Hà Nội: Quán trà đá không lời

Chủ nhật, 13/05/2012, 14:23
Gần 10 năm qua, ở một góc phố nhỏ ngã ba Đoàn Thị Điểm - Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, ngày ngày vẫn có một quán trà đá là nơi giao lưu gặp gỡ của những người cùng cảnh ngộ không thể nghe và nói được. Đó là quán trà đá của chị Nguyễn Thị Lan.


>> Pháp: Đỏ mặt tới thăm thị trấn khỏa thân 
>> 5 người Mẹ nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới


Uống trà kí hiệu

Điều đặc biệt ở quán nước này là từ chủ quán đến khách đều bị câm, điếc bẩm sinh. Họ đến đây không chỉ để uống trà đá mà còn để hàn huyên, tâm sự và tìm sự đồng cảm giữa những người cùng chung hoàn cảnh.

Ai mới đến sẽ rất khó để hiểu được mọi người đang nói gì, vì cả quán nước đều dùng một ngôn ngữ đặc biệt. Rất ít những tiếng nói cười huyên náo. Chỉ có những cánh tay nhịp nhàng giơ lên, đưa xuống, bàn tay xòe ra, nắm vào cùng những ánh mắt nhìn nhau đầy yêu thương.

Lần đầu tới quán, tôi gọi một cốc trà đá đến mấy lần mà chị Lan vẫn không hay biết. Tôi không biết cách ra hiệu bằng tay nên không biết làm thế nào để chị hiểu được ý tôi. Rồi chị bèn lấy một mẩu giấy nhỏ viết lên đó: “Em uống gì, để chị lấy?” Tôi viết trả lời chị: “Chị cho xem xin một cốc trà đá với mấy chiếc kẹo lạc”. Lúc đó tôi mới biết đây là quán trà đá của những người bị câm điếc. Cũng bằng cách đó, tôi mới có thể trò chuyện được với mọi người trong quán và tìm hiểu được hoàn cảnh của chủ nhân quán trà đá này.


Mọi người trong quán trà đá chị Lan đều nói chuyện bằng ngôn ngữ kí hiệu


Chị Lan năm nay đã ngoài 40 tuổi, hiện đang trọ cùng chồng ở căn gác nhỏ trên phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, bố chị mất đã lâu, chị bị câm điếc bẩm sinh và đang nuôi mẹ già năm nay đã ngoài 70 tuổi thường xuyên đau yếu.

Quán trà đá này được chị mở từ năm 2002. Những ngày đầu, chị tưởng chừng sẽ sớm phải đóng cửa quán để tìm kế khác sinh nhai. Vì mọi người đến đây uống nước, đều không biết làm cách nào để chị có thể nghe và hiểu được nên họ bỏ sang quán khác. Chị ngồi cả ngày không bán được hàng.

Nhưng rồi, một buổi tối, có hai người bị câm điếc tìm đến, họ dùng tay ra hiệu cho chị gọi hai cốc trà đá. Gặp người đồng cảnh, chị hàn huyên, tâm sự với họ vui mừng khôn xiết. Cuộc hội ngộ tình cờ, nhỏ bé ấy đã đem lại cho chị và hai người khách nhiều niềm vui.

Những hôm sau, họ thường xuyên ghé qua quán trà đá của chị để nói chuyện và rủ cả những bạn bè cùng bị câm điếc như họ đến. Người này mách người khác, dần dần, quán trà đá của chị Lan trở thành địa chỉ gặp gỡ của những người câm điếc.

Nhiều em nhỏ trong trường câm điếc Xã Đàn ở gần đó cũng ghé qua đây tìm niềm vui. Vì cả quán nước đều nói chuyện bằng ngôn ngữ kí hiệu nên khu phố đã gọi đây là quán trà đá không lời.

Quán nước chị Lan thường mở từ 12 giờ trưa đến 11 giờ đêm. Hôm nào chị Lan đi vắng thì anh Hải và mẹ chị là cụ Nguyễn Thị Dậu thay nhau trông quán nước. Với những người bình thường, chị lấy 2000 đồng một cốc trà đá, nhưng với những người đồng cảnh ngộ, chị chỉ lấy mỗi cốc 1000 đồng. Quán nước của chị ngày càng đông khách. Không chỉ có những người bị câm, điếc mà nhiều người bình thường cũng tìm đến để học và nói chuyện bằng ngôn ngữ kí hiệu.
 

Nơi xe duyên những mối tình câm

Có những yêu thương không thể cất lên thành lời nhưng vẫn có thể trao cho nhau bằng cử chỉ, hành động. Quán trà đá của chị Lan là nơi đã xe duyên cho nhiều mối tình câm rất đẹp. Năm 2008, chị Lan đã đứng ra làm mối cho anh Long quê ở Thái Bình và chị Trang quê ở Hưng Yên, đều là những người bị câm, điếc nên duyên vợ chồng.

Sau khi cưới nhau, anh Long và chị Trang đã về quê làm ăn, nhưng mỗi khi lên Hà Nội, họ vẫn ghé qua quán trà đá chị Lan tâm tình, trò chuyện. Vì thế mà mọi người còn biết đến quán nước của chị với một tên gọi khác là quán trà đá xe duyên những mối tình câm.

Chị Lan và chồng mình, anh Nguyễn Văn Hải cũng nên duyên từ quán trà đá này. Anh Hải làm nghề chở xe ôm ở ngã ba Đoàn Thị Điểm – Tôn Đức Thắng. Ngày chị mới mở quán trà đá, anh thường xuyên giúp chị chở hàng ra bày bán. Những lúc chị có việc đi vắng thì nhờ anh trông giúp quán nước. Anh trở thành khách thường xuyên không thể thiếu mỗi ngày của quán trà đá không lời.

Khi biết hoàn cảnh của chị, anh rất thương cảm và đem lòng yêu mến. Anh quyết tâm học ngôn ngữ kí hiệu để có thể nói chuyện được với chị Lan và mọi người trong quán mà không cần đến giấy bút. Nhiều đêm khuya, khi khách đến uống nước đã ra về hết, chỉ còn lại anh ngồi lại tâm sự với chị Lan rất lâu. Tình cảm của hai người ngày càng gắn bó. Rồi họ đã đem lòng yêu thương nhau từ quán trà đá này.

Mấy tháng sau, đám cưới của hai người được tổ chức đơn sơ, giản dị nhưng ngập tràn hạnh phúc. Người đến tham dự hầu hết là những khách quen của quán trà đá không lời. Ai nấy đều mừng rơi nước mắt, nhất là mẹ già của chị.

“Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến ngày mình sẽ được tổ chức đám cưới như thế. Anh ấy đến với tôi giữa lúc tôi và mẹ già đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Anh ấy không chỉ là một người chồng tốt mà còn là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, là người bạn thấu hiểu mọi tâm sự, nỗi lòng của tôi.” – Chị Lan viết ra giấy cho tôi.

Hiện tại, anh Hải vẫn làm nghề xe ôm, và mỗi buổi chiều, anh lại giúp chị Lan mang đồ đạc, hàng quán ra bày bán. Khuya, khi đường phố Hà Nội đã vắng người qua lại, hai vợ chồng anh chị mới lặng lẽ thu dọn hàng để về nhà.

Gía trị của cuộc sống, đôi khi được góp nhặt từ những điều bình thường mà giản dị như thế!

Theo Nhân Dân

Các tin cũ hơn