Tuyệt chiêu tiết kiệm của sinh viên thời bão giá

Chủ nhật, 13/05/2012, 14:59
Khi nghĩ đến cảnh bố mẹ ở quê phải chắt chiu từng đồng để chu cấp cho con có đủ cái ăn, cái học khiến bao cô cậu sinh viên nhiều khi tủi thân đến bật khóc. Những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của mẹ cha đáng quý đấy nhưng nó vẫn không thấm vào đâu với giá cả leo thang ở thủ đô.

>> 5 người Mẹ nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới
>> Không ai ngờ, sau những nụ cười vui vẻ, họ đã chết hết


Hàng trăm thứ phải chi

Đối với các cô, cậu sinh viên về Hà Nội học, để chi tiêu đủ ăn hàng tháng trong khoản tiền trợ cấp của bố mẹ, các em phải vô cùng chắt bóp.

“Mỗi tháng bố mẹ cho em 1 triệu bao gồm tất cả các khoản chi tiêu. Riêng tiền ăn tiết kiệm cũng mất 600 nghìn/ tháng. Với số tiền đó sống ở đất thủ đô trong thời kỳ giá cả leo thang như bây giờ là vô cùng khó khăn. Nhưng đối với gia đình mình thì số tiền đó đã là sự cố gắng lắm rồi” – Nguyễn Thị Mai sinh viên Đại học Công Đoàn chia sẻ.


Trong thời kỳ bão giá thì rau xanh luôn là thực phẩm được các bạn sinh viên
ưu tiên hàng đầu


Với Mai cùng nhiều bạn sinh viên khác, nếu không có số tiền hỗ trợ vay vốn của ngân hàng chính sách dành cho sinh viên, có lẽ các em đã phải từ bỏ giấc mơ ngồi trên giảng đường Đại học. Tuy nhiên, với hạn mức vay nhiều nhất là 860.000 đồng/tháng chưa thấm vào đâu với tình hình lạm phát như hiện nay.

Bạn Phạm Thanh Hà – sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết: “Riêng học phí cũng đã mất 350 nghìn/tháng. Chưa kể đến tiền phòng, tiền sinh hoạt phí và những khoản phát sinh khác. Sinh viên bọn em phải chủ động kiếm việc làm bán thời gian mới có thể trang trải cho việc học tập”.
 

1.001 tuyệt chiêu tiết kiệm của sinh viên

Giá cả leo thang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên. Khoản chu cấp hạn hẹp của gia đình buộc sinh viên phải ăn tiêu một cách hợp lý, đồng thời nghĩ ra vô vàn chiêu trò để thực hiện chính sách “siêu tiết kiệm”.

Bạn Trần Thị Minh – sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội thực hiện tiết kiệm bằng cách dậy sớm đi chợ đầu mối mua thực phẩm. “Mỗi tuần một lần mình cùng các bạn trong xóm trọ dậy sớm đi chợ đầu mối Dịch Vọng.

Thực phẩm ở đó rẻ hơn rất nhiều so với những chợ cóc khác. Làm cách này mỗi tháng bọn mình cũng có thể tiết kiệm được mấy trăm nghìn, với sinh viên nghèo đây thật sự là một khoản tiền tiết kiệm không nhỏ”.

Cũng với tiêu chí tiết kiệm, bạn Trịnh Thị Hoa – sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền lại thực hiện “tay xách nách mang” từ quê ra Hà Nội. “Mỗi lần về quê mình lại đèo gạo và những thực phẩm có thể để được lâu như lạc, ruốc, cá mắm… nhờ vậy cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể”.

Không nhanh nhẹn như các bạn nữ, nhiều nam sinh đã nghĩ ra những độc chiêu bằng cách “góp gạo thổi cơm chung”.

“Thay vì tự đi chợ nấu ăn, tháng này mình chủ động đề nghị nấu ăn cùng với hai bạn nữ phòng bên cạnh. Mỗi tháng chỉ mất 600 ngàn đồng mà vẫn được ăn uống tương đối đầy đủ. Có bàn tay phụ nữ mọi việc trở nên suôn sẻ hẳn” - Nguyễn Ngọc Quang, sinh viên trường Đại học Thương Mại chia sẻ.

Với phương châm “thà thiếu đạm nhưng không thể thiếu vitamin” nhiều bạn sinh viên lại thực hiện tiết kiệm bằng cách tăng cường ăn rau xanh và hạn chế thịt cá. Thậm chí có những bạn lại đối phó với tình hình giá cả leo thang bằng chiêu “giã chiến mì tôm”.

Với bài toán tiết kiệm như trên của các bạn sinh viên đã giúp các bạn “sống sót” trong thời gian “bão giá”. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế, bởi những bữa ăn đạm bạc sẽ khiến các bạn không đủ sức khỏe để học tập và làm thêm với mục đích trang trải cuộc sống và đỡ gánh nặng chi tiêu cho cha mẹ.
 

Theo Hà Nội Mới

Các tin cũ hơn