầu hết tôm bị bệnh ở giai đoạn 1 - 1,5 tháng đầu, chủ yếu là do bị bệnh virus đốm trắng, vi khuẩn, bị sốc do biến động nhiệt độ trong điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hiện, tần suất các mẫu tôm bị nhiễm virus ngày càng tăng.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, Chi cục đã cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn bà con cách xử lý ao nuôi và có biện pháp phù hợp, trong đó tuân thủ nguyên tắc “3 không” (không giấu dịch, không xả thải nước bể, ao/đầm nuôi tôm chưa qua xử lý mầm bệnh ra bên ngoài; không xả bỏ tôm bệnh, tôm chết ra ngoài môi trường).
Về lâu dài, Chi cục cũng đã lập Đề án quy hoạch 6 vùng nuôi tôm ở các huyện ven biển, kinh phí đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, sau gần 9 năm được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt, đến nay Đề án vẫn chưa triển khai.
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Nam sớm triển khai sắp xếp, quy hoạch vùng nuôi theo hướng bền vững. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng nuôi tôm tự phát, khiến dịch bệnh liên tiếp xảy ra như hiện nay.
Theo VOV